Trước thềm vòng đàm phán hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm năm ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) diễn ra vào ngày 2/7 tại Vienna (Áo), nhà đàm phán hạt nhân cấp cao của Iran Abbas Araqchi nhấn mạnh: "Dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt đối với Iran phải là một phần của bất cứ thỏa thuận hạt nhân nào" giữa nước cộng hòa Hồi giáo và phương Tây.
Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước IRIB ngày 30/6, ông Araqchi cho rằng mặc dù việc dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt sẽ cần thời gian, nhưng Iran yêu cầu thực hiện điều này "trong thời gian ngắn nhất có thể."
Cùng ngày, Bộ ngoại giao Mỹ cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Bill Burns dự kiến sẽ tham dự vòng đàm phán hạt nhân giữa Iran và P5+1.
Ông Burns từng giữ cương vị trưởng đoàn đàm phán trong nhiều vòng đàm phán hạt nhân bí mật giữa Mỹ và Iran, góp phần đạt được thỏa thuận hạt nhân tạm thời tháng 11/2013 với Tehran, theo đó Iran cam kết ngừng một số hoạt động hạt nhân gây tranh cãi trong vòng sáu tháng để đổi lấy việc nới lỏng trừng phạt của phương Tây.
Trong tháng Sáu vừa qua, ông Burns đã có hai cuộc gặp với phía Iran, trong đó cuộc gặp song phương diễn ra ở Geneve trong nỗ lực phá vỡ bế tắc giữa Iran và phương Tây về vấn đề hạt nhân.
Cuộc gặp thứ hai diễn ra tại Vienna, trong khuôn khổ cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1. Tại cuộc gặp này, ông Burns đã đề cập khả năng hợp tác giữa Mỹ và Iran nhằm ổn định tình hình tại Iraq chống phiến quân hồi giáo dòng Sunni.
Dự kiến vòng đàm phán hạt nhân mới giữa Iran và P5+1 bắt đầu từ ngày 2/7 sẽ kéo dài ít nhất đến ngày 15/7. Trước đó, vòng đàm phán thứ năm kết thúc ở Vienna ngày 20/6 đã có một số tiến triển trong việc soạn thảo khuôn khổ thỏa thuận cuối cùng, song chưa thu hẹp được khoảng cách giữa hai bên về những vấn đề then chốt, bao gồm khả năng làm giàu urani của Tehran, cấu trúc lò phản ứng nước nặng Arak mà phương Tây nghi ngờ có thể sản xuất bom hạt nhân và việc dỡ bỏ các gói trừng phạt của phương Tây áp đặt với Iran.
Các nước P5+1 yêu cầu Iran giảm số lượng máy ly tâm để đảm bảo rằng Tehran không thể nhanh chóng sản xuất đủ nhiên liệu chế tạo bom hạt nhân. Tuy nhiên, Iran khẳng định nước này cần có thêm máy ly tâm để sản xuất urani cung cấp cho các nhà máy điện hạt nhân.
Hai bên đã tuyên bố mục tiêu là đạt được một thỏa thuận hạt nhân toàn diện trước hạn chót vào ngày 20/7, theo đó làm dịu quan ngại của phương Tây về chương trình hạt nhân của Iran và sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt đối với Tehrran. Tuy nhiên, giới phân tích và ngoại giao hoài nghi về kết quả này.
Giới chức phương Tây cho rằng có rất ít tiến triển sau năm vòng đàm phán kể từ tháng Hai vừa qua để đạt được một thỏa thuận có thể chấm dứt tình trạng thù địch kéo dài nhiều năm cũng như loại bỏ những nguy cơ chiến tranh và một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân tại Trung Đông.
Các nhà ngoại giao phương Tây cho biết họ sẵn sàng cân nhắc gia hạn thỏa thuận tạm thời và tiếp tục đàm phán với Iran sau ngày 20/7 chỉ khi có dấu hiệu rõ rệt về triển vọng đạt được thỏa thuận toàn diện./.