"Hòn đá tảng" trong đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều Tiên

Tâm lý lo ngại của Mỹ về vũ khí hạt nhân Triều Tiên và việc Triều Tiên lo Mỹ tìm cách thay đổi chế độ sau khi chuyển giao kho vũ khí hạt nhân vẫn là những "hòn đá tảng" ngăn cách đàm phán hai bên.
"Hòn đá tảng" trong đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều Tiên ảnh 1Một cơ sở hạt nhân của Triều Tiên trước khi được phá hủy tháp làm nguội (bên phải), ở Yongbyon. (Nguồn: REUTERS/ TTXVN)

Theo Thời báo Hàn Quốc số ra ngày 12/11, Mỹ rút cục lo ngại Kim Jong-un có thể đã không khai báo các kế hoạch tìm cách đưa Triều Tiên trở thành một nước có sức mạnh hạt nhân ngấm ngầm như Pakistan.

Trong khi đó, Triều Tiên cuối cùng lo ngại Mỹ có thể tìm cách thay đổi chế độ sau khi Bình Nhưỡng chuyển giao kho vũ khí hạt nhân, như đã xảy ra với Libya. Đây vẫn là những hòn đá tảng ngăn cách Washington và Bình Nhưỡng.

Mỹ yêu cầu Triều Tiên chuyển giao danh sách đầy đủ các cơ sở có liên quan tới hạt nhân trước rồi sau đó Mỹ sẽ xem xét nới lỏng các lệnh trừng phạt và xúc tiến việc tuyên bố kết thúc chiến tranh.

Triều Tiên thì sợ rằng việc cung cấp danh sách như vậy cho Washington có thể sẽ biến các cơ sở này trở thành mục tiêu tấn công của Mỹ nếu các cuộc đàm phán hiện nay với Mỹ đổ bể. Bình Nhưỡng coi việc này như một phương thức tự sát.

Hiện nay, không chỉ Washington mà cả cộng đồng quốc tế đặt câu hỏi là liệu Kim Jong-un vẫn mong chờ thế giới sống chung với vũ khí hạt nhân của ông ta và đối xử với Triều Tiên như Pakistan hay không.

Mặc dù có một vài tiếng nói bóng gió trong số nhiều học giả rằng giờ đây chúng ta nên chấp nhận "sống với" một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân như Pakistan, song không có vị thế như Anh hay Pháp, 2 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Các lệnh trừng phạt Triều Tiên của Liên hợp quốc đã được áp đặt bởi ý chí tập thể của Hội đồng Bảo an chứ không chỉ Mỹ. Triều Tiên đòi Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, để làm việc này cũng cần sự nhất trí của Hội đồng Bảo an.

['Triều Tiên chưa sẵn sàng cung cấp danh sách các cơ sở hạt nhân']

Mặc dù chiến lược đàm phán của Triều Tiên chủ yếu là với Washington, song nước này cũng nên cần mẫn làm vài việc gì đó, nếu không muốn nói là một cuộc tấn công quyến rũ, với các nước này và xa hơn là với cộng đồng quốc tế.

Các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Anh và Pháp, trao đổi thường xuyên với Mỹ về cách ứng xử với Triều Tiên. Đây có thể là một vấn đề mà các nhà chiến lược Triều Tiên đánh giá thấp.

Nói rộng ra, cộng đồng quốc tế cho rằng Kim Jong-un đã không vượt qua điểm tới hạn để thuyết phục được mọi người khi ông nói về phi hạt nhân hóa. Họ vẫn nghi ngờ Kim Jong-un có thể vẫn đang nghĩ tới một vài "đích đến chưa xác định" trong tương lai, nơi ông ta có thể phải hoặc không phải phi hạt nhân hóa.

Nếu như Kim Jong-un nghĩ rằng thế giới sẽ chấp nhận việc ông ta sở hữu vũ khí hạt nhân như Pakistan thì chúng ta có vấn đề. Vì vậy, điều rất quan trọng đối với những người tiếp cận Kim Jong-un là phải khuyến khích ông ta cảm thấy lập trường của cộng đồng quốc tế là cứng rắn và kỳ vọng Kim sẽ phi hạt nhân hóa mà không bí mật theo đuổi mô hình Pakistan.

Nay có sự thay đổi trong suy nghĩ của cộng đồng quốc tế về việc thay đổi chế độ Kim. Trước đây, người ta cho rằng cách khả thi duy nhất để phi hạt nhân hóa là tước đoạt quyền lãnh đạo của gia đình họ Kim.

Điều đã thay đổi hiện nay là có sự sẵn sàng nói với Kim Jong-un rằng nếu ông ta muốn đưa đất nước của mình đi theo hướng khác thì chúng tôi sẽ vui lòng hợp tác với ông trên con đường ấy.

Điều quan trọng là có thể khuyến khích Kim nhận ra sự khác biệt này. Điều đặc biệt quan trọng là tín hiệu này đến từ phía Mỹ theo một cách thức không đổi. Những tuyên bố hiếu chiến hay ám chỉ giải pháp quân sự đối với Triều Tiên trong số những người thân cận với chính quyền Trump có thể gợi lại cảm giác bị đe dọa ăn sâu ở Triều Tiên và làm nước này thêm cảnh giác.

Cảm giác bị đe dọa của Triều Tiên, cho dù chủ quan hay khách quan, từ phía Mỹ vẫn là một vấn đề mấu chốt cản trở sự háo hức phi hạt nhân hóa của nước này. Triều Tiên ám ảnh với “chính sách thù địch của Mỹ."

Kim Jong-un cần sự đảm bảo của Washington và của các nước có vai trò quan trọng khác trong cộng đồng quốc tế rằng nước này sẽ không trở thành một Libya thứ hai. Kim Jong-un cũng phải hiểu rằng chúng ta cũng cần sự đảm bảo của ông ta, không đưa Triều Tiên theo mô hình Pakistan.

Nói về phi hạt nhân hóa sẽ rất có ích đối với Kim Jong-un, và thực tế giờ là lúc để nói với chúng ta một cách cụ thể, chính xác phi hạt nhân hóa là gì và khi nào tiến hành.

Có tâm lý lo ngại rằng vấn đề vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng không được Kim Jong-un giải quyết thấu đáo. Tương tự, cũng có tâm lý cho rằng bệnh hoang tưởng của Triều Tiên và mối lo sợ bị Mỹ tấn công quân sự đã không được giải thích một cách đầy đủ ở Washington./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục