Italy hỗ trợ đào tạo sinh viên Việt theo nhu cầu doanh nghiệp

Các trường đại học và các doanh nghiệp Italy sẽ có cơ chế hợp tác chặt chẽ với nhau trong việc hỗ trợ đào tạo nhân lực nhằm tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam.
Italy hỗ trợ đào tạo sinh viên Việt theo nhu cầu doanh nghiệp ảnh 1Đại sứ Cao Chính Thiện chứng kiến lễ ký kết. (Ảnh: Quang Thanh/Vietnam+)

Các trường đại học và các doanh nghiệp Italy sẽ có cơ chế hợp tác chặt chẽ với nhau trong việc hỗ trợ đào tạo nhân lực nhằm tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại, kinh tế song phương giữa hai quốc gia.

Đây là nội dung cơ bản trong văn bản thỏa thuận vừa được đại diện Trường Đại học Modena (Unimore) và Phòng Thương mại-Công nghiệp vùng Emilia-Romagna, Bắc Italy (Unioncamere Emilia-Romagna) ký kết ngày 25/11/2015 tại thành phố Modena với sự chứng kiến của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Italy Cao Chính Thiện và Đại sứ Italy tại Việt Nam, bà Cecilia Piccioni.

Việc ký kết thỏa thuận là kết quả sau một năm rưỡi nghiên cứu, triển khai tập hợp, kết nối các đầu mối từ các sinh viên, các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp. Cụ thể, theo thỏa thuận mới này, trước mắt, các sinh viên Việt Nam đủ điều kiện sẽ được phía Italy hỗ trợ kinh phí học tập kết hợp thực tập trong các doanh nghiệp vùng Emilia-Romagna với mục đích trau dồi khả năng chuyên môn và tích lũy thêm kinh nghiệm làm việc.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và trường đại học cũng sẽ tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tư vấn khoa học để hiểu rõ hơn nhu cầu, khả năng của nhau trong việc tiếp cận thị trường Việt Nam.

Thỏa thuận được giới đào tạo và doanh nghiệp Italy nghiên cứu, triển khai thực hiện với mục đích tạo ra sự kết nối trực tiếp, hiệu quả hơn giữa các nhu cầu thị trường và nội dung đào tạo, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

Phát biểu trong lễ ký kết, Hiệu trưởng trường Đại học Unimore, giáo sư Ange Andrisano nhấn mạnh rằng hệ thống đào tạo nhân lực cần khẳng định vai trò hỗ trợ đắc lực cho những nhu cầu chiến lược của nền kinh tế sản xuất, cho việc nghiên cứu thị trường mới cũng như các cơ hội tăng trưởng tại các nước đang phát triển; vì vậy mô hình hợp tác này là ví dụ cho thấy các trường đại học có thể thúc đẩy hợp tác và trao đổi quốc tế, hỗ trợ các sáng kiến kinh tế cho nền sản xuất.

Về phần mình, Chủ tịch Unioncamere Emilia-Romagna, ông Maurizio Torreggiani cho rằng việc hỗ trợ củng cố chuyên môn cho các trí thức trẻ Việt Nam về lĩnh vực máy móc, công nghệ "made in Italy" là một cách để tiếp cận thị trường Việt Nam, nơi có rất nhiều tiềm năng, cơ hội, nhất là khi một Cộng đồng Kinh tế ASEAN vừa được tuyên bố thành lập.

Đại sứ Việt Nam tại Italy Cao Chính Thiện và Đại sứ Italy tại Việt Nam, bà Cecilia Piccioni đều hoan nghênh sự kiện này và thống nhất cho rằng sáng kiến hợp tác này không chỉ tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam hoàn thiện kiến thức, hiểu biết nhằm đáp ứng các điều kiện của thị trường lao động quốc tế mà còn góp phần cụ thể hóa các nội dung trong quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam-Italy và mô hình này cần sớm được nhân rộng trong thời gian tới.

Hiện tại, trường kỹ thuật mang tên Enzo Ferrari, người sáng lập ra thương hiệu xe hơi nổi tiếng Ferrari, trực thuộc Đại học Unimore, Modena, đang tiếp nhận 17 sinh viên Việt Nam học tập theo chương trình của trong các ngành xây dựng, quản lý, viễn thông, kinh tế, môi trường, ngôn ngữ và tin học... Đây cũng là cơ sở đào tạo sẽ trực tiếp triển khai thỏa thuận vừa được ký kết nêu trên trong giai đoạn đầu tiên.

Cho đến nay, có rất nhiều doanh nghiệp vùng Emilia-Romagna đang có dự định tầm trung và dài hạn tiếp cận làm ăn tại thị trường Việt Nam, vốn được coi như cầu nối với thị trường ASEAN nói chung.

Theo số liệu của Unioncamere Emilia-Romagna, tính đến năm 2014, vùng Emilia-Romagna có 617 doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam với tổng giá trị lên đến hơn 120 triệu euro. Tháng 6/2015, văn phòng đại diện của Unioncamere Emilia-Romagna cũng đã được khai trương tại tỉnh Bình Dương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục