Lãnh đạo địa phương phải quan tâm đặc biệt đến phòng chống tham nhũng

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng nêu thực tế, “các ngành, địa phương thường nói tham nhũng ở đâu chứ ngành tôi không có” và báo cáo chỉ có thành tích.
Lãnh đạo địa phương phải quan tâm đặc biệt đến phòng chống tham nhũng ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tiếp tục Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, tại buổi làm việc chiều 28/12, đề cập đến công tác phòng chống tham nhũng, Thủ tướng nêu thực tế, “các ngành, địa phương thường nói tham nhũng ở đâu chứ ngành tôi không có” và báo cáo chỉ có thành tích.

Trong khi đó, nguồn lực, vốn liếng đầu tư, đất đai lại nằm ở tại các địa phương. Do đó, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải quan tâm đặc biệt đến công tác phòng chống tham nhũng, bởi chính nhận thức tốt thì mới thực hiện công tác này hiệu quả.

Nêu rõ Thanh tra Chính phủ, Công an và các ngành chỉ làm một phần nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý nhà nước, Thủ tướng nhấn mạnh đến chính lãnh đạo địa phương phải nhận thức được thì mới có thể “làm đến nơi đến chốn.”

“Phải đặt chống tham nhũng từ địa phương, từ cơ sở thì mới chuyển biến,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Chỉ ra những tồn tại trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là việc người dân các địa phương kéo về Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh rất nhiều, Thủ tướng nêu rõ, sắp tới địa phương nào để dân kéo ra Hà Nội, Thủ tướng sẽ mời Chủ tịch tỉnh lên “nhận dân về để giải quyết chứ không để đẩy lên Trung ương.”

Phân tích thêm về vấn đề này, Thủ tướng cho rằng, để xảy ra tình trạng này là do chính quyền các địa phương không chịu đối thoại với dân, không đặt người khiếu nại vào nhiệm vụ giải quyết của mình.

Thủ tướng yêu cầu chính quyền các cấp phải bố trí theo dõi, nhất là ở huyện, xã, tỉnh phải làm việc này sâu sát hơn.

[Lựa chọn tác phẩm báo chí xuất sắc về chống tham nhũng, lãng phí]

Ghi nhận nhiều bộ, ngành đã làm tốt việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, với khoảng 5.000 thủ tục được cắt giảm, Thủ tướng cho rằng một số bộ như Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hay Xây dựng đã dám cắt bỏ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh là đã dám "từ bỏ quyền lực" của mình.

Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá con số này chưa nhiều và mới chỉ ở một số ít bộ còn ở các địa phương chưa có nhiều chuyển động. Từ nhận định đó, Thủ tướng đề nghị các địa phương “chuyển động quyết liệt, nếu không thì mọi chuyện vẫn như cũ, không cách gì bứt phá.”

Đối với kết quả thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng về nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghệ 4.0, Thủ tướng cho biết, vấn đề đặt ra đối với cả cấp Trung ương và địa phương là phải thực hiện 4.0 từ đâu.

Thủ tướng đặt vấn đề, liệu đó có phải là hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu, đào tạo nguồn nhân lực, một chiến lược quốc gia mà từng địa phương phải làm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0?

Khẳng định đây chính là khâu nâng cao năng suất lao động, Thủ tướng mong muốn lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành tiếp tục chú trọng, quan tâm sâu sát hơn nữa đến vấn đề này.

Tại buổi họp chiều nay, nhiều địa phương phát biểu nêu bật tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội trên địa bàn và đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm mà các bộ, ngành đưa ra.

Trước đó, Hội nghị đã nghe lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; Bộ Tư pháp báo cáo công tác rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành về môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội; Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghệ 4.0.

Tiếp đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng báo cáo kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ năm 2017; Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng năm 2017.

Sáng mai, Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với với các địa phương tiếp tục làm việc. Dự kiến cuối buổi sáng mai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu kết luận, kết thúc cuộc họp thường niên, quy mô lớn nhất của Chính phủ để đánh giá toàn diện tình hình kinh tế-xã hội và thống nhất những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục