Vụ bê bối gian lận khí thải của hãng sản xuất ôtô Volkswagen làm rung chuyển không chỉ nền công nghiệp ôtô Đức mà còn làm các nhà sản xuất xe hơi khác "liên lụy."
Một số nhà phân tích cảnh báo scandal này có thể trở thành mối đe dọa đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Giám đốc điều hành Volkswagen Martin Winterkorn đã từ chức ngày 23/9, chỉ vài ngày sau khi khi Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) phát hiện Volkswagen đã sử dụng phần mềm khai gian về lượng khí thải của 500.000 chiếc xe chạy bằng động cơ diesel của hãng.
Nhà kinh tế trưởng Carsten Brzeski của ING đánh giá Volkswagen bỗng chốc đã trở thành một rủi ro đối với kinh tế Đức, thậm chí lớn hơn cả đe dọa tiềm năng từ cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp. Ông nói: “Nếu doanh số bán hàng của Volkswagen sụt giảm mạnh ở Bắc Mỹ trong những tháng tới, điều này không chỉ tác động tới hãng mà là cả nền kinh tế Đức."
Năm 2014, Volkswagen bán được gần 600.000 xe tại Mỹ, chiếm khoảng 6% trong tổng số 9,5 triệu xe bán ra trên toàn cầu. Theo ước tính của EPA, Volkswagen có thể bị phạt tới 18 tỷ USD do sử dụng phần mềm khai gian về khí thải này. Mức phạt này còn lớn hơn cả toàn bộ lợi nhuận hoạt động của hãng trong năm 2014.
EPA cũng yêu cầu VW phải khẩn trương khắc phục 482.000 xe được sản xuất trong vòng 6 năm qua, trong đó bao gồm xe VW Jetta, Beetle, Golf và Audi A3. Như vậy, riêng chi phí hãng Volkswagen phải bỏ ra để thu hồi số xe này để phục vụ kiểm tra và sửa chữa dự kiến có thể lên tới 6,5 tỷ euro.
Bên cạnh đó, vụ bê bối đang làm dấy lên những quan ngại về khả năng Volkswagen sẽ mạnh tay cắt giảm việc làm do doanh thu giảm sút. Hiện tại, Volkswagen là một trong những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất. Chỉ riêng ở Đức, hãng có 270.000 nhân viên, chưa kể một lượng công nhân lớn hơn làm việc cho các nhà cung cấp của hãng. Vụ bê bối đang làm dấy lên những quan ngại về khả năng Volkswagen sẽ mạnh tay cắt giảm việc làm do doanh thu giảm sút.
Một vấn đề đáng ngại nữa đối với Chính phủ Đức ở thời điểm hiện nay là những hãng xe khác của nước này như Daimler và BMW có thể bị "vạ lây" từ vụ bê bối của Volkswagen. Trong khi đó, ngành chế tạo xe hơi và các ngành phụ trợ vốn được xem là "xương sống" của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Trong năm 2014, lĩnh vực ôtô Đức tạo việc làm cho 775.000 người, chiếm 2% lực lượng lao động của nước này.
Một số đánh giá tiêu cực khác về khả năng vụ gian lận khí thải này của Volkswagen sẽ gây ra hiệu ứng đô-mi-nô và làm xói mòn lòng tin của khách hàng đối với các công ty Đức. Tuy nhiên, Hiệp hội thương mại Đức BGA lên tiếng trấn an dư luận khi cho biết không có dấu hiệu cho thấy khách hàng nước ngoài bắt đầu nghi ngờ chất lượng và độ tin cậy của các hàng hóa “Made in Germany."
Volkswagen sở hữu các thương hiệu xe VW, Audi, SEAT, Skoda, MAN cùng một số thương hiệu hạng sang như Porsche, Bugatti và là nhà sản xuất ôtô lớn nhất của Đức.