Luật thuế 71 VAT về phân bón: Khó cho cả doanh nghiệp và người dân

Nhiều ý kiến cho rằng Luật 71 VAT về phân bón đang gây khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, còn lợi ích đến tay nông dân từ việc giảm 5% thuế VAT khi mua phân bón là chưa ý nghĩa.
Luật thuế 71 VAT về phân bón: Khó cho cả doanh nghiệp và người dân ảnh 1Đóng gói sản phẩm phân bón. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Để đánh giá tác động của Luật thuế số 71/2014/QH13 liên quan đến lĩnh vực phân bón, ngày 9/4, tại Hà Nội, Hiệp hội phân bón Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội thảo "Thực hiện Luật 71 VAT về phân bón."

Hầu hết các ý kiến của doanh nghiệp và các chuyên gia đều cho rằng, Luật 71 VAT về phân bón đang gây khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, trong khi đó, lợi ích đến tay người nông dân từ việc giảm 5% thuế giá trị gia tăng (VAT) khi mua phân bón là chưa ý nghĩa.

Giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp

Tại Kỳ họp Quốc hội khóa 13 năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế. Theo đó, từ năm 2015, các mặt hàng: phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp... thuộc đối tượng không chịu thuế VAT từ nhập khẩu đến sản xuất, thương mại bán ra.

Theo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, triển khai Luật thuế số 71 thì doanh nghiệp sản xuất phân bón khi mua nguyên vật liệu và các dịch vụ đầu vào khác vẫn phải mua với giá có thuế VAT mà lại không được Nhà nước hoàn lại như trước; còn khi bán sản phẩm thì không cộng thêm thuế VAT.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Gia Tường cho hay, nếu thực hiện theo Luật thuế 71 thì doanh nghiệp trong nước sẽ không được hoàn thuế đầu vào, trong khi các nước khác đều thực hiện. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp trong nước giảm sức cạnh tranh so với các doanh nghiệp nước ngoài về giá thành.

“Một loạt các dự án sản xuất phân bón của Tập đoàn đang tiếp tục triển khai, nhằm đảm bảo sản xuất và cung ứng phân bón trong nước, bình ổn giá phân bón trên thị trường. Nhưng nếu có sự chênh lệch về giá thành giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước thì doanh nghiệp trong nước không đủ sức cạnh tranh,” ông Tường nói.

Cùng quan điểm trên, ông Lê Quốc Phong, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền cho rằng, ngoài tác động làm tăng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp do không được hoàn thuế VAT, thì chính sách này còn làm mất lợi thế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sản xuất phân bón NPK trong nước với hàng nhập khẩu.

Nếu như trước đây, phân bón nhập khẩu chịu thuế 11% (gồm 6% thuế nhập khẩu và 5% thuế VAT) thì nay giảm chỉ còn 6%, điều này tạo lợi thế hơn cho phân bón nhập khẩu, gây sức ép lên sản phẩm phân bón sản xuất trong nước.

Theo thống kê của Công ty Bình Điền, từ năm 2015, giá thành sản xuất phân bón sẽ tăng 3,22% dẫn đến giá thành tiêu thụ tăng khoảng 3,7% so với năm 2014.

Trong khi đó, giá bán các loại sản phẩm của công ty từ đầu năm nay đã giảm từ 3-5%, so với giá bán đã bao gồm thuế VAT trước đó. Chính vì vậy, ước tính trong năm 2015, công ty này phải giảm lãi khoảng 56,5 tỷ đồng, so với dự kiến.

Cũng theo báo cáo của Công ty phân đạm và hóa chất Hà Bắc, sản lượng urê sản xuất đạt công suất 500.000 tấn/năm. Giả sử giá than và các vật tư khác không tăng, định mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu như thiết kế dự án, thì chi phí đầu vào chịu thuế VAT hết khoảng 2.500 tỷ đồng, thuế VAT đầu vào sẽ là 250 tỷ đồng. Phần thuế này sẽ được tính vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

Ông Đỗ Doãn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cho rằng, về lâu dài, chính sách thuế trên sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất phân bón trong nước, gây thiếu hụt nguồn cung phân bón, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp.

Cục trưởng Cục hóa chất Nguyễn Văn Thanh cho hay, nhiều nước hiện xuất khẩu phân bón vào thị trường Việt Nam (trong đó có Trung Quốc) có chính sách thuế linh hoạt và mềm mại hơn; hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất phân bón và giá thành vào thị trường Việt Nam hấp dẫn. Nếu không có chính sách để hỗ trợ, bảo vệ sản xuất trong nước thì doanh nghiệp nội địa sẽ gặp nhiều bất lợi.

Người dân chưa được hưởng lợi

Những tác động của Luật thuế 71 đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ khiến doanh nghiệp phải tính toán lại để tiếp tục tiết giảm chi phí đầu vào, hoặc tăng chi phí đầu ra của sản phẩm phân bón, khiến người nông dân phải mua phân bón với giá cao hơn.

Theo tính toán của Hiệp hội phân bón Việt Nam, sản xuất phân bón trong nước khi áp dụng thực hiện Luật 71/2014/QH13 thì giá thành các loại phân bón sẽ tăng hơn. Cụ thể như phân đạm (urê) tăng từ 7,2-7,6%; phân DAP tăng từ 7,3-7,8%; phân lân nung chảy tăng từ 7,8-8%... Khi đó, dù người nông dân được miễn thuế VAT 5% khi mua phân bón nhưng ngược lại phải chịu cộng thuế các sản phẩm đầu vào phân bón tăng bình quân hơn 7%.

Ông Lê Quốc Phong, Tổng giám đốc Công ty Bình Điền cũng cho rằng, khi không được khấu trừ VAT thì doanh nghiệp sẽ phải hạch toán vào chi phí sản xuất, vào giá thành sản phẩm, do đó, người dân mua hàng cũng vẫn phải trả chi phí này. Vì vậy, việc kỳ vọng hỗ trợ người nông dân, gia tăng nhu cầu tiêu thụ phân bón trên thị trường là không thể thực hiện được.

Theo ông Phong, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan Nhà nước nên để phân bón là “mặt hàng chịu thuế VAT bằng 0%”; để doanh nghiệp được hoàn thuế khi có chênh lệch thuế đầu vào đầu ra, giá thành sản phẩm cũng sẽ có điều kiện giảm thực sự và người dân từ đó cũng được hưởng lợi.

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội phân bón Việt Nam cũng kiến nghị, để tạo thuận lợi cho sản xuất của doanh nghiệp và lợi ích người dân, Chính phủ báo cáo Quốc hội xin bổ sung, sửa đổi Luật 71/2014/QH13 thuế VAT về phân bón. Đơn cử như đưa mặt hàng phân bón chịu thuế VAT chuyển sang đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất bằng 0%; Cho hoàn thuế VAT với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu đã đóng thuế trước năm 2015. Có như vậy, lợi ích từ Luật 71 mới đến được với doanh nghiệp và người dân.

Theo báo cáo từ Cục hóa chất – Bộ Công Thương, với năng lực sản xuất phân bón hiện nay khoảng 8 triệu tấn/năm, nếu được hoàn thuế đầu vào sản xuất, số tiền sẽ đạt khoảng 2.500 tỷ đồng.

Con số này sẽ gián tiếp hỗ trợ cho giá mua vào của người nông dân, đồng thời đảm bảo cạnh tranh giữa sản xuất phân bón trong nước với phân bón nhập khẩu tại thị trường nội địa./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục