Indonesia sẽ hưởng lợi nếu trở thành trung tâm vắcxin tại Đông Nam Á?

Cơ hội để Indonesia trở thành trung tâm của ngành công nghiệp vắcxin COVID-19 đang rộng mở sau lời đề nghị từ phía Trung Quốc nhằm biến nước này trở thành trung tâm sản xuất và phân phối vắcxin.
Indonesia sẽ hưởng lợi nếu trở thành trung tâm vắcxin tại Đông Nam Á? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Theo nhận định của bài viết đăng trên The Conversation, vắcxin đã trở thành lối thoát cuối cùng của COVID-19 khi đại dịch này đã và đang đe dọa đến sức khỏe và tính mạng, đồng thời ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của 8 tỷ dân trên toàn cầu hiện nay.

Các quốc gia sẵn sàng chi hàng tỷ USD để sớm có được vắcxin COVID-19. Một triển vọng của ngành công nghiệp vắcxin đầy tiềm năng đang ở phía trước.

Cơ hội để Indonesia trở thành trung tâm của ngành công nghiệp vắcxin COVID-19 đang rộng mở sau lời đề nghị từ phía Trung Quốc nhằm biến Indonesia trở thành trung tâm sản xuất và phân phối vắcxin của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị khẳng định Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Indonesia để "thúc đẩy việc nghiên cứu và phát triển, sản xuất và sử dụng vắcxin trong khu vực và thậm chí trên phạm vi toàn thế giới."

[Indonesia thông báo kế hoạch tự sản xuất vắcxin ngừa COVID-19]

Cho đến nay, Indonesia đã trở thành quốc gia thử nghiệm vắcxin do Công ty công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc phát triển. Sinovac cũng sẽ hợp tác với công ty dược phẩm Bio Farma của Indonesia để sản xuất vắcxin COVID-19 tại Indonesia.

Cơ hội này sẽ không chỉ mang lại cho Indonesia lợi ích từ việc đảm bảo quyền tiếp cận vắcxin sớm nhất mà còn cho phép quốc gia này thu được lợi nhuận từ việc sản xuất và phân phối vắcxin.

Lợi ích kinh tế khổng lồ

Lần đầu tiên được tiếp cận với vắcxin COVID-19 có thể giúp ích rất lớn cho nền kinh tế của Indonesia vốn đã bị đình trệ và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19.

Đất nước này đang bước vào giai đoạn suy thoái kinh tế chính thức được đánh dấu bằng hai quý liên tiếp tăng trưởng âm.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia, bà Sri Mulyani Indrawati dự báo rằng nền kinh tế của Indonesia có thể giảm 2,9% trong quý 3/2020 sau khi đã giảm 5,32% trong quý 2/2020.

Trong bối cảnh đó, nếu người dân được tiêm vắcxin, mọi hoạt động kinh tế có thể được khôi phục và nền kinh tế sẽ phục hồi.

Và như vậy, Indonesia có thể thu được khoản thu lên tới 9.000 tỷ USD vào năm 2025 nhờ việc cung cấp vắcxin cho thế giới. Đối với riêng Indonesia, việc chậm trễ cung cấp vắcxin trong 6 tháng sẽ dẫn đến thiệt hại kinh tế tới 44 tỷ USD.

Việc tiếp cận và phân phối vắcxin không chỉ cứu sống người dân Indonesia mà còn có thể "cứu" cả nền kinh tế, nếu Indonesia có thể tối đa hóa vai trò là trung tâm cung cấp vắcxin COVID-19 cho khu vực Đông Nam Á, nước này có thể thu được một khoản lợi nhuận khổng lồ.

Với tổng dân số 670 triệu người, Đông Nam Á chắc chắn là một thị trường vắcxin COVID-19 hấp dẫn và nhiều tiềm năng. Giá trị tổng lượng nhập khẩu các loại vắcxin của khu vực là 223 triệu USD trong năm 2010 và đã tăng gần gấp 4 lần (859 triệu USD) vào năm 2019.

Số liệu thống kê thương mại của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, Indonesia là nước xuất khẩu vắcxin lớn nhất ở Đông Nam Á. Quốc gia này đã thu được 76,3 triệu USD từ ngành xuất khẩu vắcxin trong năm 2010 và con số này đã tăng 25,2% lên mức 95,5 triệu USD trong năm 2019.

Singapore và Thái Lan hai quốc gia xếp sau Indonesia với tổng giá trị xuất khẩu khoảng 80,7 triệu USD trong năm 2019.

Ngành công nghiệp sản xuất vắcxin cũng có thể tạo ra cơ hội việc làm mới cho người dân Indonesia.

Theo kết quả các cuộc khảo sát sản xuất hàng năm của Indonesia cho thấy ngành công nghiệp sản xuất vắcxin của nước này đã tạo ra hơn 1.500 việc làm trong năm 2018.

Việc mở rộng ngành có thể sẽ mang lại nhiều việc làm hơn thế nữa. Con số đó tương đối nhỏ so với 3,5 triệu việc làm bị mất trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát tại Indonesia.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp sản xuất vắcxin có thể mang lại rất nhiều lợi ích kinh tế khác nữa cho Indonesia.

Theo thỏa thuận với Trung Quốc, Indonesia không chỉ trở thành nhà phân phối vắcxin chính của Trung Quốc cho khu vực mà còn là nhà sản xuất vắcxin. Điều này có nghĩa là Indonesia sẽ tiết kiệm được một khoản tiền tương đối lớn mà lẽ ra phải chi trả để nhập khẩu vắcxin.

Nếu một quốc gia muốn đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng để ngăn chặn đại dịch COVID-19, quốc gia đó phải có ít nhất 50% dân số tiêm vắc-xin.

Giá vắcxin Sinovac đang được dự tính khoảng 60 USD/liều. Do đó, Indonesia cần chi ít nhất 8,2 tỷ USD để tiêm vắcxin cho 50% trong tổng số 273,5 triệu dân.

Tuy nhiên, các con số trên chỉ là ước tính. Tổng chi phí thực có thể cao hơn, tùy thuộc vào hiệu quả của vắcxin và loại vắcxin (vắcxin một liều hoặc hai liều).

Nếu vắcxin kém hiệu quả, số người cần tiêm sẽ cao hơn 50% để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Nếu cần loại vắcxin hai liều, số lượng vắcxin phải được sản xuất sẽ tăng gấp đôi.

Giảm nhập khẩu bằng cách sản xuất vắcxin COVID-19 trong nước cũng sẽ giúp cân bằng thương mại của Indonesia. Indonesia dự kiến sản xuất 250 triệu liều vắcxin vào tháng 12/2020.

Việc sản xuất có sự tham gia của Sinovac với tư cách là nhà cung cấp vắcxin, trong khi Bio Farma của Indonesia sẽ chịu trách nhiệm đóng gói sản phẩm. Nếu Indonesia có thể bán vắcxin COVID-19 cho các nước Đông Nam Á khác, việc này sẽ tạo ra thu nhập rất lớn cho quốc gia.

Những thách thức mà Indonesia phải đối mặt

Mặc dù những điều trên hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích kinh tế, nhưng vẫn còn một thách thức to lớn cần phải vượt qua trước khi Indonesia có thể hưởng lợi từ việc trở thành trung tâm vắcxin của Đông Nam Á.

Thứ nhất là năng lực sản xuất vắcxin của Indonesia chưa tương xứng với nhu cầu của toàn khu vực.

Bio Farma có năng lực sản xuất 100 triệu liều vắcxin mỗi năm. Công ty đang đầu tư 88,6 triệu USD để tăng năng lực sản xuất lên 250 triệu liều một năm vào năm 2021.

Nếu mỗi người cần ít nhất hai liều, sản lượng vắcxin hàng năm của Indonesia sẽ chỉ đủ cho 125 triệu người. Ngay cả khi công suất được nâng lên, vẫn sẽ mất nhiều năm để cung cấp đủ cho nhu cầu của các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, do nhu cầu về vắcxin là cấp thiết, năng lực sản xuất có thể sớm được Indonesia nghiên cứu cải thiện có hiệu quả.

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng năng lực sản xuất vắcxin COVID-19 của Indonesia sẽ không đủ đảm bảo sản xuất đủ lượng vắcxin cần thiết trong những năm tới và sớm nhất phải đến năm 2024, năng lực sản xuất vắcxin của Indonesia mới đủ để sản xuất đáp ứng cung cấp cho toàn bộ khu vực này.

Thứ hai là tăng tỷ trọng hàm lượng nội địa trong sản xuất vắcxin COVID-19. Indonesia chỉ đóng góp vào quá trình đóng gói sản phẩm, có giá trị tương đối thấp.

Trong tương lai, Indonesia dự kiến sẽ phát triển vắcxin của riêng mình và nước này sẽ được hưởng lợi từ việc hợp tác với Trung Quốc để cho phép chuyển giao công nghệ từ Trung Quốc sang Indonesia.

Với môi trường kinh doanh được hỗ trợ và sự hậu thuẫn từ Trung Quốc, đại dịch COVID-19 có thể là một may mắn giúp Indonesia phát triển ngành công nghiệp vắcxin, thâm nhập vào thị trường khu vực Đông Nam Á và hưởng lợi mạnh mẽ từ thị trường này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục