"Lấy địa phương làm hạt nhân để xây dựng hình ảnh quốc gia"

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, công tác truyền thông phải thống nhất, tránh “mạnh ai nấy làm” để thế giới dễ tập trung nhận diện hình ảnh Việt Nam.
Hòn Gà Chọi hay còn gọi là Hòn Trống Mái là một trong những biểu tượng của vịnh Hạ Long nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung trên các phương tiện thông tin tuyên truyền. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Hòn Gà Chọi hay còn gọi là Hòn Trống Mái là một trong những biểu tượng của vịnh Hạ Long nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung trên các phương tiện thông tin tuyên truyền. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Lấy địa phương làm nền tảng, “hạt nhân” để xây dựng, truyền thông hình ảnh quốc gia là cách làm mới để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.

Đây là điều Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh tại Hội nghị tập huấn truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài theo cách làm mới, khai mạc ngày 22/9 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Tránh mạnh ai nấy làm

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định thông tin tuyên truyền là một mặt trận quan trọng trong công tác tư tưởng và tuyên truyền của Đảng. Trích dẫn lời Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, ông Lâm cho rằng công tác tuyên truyền hiện nay “chủ động thông tin tích cực chưa tốt,” chưa “đi trước mở đường,” chủ yếu là “chạy theo nói lại.”

"Lấy địa phương làm hạt nhân để xây dựng hình ảnh quốc gia" ảnh 1Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Do đó, ông cho rằng tình hình mới đòi hỏi thông tin đối ngoại phải có cách làm mới, chủ động, sáng tạo, tích cực và hiệu quả.

“Cách làm này lấy địa phương làm hạt nhân, nền tảng để xây dựng hình ảnh quốc gia và sớm thúc đẩy tăng thứ hạng hình ảnh quốc gia Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn cầu,” Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ.

[Phát huy vai trò tiên phong đối ngoại, nâng vị thế và uy tín đất nước]

Theo cách làm này, hình ảnh quốc gia là tổng thể những ấn tượng, các điểm mạnh, giá trị cốt lõi của các dân tộc hiện hữu ở 63 tỉnh, thành.

Thực tế, không phải địa phương nào cũng có thế mạnh giống nhau và biết phát huy hết lợi thế của mình. Trong khi nhiều tỉnh thành đã làm tốt công tác truyền thông quảng bá thì nhiều địa phương với nguồn lực tương tự vẫn đang loay hoay chưa biết được cách làm thế nào để truyền thông quảng bá hiệu quả, từ đó thu thút đầu tư, du lịch... Nhiều bộ, ngành, địa phương đã chú trọng công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh nhưng hiệu quả chưa cao, thiếu định hướng, cơ quan điều phối, dẫn đến hình ảnh quốc gia bị phân tán, thiếu nhất quán khi truyền thông ra bên ngoài.

"Lấy địa phương làm hạt nhân để xây dựng hình ảnh quốc gia" ảnh 2Quang cảnh buổi hội nghị tập huấn. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Do đó, ông Lâm cho rằng công tác truyền thông phải thống nhất, tránh “mạnh ai nấy làm,” để thế giới dễ tập trung nhận diện hình ảnh; qua đó, hỗ trợ cho các hoạt động ngoại giao, du lịch, giao thương, thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao lợi thế cạnh tranh quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Nhân dịp này, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phổ biến cụ thể về Khung truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài theo cách làm mới gồm 22 yếu tố/chỉ số chia làm hai nhóm: Yếu tố nền tảng và yếu tố trải nghiệm.

Nhóm yếu tố nền tảng gồm các chỉ số về hệ giá trị, chất lượng cuộc sống, tiềm năng kinh doanh. Nhóm yếu tố trải nghiệm gồm các chỉ số về văn hóa-di sản, du lịch, sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam.

"Lấy địa phương làm hạt nhân để xây dựng hình ảnh quốc gia" ảnh 3Khung truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài theo cách làm mới gồm 22 yếu tố/chỉ số.

Do cách làm mới, nên Bộ Thông tin và Truyền thông tập huấn thí điểm đối với 8 địa phương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây là những địa phương có cơ sở kinh tế, văn hóa đa dạng, có nhiều tiềm năng và sẵn sàng tham gia thực hiện thí điểm.

Hằng năm, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổng hợp, đánh giá việc thực hiện thí điểm, trên cơ sở đó, đề xuất bổ sung thêm các địa phương có cùng tiêu chí và sẵn sàng triển khai. Sau giai đoạn thí điểm (năm 2025), Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai đồng bộ trong cả nước.

Tận dụng công nghệ

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh cho biết tỉnh đặc biệt coi trọng công tác truyền thông quảng bá hình ảnh thông tin đối ngoại, luôn xác định việc truyền thông phải đi trước một bước.

Hàng năm, Quảng Ninh ban hành kế hoạch hợp tác truyền thông, giao Sở Thông tin và Truyền thông là đầu mối hợp tác với các cơ quan báo chí thực hiện công tác định hướng nội dung tuyên truyền; trao đổi, cung cấp thông tin để các cơ quan hợp tác truyền thông tuyên truyền quảng bá tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh con người, vùng đất Quảng Ninh, các sự kiện của tỉnh và sự kiện được tổ chức trên địa bàn tỉnh.

Tuy vậy, trước yêu cầu tình hình mới, bà Nguyễn Thị Hạnh cho rằng công tác truyền thông của Quảng Ninh cần chủ động, xứng tầm, bài bản và có hệ thống hơn.

“Chúng tôi mong muốn được các chuyên gia hỗ trợ xây dựng công cụ, nhất là công cụ số, để tự đánh giá và chuẩn hóa các nhân tố tạo nên hình ảnh địa phương, để các địa phương thể hiện hết tiềm năng và năng lực sẵn có của mình, xây dựng và phát triển hình ảnh địa phương đến với bạn bè quốc tế,” bà Nguyễn Thị Hạnh nói.

Đóng góp ý kiến tại chương trình tập huấn, ông Nguyễn Thanh Sơn, thạc sỹ báo chí quốc tế, Viện Quan hệ quốc tế Moscow cho rằng những người làm truyền thông kiểu mới phải trau dồi kiến thức, sẵn sàng học hỏi vì đối tượng tiếp nhận các thông điệp hiện nay là thế hệ trẻ (Gen Z). Họ là những người học hỏi, nắm bắt rất nhanh các xu hướng và phương tiện truyền thông số.

“Chúng ta đang sử dụng những kênh thông tin phi truyền thống như Zalo, Facebook, Youtube, Twitter… Đây là phương tiện thực sự hiệu quả trong truyền thông đối ngoại ở bối cảnh toàn cầu hoá,” ông Nguyễn Thanh Sơn nói.

"Lấy địa phương làm hạt nhân để xây dựng hình ảnh quốc gia" ảnh 4Ông Đoàn Công Huynh, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại chia sẻ tại hội nghị. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ông Đoàn Công Huynh, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) cùng chung quan điểm phải đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện chuyển đổi số công tác thông tin đối ngoại.

Ông chỉ ra một số nhiệm vụ cần thông tin đối ngoại trong thời kỳ mới bao gồm: Tăng thứ hạng hình ảnh quốc gia, đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia có hình ảnh tốt về giá trị trải nghiệm; bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhân quyền…

Để có thể thực hiện nhiệm vụ này, ông Đoàn Công Huynh đưa ra một số giải pháp như: Mở hướng thông tin đối ngoại theo hướng ngoại giao công chúng; hoàn thiện pháp lý và từng bước luật hóa hoạt động thông tin đối ngoại; kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa thông tin đối ngoại và đối nội; quản lý thông tin đối ngoại theo hướng truyền thông chủ động và tích cực; quản trị tốt khủng hoảng truyền thông…/.

Trong hai ngày 22-23/9, Hội nghị tập huấn truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài theo cách làm mới do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức có sự tham gia của các đại biểu sở, ngành thuộc bốn địa phương thực hiện thí điểm (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế), cán bộ đến từ 27 Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố phía Bắc và Bắc Trung bộ, các phóng viên báo chí thuộc một số cơ quan thông tấn. Bốn địa phương thí điểm còn lại sẽ được tham gia tập huấn tại Bà Rịa-Vũng Tàu vào tháng Mười.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục