Hội nghị đối thoại xã hội ba bên khu vực ASEAN lần thứ 11

Phát biểu tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, năm 2020 là một năm đặc biệt với rất nhiều thay đổi do COVID-19.
Trong ảnh: Ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Trong ảnh: Ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngày 17/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Hội đồng Công đoàn Dịch vụ ASEAN (ASETUC) tổ chức Hội nghị đối thoại xã hội ba bên khu vực ASEAN lần thứ 11 theo hình thức trực tuyến với chủ đề "Xây dựng lại một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng sau đại dịch COVID-19."

Phát biểu tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, năm 2020 là một năm đặc biệt với rất nhiều thay đổi do COVID-19.

Kể từ khi được chính thức tuyên bố là đại dịch toàn cầu, COVID-19 đã mở rộng hơn về cường độ và lan ra phạm vi toàn cầu. Hầu hết tất cả các nước trên thế giới đều đã có người bị mắc COVID-19, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người trong thời gian qua.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), ước tính hơn 81% lực lượng lao động toàn cầu hiện đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất việc làm toàn bộ hoặc một phần. Cuộc khủng hoảng "quét sạch" 12,1% số giờ làm việc trên toàn cầu trong quý 3 năm 2020 - tương đương với 345 triệu lao động toàn thời gian, trong đó có 185 triệu người đến từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

[Hội nghị quan chức cao cấp phụ trách Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN]

"Cuộc khủng hoảng COVID-19 đang ảnh hưởng đến hàng triệu công ty trên toàn thế giới dẫn đến phá sản, đặc biệt là trong các lĩnh vực hàng không, du lịch, khách sạn và bán lẻ," ông Nguyễn Mạnh Cường đánh giá, đồng thời cho rằng hội nghị là dịp quan trọng để xây dựng các giải pháp bền vững, tổng hợp cách ứng phó của các đối tác về những vấn đề của xã hội và chia sẻ những vấn đề về lĩnh vực lao động.

Trong bối cảnh đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Lao động ASEAN đặc biệt về ứng phó với tác động của dịch COVID-19 đối với lao động và việc làm diễn ra tháng 5/2020 đã thông qua Tuyên bố chung về ứng phó với tác động của COVID-19 đối với lao động và việc làm, trong đó nêu rõ các hành động hỗ trợ người di cư người lao động bị mắc kẹt ở nước của nhau hoặc ở nước thứ ba.

Hội nghị đối thoại xã hội ba bên khu vực ASEAN lần thứ 11 ảnh 1Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Thông qua các cuộc họp và báo cáo, có thể thấy rằng ASEAN đã cùng nhau ứng phó với các tác động của đại dịch bằng cách thực hiện các biện pháp nhằm duy trì sức khỏe và sinh kế của người dân và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế.

Phát biểu tại hội nghị, ông Mammal, Tổng Thư ký ASETUC cho rằng, các nước ASEAN cũng nằm trong tình trạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu và thảm họa về nhân đạo. Những việc này đã tác động rất nghiêm trọng đến y tế công cộng, kinh tế xã hội, thế giới việc làm và sinh kế của người dân. Đó là lý do các nước ASEAN cần thảo luận về chủ đề "Xây dựng lại một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng sau đại dịch COVID-19."

"Từ bản chất của đại dịch, có thể thấy rằng, nếu chúng ta không hành động cùng nhau thì không ai có thể an toàn. Cuộc đối thoại này là công cụ quan trọng để xây dựng các giải pháp cùng nhau vượt qua thách thức," ông Mammal nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị, ông Rajendra Kumar Acharya, Thư ký Mạng lưới Công đoàn quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNI-Apro Postal) cho rằng, khu vực ASEAN đã có cách quản lý hiệu quả với đại dịch COVID-19, tuy nhiên vẫn còn những vấn đề tồn tại. Khung phục hồi toàn diện của ASEAN là rất quan trọng để có thể cho phép chia sẻ những hành động, chương trình liên quan đến các nước ASEAN.

Cũng theo ông Rajendra Kumar Acharya, khủng hoảng về đại dịch sẽ còn gây ảnh hưởng lâu dài đến thị trường lao động, chất lượng việc làm, tiền lương, an sinh xã hội và an toàn lao động. Đồng thời, sẽ cần thực hiện nhiều hoạt động hơn nữa và cần có nhiều cuộc đối thoại hơn nữa để chung tay giải quyết các vấn đề liên quan đến người lao động trong đại dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục