Kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc khởi sắc trên nhiều lĩnh vực

10 tháng năm 2019, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt trên 74.000 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc khởi sắc trên nhiều lĩnh vực ảnh 1Công nhân sản xuất linh kiện điện tử tại Nhà máy Canon. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, từ đầu năm đến nay, kinh tế-xã hội của tỉnh có nhiều khởi sắc, với 3/4 mục tiêu về kinh tế là tốc độ tăng tổng sản phẩm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội và thu hút đầu tư đạt và vượt mục tiêu cả năm. Các lĩnh vực xuất khẩu, vốn tín dụng huy động và ngành sản xuất linh kiện điện tử cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực.

Xuất khẩu khởi sắc

Riêng đối với hoạt động xuất-nhập khẩu, với sự chủ động, nhạy bén, nhiều doanh nghiệp đã tìm được cơ hội, thị trường xuất khẩu mới và cạnh tranh bình đẳng về thị phần với các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới, nhất sau gần 1 năm Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực.

9 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu của cả doanh nghiệp FDI và DDI đều tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt trên 2,6 tỷ USD, tăng hơn 9% so với cùng kỳ; doanh nghiệp DDI đạt xấp xỉ 40 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số lĩnh vực có giá trị xuất khẩu tăng cao là công nghiệp hỗ trợ ôtô, xe máy tăng 54%; công nghiệp hỗ trợ điện, điện tử tăng 5%; công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy tăng 36%...

Đặc biệt, sau hơn 10 năm cùng với cả nước hội nhập kinh tế quốc tế, kim ngạch xuất khẩu của Vĩnh Phúc có mức tăng trưởng mạnh, bình quân tăng 30%/năm; thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng.

[Vĩnh Phúc sẽ tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp Hàn Quốc đến đầu tư]

Đến nay, toàn tỉnh có trên 200 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu; hàng hóa của các doanh nghiệp đã có mặt tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như các nước trong khối ASEAN, Nhật Bản, Đài Loan, EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Điều này đã tạo thêm niềm tin để các doanh nghiệp của tỉnh vững bước trên đường hội nhập, tận dụng tốt nhất những cơ hội mới mà mà Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU mở ra.

Riêng đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là linh kiện điện tử, dệt may, sản xuất đệm ghế ôtô, tận dụng các cơ hội mà các Hiệp định mang lại, nhiều doanh nghiệp đang cơ cấu lại sản xuất, mở rộng nhà xưởng, tìm chỗ đứng trên thị trường.

Nhờ đó, doanh nghiệp, sản phẩm liên tục tăng, chẳng hạn như cả năm 2018, các doanh nghiệp dệt may mới sản xuất, cung ứng ra thị trường gần 75.650 nghìn quần, áo; sản xuất linh kiện điện tử đạt doanh 67.942 tỷ đồng thì 10 tháng năm 2019, linh kiện điện tử đã đạt 77.955 tỷ đồng; các doanh nghiệp dệt may, sản xuất gần 61.100 nghìn quần, áo.

Để kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt và vượt mục tiêu đề ra, cùng với giữ vững thị trường hiện có, trên 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm thị trường mới, nhất là thị trường các nước tiềm năng khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

Tiếp sức cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất kinh doanh; hỗ trợ xây dựng thương hiệu hàng hóa xuất khẩu đối với một số mặt hàng chủ lực của tỉnh; hỗ trợ, tư vấn các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Đặc biệt, trước cơ hội và những thách thức mà các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1028 về kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, với những giải pháp và nhiệm vụ cụ thể nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; đảm bảo thực thi các cam kết về công đoàn và các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Nguồn vốn huy động tín dụng đạt trên 74.000 tỷ đồng

Kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc khởi sắc trên nhiều lĩnh vực ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV)

Kết thúc 10 tháng năm 2019, lưu chuyển dòng vốn tín dụng trên địa bàn tỉnh đang ổn định theo chiều tỷ lệ thuận khi nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng của các ngân hàng, tổ chức tín dụng đều có mức tăng trưởng khá.

Với tổng nguồn vốn huy động tăng 7%, dư nợ cho vay tăng 11% so với cuối năm 2018, ngành Ngân hàng đã và đang góp phần tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.

Với mục tiêu hàng đầu là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, chuyển dịch cơ cấu tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và giải quyết nợ xấu bảo đảm hiệu quả nguồn vốn, ngay từ đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng chủ động thực hiện tốt chính sách tiền tệ theo hướng chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, có sự cân bằng giữa huy động vốn và cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh.

Từ những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, nhất là việc giữ ổn định lãi suất huy động phổ biến ở mức 4,6-7,3%/năm theo từng kỳ hạn, lãi suất cho vay bằng VNĐ được áp dụng ở mức từ 6-11%/năm, riêng đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên phổ biến ở mức 6-6,5%/năm, 10 tháng qua, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt trên 74.000 tỷ đồng, tăng hơn 7%; tổng dư nợ cho vay đạt trên 75.000 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với cuối năm 2018; tỷ lệ nợ xấu giảm còn 0,99%.

Nhằm tăng khả năng hấp thụ nguồn vốn, thời gian tới, ngành Ngân hàng tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác huy động vốn, thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng; đẩy mạnh đầu tư tín dụng, phục vụ sản xuất nông nghiệp và các nhu cầu vốn phục vụ đời sống của người dân, góp phần giảm nạn tín dụng đen.

Cùng đó, tiếp tục làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận vốn ngân hàng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2019 và những năm tiếp theo.

Doanh thu ngành sản xuất linh kiện điện tử liên tục tăng cao

Đi qua 2/3 chặng đường phát triển kinh tế-xã hội, ngành sản xuất công nghiệp của Vĩnh Phúc tiếp tục có thêm những dấu ấn mới, trong đó, ngành chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng chung và duy trì mức tăng trưởng ở 2 con số.

Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, sản xuất linh kiện điện tử đã vượt qua dệt may, chè, trở thành ngành sản xuất có mức tăng trưởng cao nhất và luôn dẫn đầu danh sách các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

Theo thống kê của Sở Công thương, hiện toàn tỉnh có trên 120 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử.

Cũng như hàng ngàn doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh, với sự chủ động trong việc tìm kiếm, phát triển thị trường, tạo niềm tin với đối tác từ chất lượng sản phẩm, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử ngày càng phát triển.

10 tháng năm 2019, doanh thu từ linh kiện điện tử đạt xấp xỉ 78.000 tỷ đồng, tăng 46,2% so với cùng kỳ năm ngoái và là ngành công nghiệp chủ lực có mức tăng cao nhất.

Cụ thể, tăng hơn 18,7% so với ngành sản xuất thiết bị điện, tăng 19,6% so với ngành sản xuất kim loại và tăng 26,3% so với ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim...

Xâu chuỗi các số liệu thống kê từ năm 2016 đến nay cho thấy, doanh thu ngành sản xuất linh kiện điện tử liên tục tăng cao, từ 22.614 tỷ đồng năm 2016 tăng lên 46.322 tỷ đồng năm 2017 và 67.946 tỷ đồng năm 2018.

Linh kiện điện tử đã trở thành mặt hàng công nghiệp chủ lực, thúc đẩy tăng trưởng chung của ngành công nghiệp, tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là giá trị xuất khẩu linh kiện điện tử của Vĩnh Phúc chủ yếu vẫn đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử cũng gặp khó khăn trong việc sản xuất do thị trường trong nước chưa thể cung ứng được các sản phẩm linh kiện, phụ tùng của ngành hàng này nên nhà sản xuất gần như phụ thuộc phần nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu.

Để sản xuất linh kiện tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tại nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử lớn như Công ty trách nhiệm hữu hạn Haesung vina, Công ty trách nhiệm hữu hạn Jawa Vina, Công ty trách nhiệm hữu hạn Partron vina, Công ty trách nhiệm hữu hạn Power Logics vina...mong muốn, bên cạnh các cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, nguồn lao động, Vĩnh Phúc cần quan tâm thu hút các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa trong ngành sản xuất linh kiện điện tử nói riêng, các ngành sản xuất, chế tạo sản phẩm công nghiệp nói chung.

Cùng với đó, có những giải pháp về cơ chế, chính giải quyết hài hòa được lợi ích của 3 bên: Nhà nước-doanh nghiệp-người tiêu dùng. Có như vậy, không chỉ riêng ngành sản xuất linh kiện điện tử mà các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn khác của tỉnh cũng sẽ có cơ hội phát triển, mở rộng thị trường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục