Lễ đón dòng khí đầu tiên từ mỏ SV-ĐN đến đường ống Nam Côn Sơn 2

Dự án phát triển mỏ khí SV-ĐN thuộc bể Nam Côn Sơn là tiền đề cho sự phát triển của chuỗi Dự án Nam Côn Sơn 2, một trong những dự án trọng điểm của PV GAS.
Lễ đón dòng khí đầu tiên từ mỏ SV-ĐN đến đường ống Nam Côn Sơn 2 ảnh 1(Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Ngày 16/11, tại điểm tiếp nhận khí vào bờ tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã đón nhận dòng khí đầu tiên từ mỏ SV, thuộc Dự án phát triển mỏ khí SV-ĐN đến đường ống tiếp bờ Nam Côn Sơn 2.

Dự án phát triển mỏ khí SV-ĐN thuộc bể Nam Côn Sơn là tiền đề cho sự phát triển của chuỗi Dự án Nam Côn Sơn 2, một trong những dự án trọng điểm của PV GAS.

Chuỗi Dự án Nam Côn Sơn 2 gồm 2 Dự án thành phần (Dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 điều chỉnh và Dự án Đường ống dẫn khí SV-ĐN) được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giao cho PV GAS làm Chủ đầu tư.

Chuỗi Dự án nhằm mục tiêu phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng Ngành công nghiệp khí Việt Nam theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Đảm bảo nhu cầu thu gom, vận chuyển và xử lý khí mỏ Sư Tử Trắng, SV-ĐN, Thiên Ưng-Đại Hùng và dự phòng cho đường ống Bạch Hổ-Dinh Cố; Bổ sung công suất tiếp nhận và xử lý khí, tăng tính linh hoạt trong vận hành các công trình khí (giữa nhà máy GPP Dinh Cố, NCS Terminal và GPP2); Bổ sung nguồn khí thiếu hụt khu vực Đông Nam bộ nhằm đảm bảo cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ hiện hữu, phục vụ cho phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng; đồng thời làm tiền đề cho việc phát triển các mỏ ở khu vực lân cận trong các giai đoạn sau.

[Tập đoàn Vietsovpetro ghi dấu mốc quan trọng ở Mỏ Thiên Ưng]

Với sản lượng mỗi năm khoảng 1,5 tỷ m3 khí; 2,8 triệu thùng dầu thô và khí ngưng tụ condensate, nguồn khí SV-ĐN sẽ đóng góp một nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế, đảm bảo các cam kết của PV GAS cấp khí cho sản xuất điện (chiếm khoảng 22% sản lượng điện cả nước) và cho các hộ tiêu thụ tại khu vực Đông Nam bộ.

Phát biểu tại lễ đón dòng khí đầu tiên, Phó Tổng giám đốc PV GAS Hoàng Văn Quang cho biết, Dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 có một chặng đường phát triển dài, bắt đầu từ công tác xem xét, đánh giá, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong những năm cuối của thập kỷ trước.

Giai đoạn 1 của Dự án đã được chính thức triển khai từ tháng 4/2013 và hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2015 với 151km tuyến ống biển từ giàn BK-Thiên Ưng đến điểm kết nối với đường ống Nam Côn Sơn 2 tại KP 207.5.

Giai đoạn 2 của Dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 với 118 km đường ống biển từ KP 207.5 đến trạm tiếp bờ Long Hải; khoảng 10km từ trạm tiếp bờ Long Hải đến Nhà máy xử lý khí Dinh Cố và khoảng 29km dẫn sản phẩm khí khô đến Trung tâm Phân phối khí Phú Mỹ.

Đồng thời với việc triển khai thực hiện Dự án đường ống Nam Côn Sơn 2, việc đầu tư xây dựng Đường ống thu gom, vận chuyển khí mỏ SV-ĐN với 2 tuyến ống thành phần, trong đó đường ống dẫn khí từ giàn Thiên Ưng đến giàn SV chiều dài khoảng 23km và đường ống dài 23km dẫn khí từ giàn SV kết nối với đường ống Nam Côn Sơn 2 tại khu vực BK Thiên Ưng cũng được khẩn trương hoàn thành, nhằm thu gom và vận chuyển khoảng 2-3 tỷ m3 khí/năm từ các mỏ SV-ĐN và Thiên Ưng-Đại Hùng về bờ.

Theo ông Quang, khối lượng công việc của mỗi dự án đều rất lớn trong khi tiến độ triển khai thiết kế, mua sắm vật tư thiết bị, thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị của mỗi dự án lại ngắn (khoảng 12 tháng kể từ khi ký kết các hợp đồng EPC đối với các dự án đường ống biển và đường ống bờ).

Quá trình thực hiện còn phải đối mặt với các khó khăn do điều kiện thời tiết biển năm 2020 đặc biệt phức tạp, với nhiều cơn bão diễn ra liên tục vào những tháng gần đây thuộc giai đoạn cao điểm xây dựng của các dự án. Vì vậy, đây là thách thức với đội ngũ quản lý dự án của chủ đầu tư cũng như các Tổng thầu.

Thêm vào đó, năm 2020 là một năm đặc biệt khó khăn khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, hầu như  toàn bộ các nước trên thế giới đã ban hành lệnh hạn chế đi lại (đặc biệt là các nước châu Âu-nơi sản xuất các vật tư thiết bị dài hạn cho các dự án) và Việt Nam, Malaysia (nơi đặt trụ sở của tổng thầu EPC đường ống biển NCS2, nhà thầu thi công đường ống biển của dự án SV-ĐN).

Tuy nhiên, các bên tham gia Dự án đã triển khai hàng loạt các giải pháp sáng tạo nhằm đảm bảo tiến độ cung cấp vật tư thiết bị dài hạn cho các dự án, nghiên cứu lại công tác nhập cảnh các chuyên gia nước ngoài...

Các bên đã linh hoạt huy động các phương tiện, thiết bị, tàu thi công rải ống từ khắp nơi trên thế giới, chuyển một phần về tự chế tạo, để triển khai thi công xây dựng các dự án.

Ngày 4/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1550/QĐ-TTg phê duyệt trữ lượng dầu khí mỏ SV- ĐN, làm cơ sở cho việc triển khai phát triển mỏ. Ngày 7/3/2017, Bộ Công Thương có Quyết định số 706/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch phát triển đại cương.

Ngày 11/12/2017, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1996/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch phát triển mỏ. Tỷ lệ tham gia của các Chủ mỏ trong Hợp đồng dầu khí (PSC) này bao gồm: Idemitsu Kosan Co., Ltd.: 43,08% và là Nhà điều hành; Teikoku Oil (Con Son) Co. Ltd.: 36,92% và PVN: 20%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục