Tác phẩm "Hiện thực hoá giấc mơ sông Hồng" của tác giả Đan Nhiễm đã giành Giải Nhất cuộc thi viết “70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” do Báo Hànộimới tổ chức.
Lễ trao giải diễn ra chiều 7/10 tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hànộimới, cuộc thi là dịp tuyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử vẻ vang của Thăng Long-Hà Nội, quảng bá về hình ảnh của Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, đang trên đà phát triển mạnh mẽ với khát vọng trở thành thành phố toàn cầu, nơi đáng đến và đáng sống đồng thời khơi dậy tình yêu, khát vọng và trách nhiệm trong mỗi người Hà Nội cũng như người dân cả nước đối với Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, sau hơn 5 tháng kể từ ngày phát động (28/3/2024), cuộc thi đã lan tỏa sâu rộng, tạo sân chơi bổ ích cho những người viết chuyên nghiệp và không chuyên trên cả nước; thu hút hàng trăm tác giả là những nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu tên tuổi, trong đó có sự tham gia của nhiều cây viết trẻ có nhiều triển vọng với những góc nhìn đầy mới mẻ về Hà Nội...
Nhiều tác giả là những nhân chứng của một thời kỳ lịch sử hào hùng, đã trực tiếp góp phần viết nên những trang sử vàng vẻ vang của đất nước và Thủ đô, như tác giả Phạm Văn Chương năm nay đã 90 tuổi từng là chiến sỹ lái xe kéo pháo cao xạ 37 ly thuộc Trung đoàn pháo binh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam; Đại tá Dương Sơn Hà, nguyên Đội trưởng Đội cán bộ địch vận mặt trận Gia Lâm (Hà Nội) năm 1954…
Theo Hội đồng Giám khảo, các tác phẩm dự thi nhìn chung thể hiện sự tâm huyết và tình cảm thiết tha dành cho Thủ đô Hà Nội. Qua đó, người đọc được hòa mình vào những năm tháng hào hùng, sôi động của Hà Nội trước, trong và sau ngày 10/10/1954. Đó còn là những câu chuyện về một Hà Nội vừa xây dựng xã hội chủ nghĩa, vừa chi viện cho tiền tuyến miền Nam; một Hà Nội kiên cường chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, rồi làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không.”
Chiếm tỉ lệ khá lớn là chủ đề người Hà Nội với những tầng văn hóa sâu lắng, thấm đẫm tinh thần Hà Nội, nhân văn, nhân ái, sẻ chia. Đó còn là chân dung những con người đã và đang lặng thầm sáng tạo, cống hiến cho Thủ đô thêm giàu đẹp. Bên cạnh đó, có khá nhiều tác phẩm thuộc thể loại tản văn, là nỗi nhớ thành phố ngàn năm yêu dấu của những người con xa quê hương, là cảm xúc của những người phương xa từng có quãng thời gian sinh sống, học tập hay thậm chí chỉ một lần ghé qua Hà Nội.
Đặc biệt, nhiều tác giả đã có sự đầu tư lao động báo chí, dụng công với những loạt bài phân tích, lý giải những vấn đề nóng đặt ra với Hà Nội, từ đó hiến kế, đề xuất giải pháp nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại,” thực sự là một thành phố đáng đến, đáng sống: “Hiện thực hóa giấc mơ sông Hồng,” “Sông Hồng và những nhịp cầu nối bờ vui,” “Để dòng Tô thắm xanh,” “Nỗ lực vì một Hà Nội ‘đẹp từng centimet’,” “Hà thành, mỗi bước ta đi”.../.
Hà Nội tổ chức ngày hội Văn hóa vì Hòa bình kỷ niệm 70 năm Giải Phóng Thủ Đô
Chương trình “Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình” là dịp tôn vinh truyền thống lịch sử của Hà Nội, đồng thời quảng bá hình ảnh Thủ đô yêu chuộng hòa bình đến toàn thể người dân và bạn bè quốc tế.
Các tác giả-tác phẩm đoạt giải cuộc thi:
1 Giải Nhất (trị giá 30 triệu đồng): “Hiện thực hóa giấc mơ sông Hồng” của tác giả Đan Nhiễm.
2 Giải Nhì (mỗi giải trị giá 15 triệu đồng):
“Nỗ lực vì một Hà Nội ‘đẹp từng centimet’” của tác giả Hoàng Quyên-Hương Trà.
“Hà thành, mỗi bước ta đi” của tác giả Giang Nam.
3 Giải Ba (mỗi giải trị giá 10 triệu đồng):
“Mãi tự hào về hành trình chiến thắng” của tác giả Phạm Văn Chương.
“Chuyện ông bố nhà quê đưa con đi xin lỗi bạn” của tác giả Nguyễn Hồng Thái.
“Hà Nội linh thiêng – nơi khơi nguồn sức mạnh dân tộc” của tác giả Văn Ngọc Thủy.
14 Giải Khuyến khích (mỗi giải trị giá 03 triệu đồng):
“Khu tập thể Trung Tự: Một nhân chứng của lịch sử đô thị Hà Nội” của tác giả Thế Phương.
“Nhà tôi ở đó” của tác giả Trần Chiến.
“Cung đường ‘sống chậm’ hay ‘nét vẽ’ của Hà Nội bình yên” của nhóm phóng viên Ban Kinh tế Báo Hànộmới.
“Khơi dậy tiềm năng đất trăm nghề” của tác giả Nguyễn Văn Học.
“Yêu Hà Nội từ cao nguyên xanh” của tác giả Nguyễn Trọng Văn.
“Vang vọng ký ức hào hùng” của tác giả Phong Điệp.
“Một đời với Hà Nội” của tác giả Phạm Hồng Tuyến.
“Khu Cháy – nơi tên đất, tên làng đi vào lịch sử” của tác giả Bạch Thanh.
“Vượt qua cú sốc xóa bỏ bao cấp” của tác giả Nguyễn Ngọc Tiến.
“Đường Lâm có Phát” của tác giả Quang Hưng.
“Từ chiến trường Điện Biên Phủ về Thủ đô Hà Nội” của tác giả Nguyễn Hùng Vỹ.
“Những ngày nóng bỏng trong lòng Hà Nội” của tác giả Dương Sơn Hà.
“Giữ hồn làng với giấc mơ con rối” của tác giả Nguyễn Quang Long.
“Những ngày hào hùng trong ký ức người Vệ út” của tác giả Đinh Thị Thuận.