Hàn Quốc đứng trước nguy cơ rơi vào “khủng hoảng ngoại giao”

Nhiều ý kiến trong chính giới và học giả Hàn Quốc cho rằng Seoul đang thiếu một chiến lược ngoại giao khu vực và đang bị xa lánh trong bối cảnh Mỹ và Nhật Bản tích cực tăng cường quan hệ đồng minh.
Hàn Quốc đứng trước nguy cơ rơi vào “khủng hoảng ngoại giao” ảnh 1Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se. (Nguồn: THX/TTXVN)

Truyền thông Hàn Quốc những ngày gần đây đăng tải nhiều ý kiến trong chính giới và học giả nước này cho rằng chính quyền Seoul đang thiếu một chiến lược ngoại giao khu vực và đang bị xa lánh trong bối cảnh Mỹ và Nhật Bản tích cực tăng cường các mối quan hệ đồng minh.

Trong cuộc ngày 1/5, các nghị sỹ của Đảng Thế giới mới cầm quyền bày tỏ lo ngại rằng điều này có thể dẫn đến việc Seoul bị cô lập khi các nước láng giềng khác đều đang tích cực thực hiện những chiến lược ngoại giao hướng đến lợi ích thực chất của quốc gia mình.

Đảng này hối thúc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhanh chóng xây dựng chiến lược ngoại giao đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu.

Sự việc bắt đầu được đẩy lên cao khi cả đảng cầm quyền và đối lập đều phê phán Ngoại trưởng Yun Byung-se đã không giải quyết tốt quan hệ với các cường quốc như Mỹ và Nhật Bản.

Tại cuộc họp Ủy ban Đối ngoại và Thống nhất của Quốc hội Hàn Quốc ngày 4/5, nghị sỹ Sim Jae-kwon của đảng đối lập Liên minh chính trị mới vì dân chủ (NPAD) chỉ trích những tiến bộ chậm chạp trong việc buộc Nhật Bản phải chịu trách nhiệm về vấn đề phụ nữ mua vui trong Chiến tranh Thế giới thứ II.

Trong khi đó, nghị sỹ Na Kyung-won của đảng cầm quyền thì cho rằng: “Những gì mà mọi người đang thấy hiện nay là chính sách đối ngoại của chúng ta quá khép kín và cứng nhắc.”

Nghị sỹ Kim Han-gil của NPAD còn kết luận rằng đang có một cuộc khủng hoảng thực sự về mặt ngoại giao. Ông này nói: “Không nhận ra một cuộc khủng hoảng mới chính là một cuộc khủng hoảng thực sự nghiêm trọng.”

Một số nghị sỹ khác thậm chí còn yêu cầu ông Yun Byung-se từ chức để nhận trách nhiệm về chính sách ngoại giao không hiệu quả.

Nghị sỹ Choi Jae-cheon của phe đối lập nói: “Hiện chúng ta chưa có một chiến lược ngoại giao và an ninh, chưa có chiến lược vĩ mô. Chính vì vậy, Bộ Ngoại giao cần phải được tổ chức lại.”

Nhiều nhà phân tích thì cho rằng Seoul có thể bị gạt ra ngoài lề trong bối cảnh Washington và Tokyo tăng cường quan hệ đồng minh sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Shinzo Abe vào cuối tháng trước.

Mặc dù luôn tuyên bố về tầm quan trọng của mối quan hệ với hai đồng minh chủ chốt trong khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc, song Mỹ tỏ ra chần chừ trong việc tham gia các nỗ lực của Seoul nhằm hối thúc ông Abe phải đưa ra lời xin lỗi về các tội ác trong thời kỳ chiến tranh.

Trả lời phỏng vấn của Hãng tin Yonhap ngày 7/5, giáo sư Park In-hwi thuộc Trường Đại học nữ sinh Ewha tại Seoul nhận định: “Khu vực Đông Bắc Á đang chứng kiến một sự thay đổi về mặt cấu trúc. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga đang phản ứng với sự thay đổi cấu trúc này và áp dụng các chiến lược mới, trong khi chính sách ngoại giao của chúng ta (Hàn Quốc) thì lại đang cho thấy những vấn đề của chính mình đó là sự thiếu tầm nhìn và thiếu một chiến lược thực tế.”

Sự thất vọng còn lên đến đỉnh điểm, khi trong chuyến thăm Mỹ vừa qua của ông Abe, Mỹ và Nhật Bản đã công bố phương hướng hợp tác quốc phòng sửa đổi, điều mà người dân Hàn Quốc xem như là một sự hồi sinh của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trong quá khứ.

Tuy nhiên, một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc lại tuyên bố rằng những sửa đổi sẽ giúp ích chứ không phải là gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia của Hàn Quốc.

Phát biểu trên các phương tiện truyền thông Hàn Quốc, quan chức giấu tên trên đặt câu hỏi: “Ví dụ, nếu Nhật Bản gửi quân để chống lại cướp biển ở châu Phi, thì tại sao lại cho rằng điều đó gây thiệt hại cho chúng ta. Nếu quan hệ Mỹ-Nhật xấu đi, đó có phải sẽ là điều tốt cho chúng ta? Tôi chắc chắn rằng không phải như vậy.”

Quan chức này cũng cho rằng Seoul không có tiếng nói trong việc định hình quan hệ Mỹ-Nhật giống như việc các nước khác cũng sẽ không thể gây ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao song phương của Hàn Quốc.

Tuy nhiên cũng có một số chuyên gia khác tỏ ra thực tế hơn khi kêu gọi chính phủ Hàn Quốc cần có lập trường linh hoạt hơn trong việc xử lý các mối quan hệ với các nước láng giềng, bao gồm cả Triều Tiên.

Hong Hyeon-ik, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Sejong, Hàn Quốc nói: “Bước đầu tiên trong việc khắc phục cuộc khủng hoảng ngoại giao này là bình thường hóa quan hệ liên Triều. Nếu không giải quyết những căng thẳng hiện nay giữa hai miền Triều Tiên, chính sách ngoại giao của chúng ta sẽ mất đi sức mạnh của nó.”

Nhận định này được cho là khá trùng hợp với quan điểm của nhiều chuyên gia quốc tế về bán đảo Triều Tiên khi cho rằng Triều Tiên là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới quan hệ giữa Hàn Quốc với các nước khác.

Ông Hong Hyeon-ik giải thích thêm: “Ví dụ, Mỹ bắt đầu coi Hàn Quốc là một đối tác đối thoại chỉ sau khi Triều Tiên đặt ra một mối đe dọa đến lợi ích quốc gia của Washington bằng việc phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa của mình.”

Về phần mình, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se đã lên tiếng bảo vệ chính sách ngoại giao hiện nay mà Seoul đang thực thi. Ông cũng bác bỏ những lời chỉ trích trên và cho rằng những quan ngại về vị thế ngoại giao hiện nay của Hàn Quốc “đã đi quá xa” và “không phản ánh thực tế” vì hiện quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ vẫn đang được tăng cường.

Sự việc lần này gợi nhớ lại tình hình hồi đầu năm nay khi nhiều ý kiến chỉ trích khi đó cho rằng Hàn Quốc có thể phải chấp nhận để Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ nước này để đổi lấy việc tham gia làm thành viên sáng lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng.

Trung Quốc nhiều lần bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc, coi đó là một mối đe dọa về an ninh đối với Bắc Kinh, trong khi Washington luôn đặt câu hỏi về tính minh bạch và các tiêu chuẩn quản trị của AIIB.

Tình hình trên đặt Hàn Quốc vào thế khó xử trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc giữa một bên là đồng minh truyền thống còn một bên là đối tác thương mại lớn nhất hiện nay của nước này. Vào lúc bấy giờ, chính Ngoại trưởng Yun Byung-se cũng đã mô tả đó là “một phước lành” chứ không phải một tình thế “tiến thoái lưỡng nan” cho Hàn Quốc.

Trước những ý kiến chỉ trích ngày càng tăng ngay cả trong nội bộ đảng cầm quyền về chính sách đối ngoại, trong cuộc họp với các thư ký cao cấp ngày 4/5, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã lên tiếng khẳng định sẽ tiếp tục duy trì cách tiếp cận hiện nay đó là tách vấn đề lịch sử ra khỏi các vấn đề khác trong chính sách đối ngoại.

Bà Park Geun-hye nói: “Tôi muốn chính sách đối ngoại của chúng ta giải quyết các vấn đề lịch sử một cách rõ ràng trong khi tiếp tục nỗ lực cho một mục tiêu và định hướng xuyên suốt trong các vấn đề như liên minh Hàn-Mỹ, quan hệ Hàn-Nhật, Hàn-Trung.”

Phát biểu của bà Park được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Thư ký cấp cao của Tổng thống về chính sách đối ngoại Ju Chul-ki phát biểu tại một diễn đàn tại Seoul rằng: “Báo chí đã chỉ trích chúng tôi rất nhiều, nhưng họ không đưa ra được giải pháp mà chỉ cho rằng đó là công việc của Bộ Ngoại giao.”

Sau những chỉ trích từ chính giới và dư luận cũng như phát biểu trấn an của Tổng thống Park Geun-hye, hiện dư luận Hàn Quốc đang tập trung theo dõi xem chính quyền của bà sẽ áp dụng phương hướng ngoại giao trên như thế nào trong việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản và giải quyết những bất đồng giữa hai nước về mặt lịch sử và tranh chấp lãnh thổ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục