Kỳ vọng chứng khoán tăng trong tuần giao dịch đầu tiên năm Nhâm Dần

Thị trường tuần giao dịch trước nghỉ Tết (từ 24-28/1) nhìn chung trong giai đoạn thăm dò, nhưng vẫn có tín hiệu khởi sắc. Thanh khoản dù thấp hơn trung bình 50 phiên nhưng có động thái gia tăng.
Kỳ vọng chứng khoán tăng trong tuần giao dịch đầu tiên năm Nhâm Dần ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Nhiều công ty chứng khoán đặt kỳ vọng vào nhịp tăng của thị trường tuần giao dịch đầu tiên năm Nhâm Dần (từ 7-11/2).

Theo thống kê, thị trường đã tăng điểm 5 đến 6 lần trong giai đoạn 2016-2021, chỉ có năm 2020 là giảm do ảnh hưởng của COVID-19.

Khởi sắc

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định diễn biến thị trường tuần giao dịch trước nghỉ Tết (từ 24-28/1) nhìn chung trong giai đoạn thăm dò, nhưng vẫn có tín hiệu khởi sắc. Thanh khoản dù thấp hơn trung bình 50 phiên nhưng có động thái gia tăng.

Với diễn biến khá ổn định và có tín hiệu hỗ trợ từ dòng tiền, dự kiến thị trường sẽ tiếp tục khởi sắc khi bước vào giao dịch năm Nhâm Dần. Nhà đầu tư có thể kỳ vọng nhịp tăng của thị trường sau kỳ nghỉ Tết.

Cũng có góc nhìn tích cực, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho biết, nhìn lại lịch sử các năm trước đó, giai đoạn sau Tết, thị trường thường sẽ tích cực.

Theo thống kê, thị trường đã tăng điểm 5 đến 6 lần trong giai đoạn 2016-2021, chỉ có năm 2020 là giảm do ảnh hưởng của COVID-19.

[Năm 2022: Thị trường chứng khoán có tiếp tục ‘cưỡi hổ’ thăng hoa?]

Do đó, SHS dự báo trong tuần giao dịch đầu tiên của năm Nhâm Dần 2022 (từ 7-11/2), VN-Index có thể sẽ tiếp tục hồi phục để hướng đến kháng cự tâm lý 1.500 điểm.

Nhà đầu tư tham gia bắt đáy trong các phiên 12/1, 18/1 và 24/1 có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại để tận dụng xu hướng tăng này.

Trong kịch bản tiêu cực, nếu VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.400-1.450 điểm sẽ mở ra cơ hội mua thêm cho các nhà đầu tư.

Về diễn biến nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng đang là đầu tàu dẫn dắt thị trường đi lên trong tuần qua với nhiều mã tăng giá khá tốt như BID tăng 1,3%, STB tăng 2,7%, ACB tăng 3,3%, CTG tăng 3,8%, TPB tăng 4,9%, TCB và MBB tăng 6%, VPB tăng 6,9%, SHB tăng 9,2%...

Nhóm chứng khoán lại diễn biến trái chiều trong tuần qua, với bên hồi phục là SSI tăng 1,1%, VND tăng 4,9%... và bên giảm là MBS giảm 1,5%, HCM giảm 2,5%, VCI giảm 3,3%...

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu thép tiếp tục là gánh nặng của thị trường khi HPG giảm 2,5%, TLH giảm 2,9%, NKG giảm 3,7%, HSG giảm 6%... Bên cạnh đó, nhóm dầu khí cũng có diễn biến tiêu cực khi nhiều mã bị bán mạnh. Theo đó, BSR giảm 2%, PVB giảm 5,8%, PVS giảm 8,1%, PVD giảm 9,9%, PVC giảm 12,2%, OIL giảm 12,3%...

Các cổ phiếu hàng tiêu dùng cũng có một tuần giao dịch không mấy tích cực khi hầu như các mã trong nhóm này đều kết tuần dưới mức giá tham chiếu, có thể kể đến các trụ cột như MSN giảm 5,3%, MCH giảm 3%.

Kết thúc tuần giao dịch cuối cùng của năm Tân Sửu 2021 (từ 24-28/1), VN-Index đứng ở mức 1.478,96 điểm, tương ứng mức tăng 0,41% so với tuần trước đó. UPCoM-Index tăng nhẹ 0,01% lên 109,69 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm 0,27% xuống mức 416,73 điểm.

Khối ngoại mua ròng 4/5 phiên trong tuần qua, với giá trị hơn 1.900 tỷ đồng. CTG, VHM và STB là 3 mã được mua ròng nhiều nhất với giá trị lần lượt 442 tỷ đồng, 353 tỷ đồng và 311 tỷ đồng.

Theo Công ty cổ Phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), diễn biến hồi phục trong tuần giúp VN-Index duy trì xu hướng đi ngang trong ngắn hạn, chỉ số đang hướng đến kháng cự quan trọng 1.480 điểm. Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn đang ở mức trung tính.

Chứng khoán thế giới liên tiếp tăng

Hầu hết các chỉ số chứng khoán Mỹ lên điểm phiên 4/2, khép lại tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp, sau khi các nhà đầu tư đánh giá báo cáo việc làm tháng Một tốt hơn nhiều so với dự kiến, cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bước vào đợt tăng lãi suất.  Trong cả tuần, chỉ số Dow Jones 1,1%, chỉ số S&P 500 tăng 1,6% và chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,4%.

Kỳ vọng chứng khoán tăng trong tuần giao dịch đầu tiên năm Nhâm Dần ảnh 2(Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Thị trường chứng khoán cuối tuần qua ngày 4/2 trồi sụt sau khi Chính phủ Mỹ cùng ngày công bố báo cáo việc làm cho thấy nền kinh tế nước này tạo thêm 467.000 việc làm trong tháng Một, đây là con số mạnh hơn nhiều so với ước tính.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3,9% lên 4%, còn tỷ lệ phần trăm những người tham gia lực lượng lao động tăng lên mức cao trong giai đoạn đại dịch là 62,2%.

Giám đốc đầu tư tại Exencial Wealth Advisors, Tim Courtney cho rằng thị trường việc làm mạnh là một thông tin rất tích cực và nhiều người tham gia vào lực lượng lao động hơn.

Chốt phiên cuối tuần 4/2, chỉ số Dow Jones giảm 0,06% xuống 35.089,74 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 0,52%, lên 4.500,53 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,58%, lên 14.098,01 điểm.

Trong phiên giao dịch chiều cuối tuần qua 4/2, thị trường chứng khoán châu Á đi lên trước đà tăng của thị trường Hong Kong trong ngày đầu tiên mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ.

Chốt phiên này, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) tăng 0,7% lên 27.439,99 điểm. Đáng chú ý, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) tăng 3,2% lên 24.573,29 điểm. Trong khi đó, các thị trường chứng khoán Seoul, Singapore, Manila, Bangkok và Jakarta cũng đều tăng điểm. 

Thị trường Hong Kong dẫn đầu đà tăng của chứng khoán châu Á, khi các nhà đầu tư trở lại thị trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Những "gã khổng lồ" công nghệ và những đối thủ nặng ký trên thị trường bao gồm Alibaba và Tencent là những động lực chính cho đà tăng của chứng khoán, trong khi các công ty tài chính như HSBC cũng được hưởng lời nhờ một số khoản mua cổ phiếu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục