Lắp hộp đen "rởm"

Lợi dụng cơ chế "thoáng," nhà xe lắp hộp đen "rởm"

Lợi dụng cơ chế, các DN vận tải lắp đặt hộp đen đã "bắt tay" với một số đơn vị sản xuất hộp đen để lắp thiết bị "rởm" để đối phó.
Theo Nghị định 71, kể từ ngày 1/7/2013, các phương tiện vận tải theo diện bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (còn gọi là hộp đen) nếu không lắp, hay lắp nhưng hoạt động không đúng quy định thì bị phạt 2-3 triệu và tước bằng lái xe 30 ngày.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp vận tải nhập nhằng sử dụng các hộp đen không đủ tiêu chuẩn, thậm chí chủ động móc ngoặc, “bắt tay” với nhà cung cấp để cắt xén linh phụ kiện với chính đơn vị sản xuất cung ứng thiết bị. Điều này dẫn đến thực tế mẫu quy chuẩn hộp đen đăng ký cho cơ quan chức năng lại không đồng nhất với sản phẩm bán ra.
 
Phải khắc phục “lỗi” hộp đen

Dù đã có hơn 2 năm chuẩn bị yêu cầu bắt buộc lắp hộp đen với xe khách, container… và hàng loạt đợt tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông nhưng kết quả ra quân kiểm tra sơ bộ xe khách tại một số bến xe Hà Nội trong ngày 1/7 vừa qua, đoàn thanh tra vẫn phát hiện nhiều hộp đen bị “tê liệt”.

Sau các đợt thanh kiểm tra, xử lý vi phạm các đơn vị sản xuất cung ứng thiết bị vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải vừa có quyết định rút giấy chứng nhận hợp quy của 8 nhà cung cấp có nhiều sản phẩm không đạt chất lượng đồng thời yêu cầu một số đơn vị phải nhanh chóng khắc phục các tồn tại.

Đến thời điểm này, Bộ Giao thông Vận tải đã cấp giấy chứng nhận hợp quy cho 52 nhà sản xuất được phép cung cấp hộp đen trên cả nước. Tuy nhiên, thực tế lắp đặt tại một số doanh nghiệp sản xuất cho thấy, không phải thiết bị hộp đen nào được cấp giấy chứng nhận hợp quy cũng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo bộ quy chuẩn đã đề ra.

Ngoài 8 đơn vị bị rút giấy phép, có nhiều đơn vị bắt buộc phải khắc phục các lỗi sai phạm như Công ty Eposi, Vicomsat,…

Trong tháng 4 vừa qua, qua kiểm tra sơ bộ, đoàn thanh tra Bộ cũng đã phát hiện thiết bị của Công ty Cổ phần Công nghệ trực tuyến Skysoft không có màn hình theo mẫu đăng ký với Bộ Giao thông, không nhập được tên lái xe, không trích xuất được đầy đủ thông tin bắt buộc…

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Skysoft cho biết, với những thiếu sót trên, sau kết quả kiểm tra, công ty đã có công văn xin khắc phục các lỗi của đơn vị bằng cách bổ sung miễn phí toàn bộ cổng in dữ liệu theo mẫu mới cho toàn bộ thiết bị đã lắp đặt trước ngày 1/7/2013 đồng thời thực hiện thủ tục đăng ký hợp quy theo đúng quy định.

Lý giải rõ hơn về việc cung cấp thiết bị không đúng theo mẫu hợp quy, theo ông Giang, khi thiết bị hộp đen được cấp giấy chứng nhận hợp quy vào tháng 7/2011, sau một thời gian triển khai, công ty nhận thấy có một số hạn chế như giá thiết bị cao, dễ mất cắp và quá tải. Do đó, Skysoft đã sản xuất sản phẩm thay thế màn hình bằng cổng lặp và in dữ liệu đáp ứng đủ các tiêu chí của Bộ Giao thông đề ra để khắc phục những vấn đề trên.

Qua đợt kiểm tra 1/7/2013 tại một số đầu bến, phóng viên ghi nhận Công ty Skysoft đã trang bị thiết bị theo mẫu mới và thiết bị có thể đáp ứng được các yêu cầu bắt buộc theo quy chuẩn, tuy nhiên thiết bị lắp trên các phương tiện không đúng theo mẫu đã hợp quy.

Về vấn đề này, ông Giang khẳng định “Skysoft đã gửi mẫu hợp chuẩn mới lên Vụ Khoa học Công nghệ Bộ Giao thông Vận tải để xin cấp phép và vẫn đang trong thời gian đợi ý kiến phản hồi”.

Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, các doanh nghiệp vận tải ký hợp đồng với các doanh nghiệp lắp đặt GPS được Bộ cấp Giấy chứng nhận thiết bị hợp chuẩn, nhưng đại đa số doanh nghiệp vận tải không biết “Quy định kỹ thuật” được quy định tại Thông tư 08/2011/TT-BGTVT, nên khi nghiệm thu không giám sát được chất lượng của hộp đen.
 
“Một số doanh nghiệp vận tải chủ động bắt tay nhà cung cấp để lắp thiết bị đối phó, ‘cắt xén’ linh phụ kiện, trong khi thị trường hộp đen đang ‘nhiễu’ với nhiều sản phẩm mới cung cấp chưa kiểm chứng được chất lượng,” ông Liên cho biết

[Thiết bị hộp đen: Lắp đặt cho có, quản lý lại buông]


Thực tế, khi được hỏi về các chi tiết về quản lý hộp đen, lái xe của các doanh nghiệp nêu trên cũng không nắm được tính năng cảnh báo khi vượt quá tốc độ, hộp đen phát cảnh báo thì lái xe lại yêu cầu đơn vị lắp đặt... cắt tiếng kêu vì gây điếc tai, khó chịu…

Ông Trần Văn Linh, Giám đốc Công ty Cổ phần Điện tử và Viễn thông Việt Nam (VNET), đơn vị chuyên cung ứng thiết bị hộp đen cho biết, đợt kiểm tra sơ bộ vừa qua, Công ty có 3 hộp đen bị Thanh tra giao thông kết luận không hoạt động khi bị kiểm tra.

“Qua bản đồ số ghi lại hành trình của xe cho thấy, thiết bị hộp đen hoạt động vẫn bình thường, lỗi hoàn toàn do lái xe không đăng nhập thông tin đầy đủ chứ không phải thiết bị hay máy in,” ông Linh cũng phân trần.

Thu hồi giấy phép kinh doanh

Đề cập đến việc thiết bị hộp đen bán ra thị trường có sự thay đổi so với quy chuẩn đăng ký với Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Văn Ích, Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, các thiết bị hộp đen phải tối thiểu đạt được các quy chuẩn quy định trong bộ quy chuẩn. Để thử nghiệm, các đơn vị sản xuất phải tới các cơ quan đăng kiểm được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép.

“Những hộp đen bị thay đổi so với mẫu đăng ký quy chuẩn đã được Bộ Giao thông cấp phép thực chất là những sản phẩm không hợp chuẩn,” ông Ích khẳng định.

Đối với những thiết bị hộp đen khi đã phát hiện sai phạm, ông Ích cũng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải sẽ thu hồi giấy chứng nhận hợp quy chuẩn của sản phẩm.

Đánh giá về chất lượng thiết bị hộp đen sau khi kiểm tra sản phẩm trên xe khách, ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, thiết bị lỗi là do cả đơn vị cung cấp lẫn doanh nghiệp vận tải.

“Đơn vị cung cấp có trách nhiệm lắp đặt cho các đơn vị vận tải và chủ động phối hợp với nhà cung cấp để hoàn thiện sản phẩm. Đến nay, kiểm tra nhiều thiết bị vẫn không đạt yêu cầu là lỗi của cả hai,” ông Sỹ cho hay.

Ngoài ra, ông Sỹ khẳng định một số doanh nghiệp lại lợi dụng cơ chế “thoáng” (được phép tự tìm nhà cung cấp thiết bị) để thỏa hiệp với nhau, đưa ra những sản phẩm chỉ để đối phó với cơ quan chức năng.

“Hiện một thiết bị tiêu chuẩn có giá khoảng 7 đến 8 triệu. Tuy nhiên, để hạ giá thành, chi phí, cả nhà cung cấp và đơn vị lắp đặt sử dụng đã “móc ngoặc” với nhau, bỏ đi một số chi tiết,” ông Sỹ khẳng định.

[Xử phạt hộp đen: Nhiều "nhà xe" vẫn cố tình vi phạm]

Cùng chung quan điểm đó, ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, các đơn vị vận tải lắp đặt thiết bị hộp đen không đúng quy chuẩn một khi phát hiện được sẽ bị xử phạt theo Nghị định 71, bị phạt từ 2-3 triệu và lái xe bị tước bằng lái 30 ngày.

“Khi phát hiện một công ty sản xuất thiết bị hộp đen cố tình “cắt xén”, sửa đổi thiết bị so với mẫu đăng ký của Bộ Giao thông thì sẽ bị xử lý bằng cách rút giấy phép kinh doanh,” ông Huyện nói.

Về phía doanh nghiệp vận tải, theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), nếu bị phát hiện có phương tiện không lắp đặt hộp đen, hoặc hộp đen kém chất lượng sẽ xử lý bằng cách rút hoặc không cấp giấy phép kinh doanh, đăng kiểm.

“Tổng cục Đường bộ cũng khuyến cáo doanh nghiệp cần lắp đúng sản phẩm đã được công bố, không lắp thiết bị trôi nổi trên thị trường,” ông Quyền chia sẻ./.

Bộ Giao thông Vận tải đã có quyết định rút giấy chứng nhận hợp quy của 8 nhà cung cấp có nhiều sản phẩm không đạt bao gồm: Công ty Viễn thông Vạn Xuân; Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ Sao Việt; Công ty Trách nhiệm hữu hạn thiết bị và công nghệ tự động Tân Á Châu; Công ty Cổ phần Công nghệ thông tin C.S.S.E; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Viễn thông Tít; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Xuân Phi; Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất - Thương mại T.H.V; Công ty CP Định vị Việt.
Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục