Mỹ gây sức ép với Venezuela, gia tăng căng thẳng với Nga

Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt với một công ty con của tập đoàn dầu khí khổng lồ thuộc nhà nước Nga Rosneft, với lý do công ty này đã cung cấp một nguồn tài chính lớn cho chính phủ của ông Maduro.
Mỹ gây sức ép với Venezuela, gia tăng căng thẳng với Nga ảnh 1Trụ sở tập đoàn dầu khí Rosneft tại Moskva, Nga. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Reuters/AFP đưa tin trong một nỗ lực mới nhằm gia tăng áp lực quốc tế đối với Venezuela, phá vỡ sự bám trụ quyền lực của vị Tổng thống cánh tả Nicolas Maduro, ngày 18/2, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt với một công ty con của tập đoàn dầu khí khổng lồ thuộc nhà nước Nga Rosneft, với lý do theo chính quyền của Tổng thống Trump là công ty này đã cung cấp một nguồn tài chính lớn cho chính phủ của ông Maduro.

Mục đích của lệnh trừng phạt

Theo hãng tin Reuters, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt trừng phạt đối với công ty SA Trading Rosneft, bộ phận mua bán của Rosneft có trụ sở tại Geneva, trong bối cảnh Washington đang nhắm mục tiêu vào Moskva vì ủng hộ chính phủ của ông Maduro.

Hãng tin AFP cho biết công ty Rosneft Trading SA đã hỗ trợ Venezuela bán dầu mỏ, bất chấp các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ, và Phó giám đốc Rosneft Didier Casimiro là mục tiêu mà Bộ Tài chính Mỹ nhắm tới.

[Venezuela tố cáo các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ]

Theo AFP, lệnh trừng phạt này sẽ ngăn chặn bất cứ tài sản nào của Rosneft Trading hoặc của Casimiro - người được sinh ra tại Bỉ - chuyển vào nước Mỹ.

Nó cũng sẽ khiến bất cứ ai dưới thẩm quyền của Mỹ mà giao dịch với những bên này đều trở thành tội phạm.

Elliott Abrams - đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Venezuela - bày tỏ hy vọng rằng bước đi mới này sẽ làm suy giảm đáng kể nguồn thu nhập quan trọng nhất của Tổng thống Maduro.

Ông nói với báo giới: “Các lệnh trừng phạt ngày hôm nay là một bước đi mới trong chính sách gây sức ép đối với chế độ Maduro nhằm giúp Venezuela thoát khỏi cơn khủng hoảng thông qua những cuộc bầu cử tự do và công bằng.”

Ông cảnh báo rằng “sẽ có thêm các bước đi nữa nhằm tăng thêm áp lực trong các tuần và tháng tới.”

Phản ứng của các bên

Động thái này càng làm phức tạp thêm mối quan hệ vốn đã đầy rắc rối giữa Mỹ và Nga.

Nga đã lên án các lệnh trừng phạt, cho rằng chúng chẳng khác nào sự cạnh tranh không công bằng và sẽ không thể cản trở được Moskva tiếp tục hợp tác với Venezuela.

Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết động thái này sẽ làm tồi tệ thêm mối quan hệ với Washington và gây suy yếu tự do thương mại toàn cầu.

Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza gọi hành động của Mỹ chỉ là “đơn phương” và mang tính “cưỡng bức,” đồng thời nhấn mạnh rằng Washington đang tiếp tục “tấn công người dân Venezuela, nỗ lực gây ra những đau thương sự gian khổ ở đây."

Rosneft gọi các lệnh trừng phạt này là một sự “xúc phạm,” đồng thời nhấn mạnh rằng giới chức Mỹ, trong các cuộc đối thoại với công ty này, đã nhiều lần thừa nhận rằng công ty không vi phạm bất cứ lệnh cấm nào.

Rosneft khẳng định Mỹ chưa đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào về sự vi phạm của họ.

Về phía Mỹ, Elliott Abrams phát biểu với báo giới: “Tôi nghĩ đây là một bước đi có ý nghĩa, và tôi cho là các bạn sẽ được chứng kiến các công ty trong lĩnh vực dầu mỏ trên toàn thế giới sẽ rút khỏi các thỏa thuận với Rosneft Trading.”

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thì tuyên bố “Mỹ quyết tâm ngăn chặn chế độ của ông Maduro tước đoạt các tài sản dầu mỏ của Venezuela.”

Theo Abrams, Rosneft Trading hiện nắm giữ khoảng 70% dầu mỏ của Venezuela.

Những bất đồng sâu sắc

Theo một quan chức cấp cao của chính quyền, quyết định áp đặt trừng phạt này đã bị Trump phản đối.

Quan chức này cho biết ngày 15/2, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã thảo luận về danh sách trừng phạt với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov bên lề Hội nghị An ninh Munich ở Đức.

Hãng tin Reuters dẫn lời Abrams khi được hỏi về cuộc thảo luận giữa Pompeo và Lavrov: “Rõ ràng, chúng ta có những bất đồng sâu sắc về những gì đang diễn ra tại Venezuela và giải pháp cho Venezuela.”

Giới chức Mỹ nhận thức rõ về sự cần thiết phải thận trọng trong việc nhắm vào một công ty có quy mô và ảnh hưởng như Rosneft, bởi điều này có nguy cơ gây ra những tổn hại ngoài dự tính với các lợi ích của Mỹ và đồng minh.

Một quan chức chính quyền Trump nói với báo giới rằng quyết định ngày 18/2 này không nên làm kích động các thị trường.

Quan chức giấu tên nhấn mạnh: “Các thị trường toàn cầu - cụ thể là thị trường dầu mỏ - đang được cung ứng một cách thỏa đáng, và chúng tôi cho rằng dù đây là một động thái nghiêm trọng, song các thị trường toàn cầu vẫn ổn định.”

Abrams cho biết Mỹ sẽ có các cuộc thảo luận với Trung Quốc và Ấn Độ, các khách hàng lớn nhất mua dầu mỏ Venezuela, và với các quan chức Tây Ban Nha về các hoạt động của của công ty Repsol của nước này liên quan đến Venezuela.

Phía Repsol chưa đưa ra bình luận về điều này. AFP cho biết Delhi đã hứa hẹn sẽ giảm mua dầu của Venezuela do mối quan hệ thân thiết của họ với phía Mỹ.

Tập đoàn dầu khí Chevron tại Mỹ cũng đang bị các quan chức chính quyền Trump chỉ trích vì có các hành động hợp tác sản xuất dầu mỏ với các công ty liên doanh ở Venezuela.

Chính phủ Mỹ hồi tháng Một vừa qua đã khôi phục giấy phép cho Chevron hoạt động tại Venezuela đến ngày 22/4 tới. Chevron cho biết các hoạt động của họ vẫn tuân thủ pháp luật theo giấy phép này.

Các lệnh trừng phạt này của Mỹ là động thái mới nhất trong mối bất đồng giữa Washington và Moskva.

Năm 2014, Mỹ từng áp đặt trừng phạt đối với Rosneft sau khi Moskva hỗ trợ các phần tử ly khai của Ukraine và sáp nhập bán đảo Crimea.

Theo Reuters, hiện vẫn chưa rõ liệu bước đi ngày 18/2 này của Mỹ có làm giảm nguồn thu từ nước ngoài cho chính phủ Maduro hay không, bởi họ vẫn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Moskva.

Nga và Trung Quốc trước nay vẫn luôn coi các lệnh trừng phạt của Mỹ chống Venezuela là bất hợp pháp./.    

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục