Hà Nội triển khai chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu

Theo tính toán, lượng hàng hóa thiết yếu thường xuyên đáp ứng 35% nhu cầu thị trường trong một tháng. Nhóm hàng hóa huy động tăng cường trong dịp Tết chiếm khoảng 35% nhu cầu thị trường trong dịp Tết.
Hà Nội triển khai chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu ảnh 1Các siêu thị đảm bảo việc cung ứng hàng hóa thiết yếu, phục vụ mua sắm. (Ảnh: PV/Vietnnam+)

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 193/KH-UBND về việc thực hiện chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2022, thời gian thực hiện đến hết tháng 5/2023.

Kế hoạch nhằm mục tiêu bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu của nhân dân Thủ đô về các mặt hàng thiết yếu trong mùa mưa bão, những ngày lễ, tháng cuối năm 2022, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 và các thời điểm dịch bệnh bất thường xảy ra.

Đặc biệt, Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở, đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi... Khuyến khích đẩy mạnh đầu tư, phát triển, đa dạng hóa mạnh lưới phân phối nhằm đảm bảo hàng hóa trong Chương trình đến tay người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng, trực tiếp…

[Bộ Công Thương nêu 3 giải pháp bình ổn thị trường và giá xăng dầu]

Theo kế hoạch, các nhóm hàng và lượng hàng hóa thiết yếu được xác định cần cân đối cung-cầu gồm: Lương thực (gạo, mì, phở khô...), thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả tươi, đường, dầu ăn, gia vị (nước mắm, nước chấm, bột canh...), sữa (sữa nước, sữa bột…), mứt Tết, bánh kẹo, nước giải khát và những nhóm hàng thiết yếu phòng, chống thiên tai, dịch bệnh…

Trong đó, dự kiến nhu cầu tiêu dùng gạo khoảng 96,7 nghìn tấn/tháng, tương đương 1,16 triệu tấn/năm. Sản lượng sản xuất gạo của thành phố là 679,1 nghìn tấn/năm. Nguồn cung gạo của thành phố đáp ứng khoảng 58,5% nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, lượng gạo còn lại được khai thác từ các tỉnh lân cận thuộc khu vực phía Bắc, một phần từ các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long và nhập khẩu.

Về thịt lợn, dự kiến nhu cầu tiêu dùng khoảng 19,3 nghìn tấn lợn hơi/tháng, tương đương 232,2 nghìn tấn/năm. Về thịt gà, vịt nhu cầu tiêu dùng khoảng 6,4 nghìn tấn/tháng, tương đương 77,4 nghìn tấn/năm.Thủy, hải sản khoảng 64,5 nghìn tấn/năm, thực phẩm chế biến khoảng 64,5 nghìn tấn/năm… và rau củ khoảng 1,29 triệu tấn/năm.

Theo tính toán, lượng hàng hóa thiết yếu thường xuyên đáp ứng 35% nhu cầu thị trường trong một tháng. Nhóm hàng hóa huy động tăng cường trong dịp Tết chiếm khoảng 35% nhu cầu thị trường trong dịp Tết.

Thành phố yêu cầu các cơ sở tham gia Chương trình chủ động gửi thông báo giá bán các mặt hàng tham gia về Sở Công Thương khi đăng khi tham gia và khi có thay đổi về giá bán. Đối với nhóm hàng sửa cho trẻ em dưới 6 tuổi, thực hiện theo hướng dẫn và chỉ đạo của Bộ Công Thương và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Hàng hóa tham gia Chương trình phải đảm bảo về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng trong điều kiện bình thường cũng như khi có biến động giá.

Thành phố Hà Nội cũng giao Sở Công Thương chủ trì công tác nắm bắt thông tin thị trường, tổ chức, điều phối hàng hóa của các doanh nghiệp khi thị trường có biến động theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và Ủy ban Nhân dân thành phố, chủ trì thẩm định hồ sơ và ban hành quyết định công nhận danh sách các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện Chương trình.

Ủy ban thành phố yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thành phố Hà Nội chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn xây dựng chương trình, cơ chế, lãi suất cho vay ưu đãi cho các khách hàng tham gia Chương trình, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục