Với tốc độ đô thị hóa và sự phát triển kinh tế nhanh chóng ở Việt Nam, mức sống của người dân đang dần được cải thiện; đồng thời, nhu cầu về các sản phẩm điện tử cũng tăng lên hàng năm.
Để thúc đẩy sự phát triển thị trường tiêu dùng điện tử chất lượng cao tại Việt Nam, sáng 2/11, Triển lãm Quốc tế Điện tử và Thiết bị Thông minh Việt Nam tại Hà Nội (IEAE Hà Nội) đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Hà Nội (ICE) 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Triển lãm IEAE Hà Nội do Công ty Vinexad phối hợp với Công ty Chaoyu Expo đồng tổ chức có quy mô lớn tại Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực điện tử, điện gia dụng với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp là các nhà sản xuất hàng đầu, trưng bày hàng chục nghìn sản phẩm điện, điện tử với công nghệ mới nhất và thịnh hành nhất.
[Doanh nghiệp công nghệ kỳ vọng, kết quả kinh doanh phục hồi từ quý 3]
Với diện tích hơn 10.000m2, Triển lãm IEAE Hà Nội khuyến khích việc nâng cao tiêu dùng các sản phẩm điện tử, giải trí chất lượng cao đồng thời sẽ tập trung trưng bày các sản phẩm với 4 ngành chính, gồm điện tử-điện gia dụng; thiết bị thông minh; máy tính, điện thoại, phụ kiện và thiết bị game; linh kiện điện tử và sản phẩm khác.
Thông qua triển lãm xây dựng một nền tảng mua hàng “one stop shopping” hiệu quả và chuyên nghiệp, mang lại trải nghiệm triển lãm mới mẻ và thông minh cho nhà mua tại Hà Nội cũng như trên khắp Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, đại diện Công ty Chaoyu Expo nhấn mạnh: Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, đối tác cung ứng hàng hóa lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
Đặc biệt, Trung Quốc và Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng của nhau, chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng của hai nước gắn bó sâu với nhau, dự báo thương mại song phương sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh.
Vì vậy, Công ty Chaoyu Expo kỳ vọng thiết bị điện tử Trung Quốc sau khi đến Việt Nam sẽ mang lại sức sống mới cho thị trường.
Đặc biệt, triển lãm là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp giao lưu và mở rộng thị trường, đồng thời cũng là kênh quan trọng thúc đẩy phát triển ngành nghề cũng như tăng cường trao đổi và hợp tác.
Ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) - nhấn mạnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra sâu rộng, tác động đến toàn bộ nền sản xuất toàn cầu, tạo sự phát triển cho nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác nhau.
Trong số đó, không thể không nhắc tới ngành công nghệ ứng dụng với các sản phẩm điện tử và thiết bị thông minh nhằm nâng cao giá trị cuôc sống hiện đại.
Với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và mức sống của người dân đang dần được cải thiện, Việt Nam là thị trường tiêu thụ tiềm năng của nhiều sản phẩm điện tử.
Kim ngạch nhập khẩu điện thoại, máy vi tính, các sản phẩm điện tử, hàng điện gia dụng và linh kiện của Việt Nam từ thế giới trong năm 2022 đạt 105,2 tỷ USD, tăng 6,2% so với năm 2021.
Đáng lưu ý, trong các đối tác thương mại của Việt Nam, Trung Quốc là quốc gia tiêu biểu xuất khẩu giá trị kim ngạch lớn nhóm các sản phẩm điện tử và thiết bị thông minh sang Việt Nam.
Năm 2022, kim ngạch nhập khẩu máy tính, sản phẩm điện tử, hàng điện gia dụng và linh kiện của Việt Nam từ Trung Quốc đạt trên 33 tỷ USD, chiếm hơn 31% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm sản phẩm này của Việt Nam từ thế giới.
Theo ông Tô Ngọc Sơn, những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo, định hướng trực tiếp của Lãnh đạo cấp cao hai nước, đặc biệt là sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 10/2022, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục được củng cố, tăng cường và bổ sung những định hướng chiến lược mới trong tương lai.
Đặc biệt, Trung Quốc 20 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trong năm 2022.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, hoạt động ngoại thương của thế giới; trong đó, có Việt Nam và Trung Quốc, nhất là các mặt hàng điện tử và thiết bị thông minh cũng chịu tác động không nhỏ.
Thống kê cho thấy 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng điện thoại, máy vi tính, các sản phẩm điện tử, hàng điện gia dụng và linh kiện của Việt Nam từ thế giới đạt hơn 150 tỷ USD, giảm 10,7% so với năm 2022.
Kim ngạch xuất nhập khẩu các mặt hàng này của Việt Nam với Trung Quốc đạt khoảng 43 tỷ USD, giảm 5,4%; trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 13,6%, ở mức 22,1 tỷ USD.
Chính vì vậy, Triển lãm Quốc tế Điện tử và Thiết bị Thông minh Việt Nam năm 2023 có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần mở rộng và tăng cường kết nối nguồn cung ứng sản phẩm điện tử và thiết bị thông minh, thúc đẩy sự phát triển thị trường tiêu dùng điện tử chất lượng cao tại Việt Nam.
Hơn nữa, thông qua hoạt động xúc tiến thương mại như triển lãm lần này sẽ mở ra thêm cơ hội hợp tác cho cộng đồng doanh nghiệp, góp phần khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế toàn cầu và khu vực, đồng thời giúp quan hệ thương mại giữa Việt Nam-Trung Quốc không ngừng phát triển đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững.
Để giúp các nhà mua có nhiều cơ hội kinh doanh hơn, ban tổ chức cũng sẽ bám sát và nắm bắt xu hướng của ngành.
Trong khuôn khổ diễn ra triển lãm, nhiều diễn đàn, hội thảo sẽ được tổ chức với sự tham gia của nhiều lãnh đạo các hiệp hội, các chuyên gia trong ngành, đại diện doanh nghiệp và cơ quan trong các lĩnh vực.
Nội dung chính của các diễn đàn và hội thảo sẽ xoay quanh chủ đề về tình hình phát triển hiện tại của ngành điện tử, điện gia dụng và thiết bị thông minh cũng như thúc đẩy sự đổi mới và phát triển ngành.
Triển lãm Quốc tế Điện tử và Thiết bị Thông minh Việt Nam năm 2023 sẽ kéo dài đến hết ngày 4/11./.