Hàng trăm người thiệt mạng do các vụ đụng độ sắc tộc mới nhất ở Sudan

Văn phòng Điều phối các vấn đề Nhân đạo của LHQ nêu rõ vụ bạo lực gần nhất nổ ra vào tuần trước tại thị trấn Kulbus thuộc khu vực Tây Darfur, do tranh chấp đất đai giữa các bộ tộc Arab và châu Phi.
Hàng trăm người thiệt mạng do các vụ đụng độ sắc tộc mới nhất ở Sudan ảnh 1(Ảnh minh họa. AFP/TTXVN)

Liên hợp quốc ngày 14/6 cho biết các vụ đụng độ sắc tộc ở Sudan trong tháng này đã khiến ít nhất 145 người thiệt mạng và hơn 180 người bị thương, đồng thời gây chấn động quốc gia Đông Phi đang bị chiến tranh tàn phá này.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Văn phòng Điều phối các vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) nêu rõ vụ bạo lực gần nhất nổ ra vào tuần trước tại thị trấn Kulbus thuộc khu vực Tây Darfur, do tranh chấp đất đai giữa các bộ tộc Arab và châu Phi.

Các dân quân Arab địa phương sau đó đã tấn công nhiều ngôi làng trong khu vực. Tổng cộng 126 người đã thiệt mạng, trong đó có 101 người thuộc bộ tộc Gimir và 25 người thuộc bộ tộc Rizeigat Arab.

Ngoài ra, hơn 130 người khác đã bị thương trong các cuộc đụng độ kéo dài một tuần. Ít nhất 25 ngôi làng trong khu vực Kulbus đã bị tấn công, cướp bóc và đốt phá, hơn 50.000 người phải rời bỏ nhà cửa ở Tây Darfur và tỉnh Bắc Darfur lân cận, nơi các cuộc đụng độ lan rộng.

[Sudan: Đụng độ sắc tộc tại vùng Darfur làm 18 người thiệt mạng]

OCHA cho biết thêm ít nhất 19 người đã thiệt mạng và 54 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ giữa các bộ lạc tại Nam Kordofan vào đầu tháng này.

Bạo lực ở thị trấn Abu Jubayhah, kéo dài ba ngày, bắt nguồn từ một vụ cướp xe ba bánh tuk tuk vào ngày 5/6. Cuộc giao tranh đã khiến hơn 15.000 người phải di tản sau khi 6 khu phố trong thị trấn bị thiêu rụi.

Theo OCHA, giao tranh đã lắng xuống sau khi quân đội được triển khai tới khu vực này. Trong tuần qua, giới chức sở tại đã tuyên bố lệnh giới nghiêm hàng đêm, song tình hình vẫn căng thẳng.

Bạo lực ở các tỉnh Tây Darfur và Nam Kordofan - hai trong số các tỉnh xung đột đẫm máu nhất những năm gần đây - diễn ra khi tình hình Sudan ngày càng hỗn loạn hơn sau cuộc đảo chính hồi tháng 10 năm ngoái.

Việc tiếp quản quân sự đã ngăn chặn quá trình chuyển đổi ngắn hạn của nước này sang chế độ dân sự sau khi Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ vào tháng 4/2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục