Các vụ tấn công, cướp bóc và quấy rối phụ nữ trong đêm Giao thừa vừa qua đã tác động mạnh tới quan điểm của dân chúng Đức đối với chính sách tị nạn của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Kết quả một cuộc thăm dò dư luận của hãng tin Đức N24 công bố ngày 21/1 cho biết hiện chỉ còn 15% số người Đức được hỏi ủng hộ chính sách tị nạn của Thủ tướng Merkel, trong khi có tới 1/3 số ý kiến ủng hộ đóng cửa biên giới nước này.
Không chỉ chịu áp lực ngày càng gia tăng từ liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) của mình, bà Merkel ngày càng bị dân chúng Đức phản đối chính sách tị nạn hiện nay.
Theo cuộc thăm dò do Viện nghiên cứu Emnid thực hiện cho hãng tin N24, có tới 79% số người được hỏi yêu cầu siết chặt các điều kiện đối với người xin tị nạn ở Đức.
Nếu cuộc thăm dò hồi tháng 4/2015 vẫn có 74% số người tin tưởng Đức có thể giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn, đến nay, con số này đã giảm chỉ còn 49%.
Về giải pháp hạn chế người tị nạn vào Đức, 1/3 số ý kiến muốn Đức theo mô hình của Áo và Thụy Điển là đóng cửa biên giới.
Trong khi đó, Chủ tịch Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU) Horst Seehofer nhận định Chính phủ đại liên minh hiện nay đang ở "tình thế nguy cấp" vì bất đồng trong cuộc khủng hoảng người tị nạn.
Theo vị Thủ hiến bang Bayern này, Đức sẽ "trở thành một nước khác" nếu lượng người tị nạn đổ vào quốc gia đầu tàu châu Âu nhiều hơn trong năm 2015, có thể thông qua việc đoàn tụ gia đình.
Ông Seehofer đã "khẩn thiết kêu gọi" áp đặt mức trần tiếp nhận người tị nạn, điều vốn bị Thủ tướng Merkel kiên quyết phản đối.
Trong diễn biến liên quan, sau Áo, Macedonia, Serbia và Croatia, ngày 21/1, Slovenia cũng tuyên bố siết chặt chính sách tị nạn của nước này, theo đó sẽ chỉ cho phép người tị nạn muốn tới Đức hoặc Áo, được phép quá cảnh nước này.
Phát biểu sau phiên họp chính phủ bất thường, Bộ trưởng Nội vụ Slovenia Vesna Györkös Znidar cho biết nước này chỉ cho phép người tị nạn tiếp tục hành trình vào châu Âu nếu chứng minh được rằng họ sẽ tới tị nạn ở Áo hoặc Đức./.