Ngày 14/1, Liên hợp quốc đã hoan nghênh quyết định của Mỹ dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt nhằm vào Sudan.
Trong một thông cáo, Điều phối viên về nhân đạo và cư trú của Liên hợp quốc tại Sudan, bà Marta Ruedas đánh giá quyết định trên của Mỹ là một sự ghi nhận đối với các bước đi mà Chính phủ Sudan thực hiện trong vài tháng gần đây.
Theo bà Ruedas, quyết định này sẽ góp phần tạo một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững ở Sudan.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Sudan Ibrahim Ghandour cho biết đất nước ông kỳ vọng vào việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Mỹ sau khi Washington dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Sudan.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Khartoum, ông Ghandour cho biết quyết định mới nhất nói trên từ phía Washington là kết quả của một cuộc đối thoại toàn diện giữa Sudan và Mỹ kéo dài trong suốt 2 năm. Ông cũng tái khẳng định cam kết Sudan sẽ hợp tác đầy đủ với chính quyền mới của Mỹ.
Trước đó, ngày 13/1, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã có những bước đi tiến tới dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại mà Mỹ áp đặt với Sudan trong 20 năm qua.
Cụ thể, Washington đã dỡ bỏ phong tỏa tài sản và những trừng phạt tài chính nhằm vào Sudan, một động thái mà Nhà Trắng gọi là phản ứng với sự hợp tác của quốc gia châu Phi này trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các tổ chức cực đoan khác.
Sudan cũng đã tham gia liên minh do Saudi Arabia đứng đầu chống phiến quân Houthi ở Yemen. Ngoài ra, những năm gần đây, Chính phủ Sudan đã thực hiện các giải pháp mềm mỏng hơn đối với các lực lượng nổi dậy ở Darfur, nhất là tình hình an ninh, trật tự ở khu vực này đã cải thiện đáng kể.
Tháng 11/2016, Mỹ đã quyết định kéo dài các lệnh trừng phạt đối với Sudan thêm 1 năm, tuy nhiên cho biết có thể dỡ bỏ một số lệnh cấm vận kinh tế nếu quốc gia Bắc Phi này chứng tỏ sự tích cực trong cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, xung đột ở Darfur kể từ khi bùng phát năm 2003 đã làm hơn 300.000 người thiệt mạng và khoảng 2,5 triệu người phải rời bỏ quê hương đi lánh nạn.
Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có trụ sở ở La Haye (Hà Lan) cáo buộc Tổng thống Omar al-Bashir là tội phạm chiến tranh và phạm tội diệt chủng liên quan đến cuộc xung đột đẫm máu này./.