Libya đối mặt khủng hoảng ngân sách khi dầu mỏ giảm

Theo Thủ tướng Libya, doanh thu dầu mỏ Libya giảm 80% do biểu tình ngăn cản hoạt động vận chuyển đến các kho chứa, trạm trung chuyển.

Thủ tướng Libya Ali Zeidan cho biết doanh thu của ngành dầu mỏ Libya, hiện đóng góp phần lớn ngân sách chi tiêu của chính phủ, đã giảm 80% do những người biểu tình bắt đầu ngăn cản hoạt động vận chuyển đến các kho chứa và trạm trung chuyển dầu trong tháng Bảy năm nay, dẫn tới cuộc khủng hoảng ngân sách ở nước này.

Theo ông Ali Zeidan, Libya đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế có thể khiến chính phủ nước này mất khả năng trả nợ và không thể trả lương cho các lao động ở khu vực công.

Trước đó, Công ty dầu mỏ quốc gia National Oil Co của Libya đầu tháng 11 này cho biết sản lượng dầu mỏ của nước này ước tính giảm xuống chỉ còn 250.000 thùng/ngày, so với con số dự kiến 1,5 triệu thùng/ngày trước đó.

Ông Zeidan cho biết nguồn thu của ngành dầu mỏ Libya đã giảm xuống còn 20% của mức bình thường, có nghĩa ngân sách của nước này sẽ không có 68 tỷ dinar (55 tỷ USD), vốn được tính trên cơ sở doanh thu (dự kiến).

Đánh giá nói trên của ông Zeidan bi quan hơn so với nhận định chỉ cách đây 2 tuần của Bộ trưởng Kinh tế Libya Moustapha Abou Fnas, người nói rằng chính phủ nước này có những nguồn tài nguyên phù hợp để trang trải các kế hoạch chi tiêu.

Theo ông Fnas, cuộc khủng hoảng dầu mỏ chắc chắn có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế Libya, nhưng sẽ không ảnh hưởng tới các hoạt động chi tiêu của chính phủ, trong đó có vấn đề trả lương.

Ông Fnas cho rằng tình trạng ngăn cản hoạt động vận chuyển đến các kho chứa dầu ỏ Libya đã gây thiệt hại tới 8 tỷ dinar (6 tỷ USD) cho nền kinh tế quốc gia Bắc Phi này kể từ khi tình trạng gián đoạn này xảy ra. Tuy vậy, có ý kiến cho rằng con số thiệt hại này có thể vượt mức 13 tỷ USD.

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này trong năm 2013 sẽ sụt giảm 5,1% do sự gián đoạn trong hoạt động sản xuất dầu mỏ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục