Lợi nhuận quý 2 của công ty dầu mỏ Saudi Aramco tăng vọt

Lợi nhuận ròng quý 2 của Aramco đạt 25,5 tỷ USD, tăng 288% so với mức 6,6 tỷ USD cùng kỳ năm 2020, chủ yếu do thị trường dầu mỏ tăng trưởng mạnh và lợi nhuận từ hóa chất và sản phẩm lọc dầu tăng.
Nhân viên làm việc tại nhà máy lọc dầu Abqaiq của tập đoàn dầu khí Saudi Aramco. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên làm việc tại nhà máy lọc dầu Abqaiq của tập đoàn dầu khí Saudi Aramco. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 8/8, công ty dầu mỏ quốc gia Aramco của Saudi Arabia báo cáo lợi nhuận quý 2 tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giá dầu tăng.

Theo đó, lợi nhuận ròng của Aramco đạt 25,5 tỷ USD, tăng 288% so với mức 6,6 tỷ USD cùng kỳ năm 2020, chủ yếu do thị trường dầu mỏ tăng trưởng mạnh và lợi nhuận từ hóa chất và sản phẩm lọc dầu tăng.

Trước đó, các nhà phân tích dự báo lợi nhuận ròng của Aramco đạt 24,7 tỷ USD.

Cũng theo Aramco, trong nửa đầu năm 2021, lợi nhuận ròng của công ty đạt 47,2 tỷ USD, tăng 103% so với 23,2 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái.

Trong một tuyên bố, Giám đốc điều hành của Aramco, Amin Nasser, cho biết kết quả kinh doanh quý 2 của công ty phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu năng lượng toàn cầu trong bối cảnh kinh tế thế giới ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.

Bên cạnh đó, Aramco hưởng lợi khi nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế dịch COVID-19, tăng tốc chiến dịch tiêm chủng vaccine và đưa các biện pháp kích thích và thúc đẩy hoạt động kinh tế.

[Mức đóng thuế của Saudi Aramco giảm 30% trong năm 2020]

Hồi tháng Sáu vừa qua, Aramco thông báo đã huy động được 6 tỷ USD thông qua đợt phát hành trái phiếu Hồi giáo bằng đồng USD đầu tiên và ghi nhận lợi nhuận quý I tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ đầu năm đến nay, giá dầu thế giới đã tăng 40% lên khoảng 70 USD/thùng.

Ông Nasser dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng lên tới 99 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2021 và 100 triệu thùng/ngày trong năm 2022.

Năm 2020, “gã khổng lồ” năng lượng này ghi nhận lợi nhuận ròng giảm 44,4% do giá dầu thấp và sản lượng giảm vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Điều này cũng gây sức ép lên ngân sách của Chính phủ Saudi Arabia trong bối cảnh Riyadh đang nỗ lực triển khai các dự án trị giá hàng tỷ USD nhằm đa dạng hóa nền kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục