Mỹ: Vụ thảm sát ở trường Columbine và 20 năm hiểm họa bạo lực súng đạn

Vụ xả súng ngày 20/4/1999 làm dấy lên cuộc tranh cãi về quyền sở hữu súng đạn và vấn đề bạo lực nhưng đã 3 đời tổng thống trôi qua, đến nay vẫn chưa có một giải pháp cho các vấn đề này.
Mỹ: Vụ thảm sát ở trường Columbine và 20 năm hiểm họa bạo lực súng đạn ảnh 1Trường trung học Columbine (Nguồn: Getty)

Tròn 20 năm trôi qua kể từ ngày 20/4/1999, khi hai thiếu niên cầm súng bước vào trường trung học Columbine ở bang Colorado, tiến hành vụ thảm sát đẫm máu gây chấn động nước Mỹ.

Đây là vụ xả súng ở trường học có số thương vong lớn thứ năm trong lịch sử Mỹ, làm bùng nổ nhiều cuộc tranh cãi về các quy định sở hữu súng đạn cũng như vấn đề bạo lực học đường.

Cộng đồng cư dân ở khu vực ngoại ô thành phố Denver đã tưởng niệm sự kiện này tại một công viên gần trường Columbine.

Hơn 2.000 người, trong đó có những người may mắn sống sót trong vụ xả súng cách đây 20 năm, đã tham dự buổi lễ.

Thống đốc bang Colorado Jared Polis đã phát biểu tại sự kiện. Một thông điệp được ghi âm của cựu Tổng thống Bill Clinton, người là Tổng thống Mỹ ở thời điểm xảy ra vụ xả súng, đã vang lên.

Ngày 20/4 cũng đánh dấu năm thứ ba diễn ra Ngày Phục vụ Columbine, với hàng trăm sinh viên và học sinh tham gia các dự án phục vụ cộng đồng như dọn dẹp vệ sinh khu phố, làm tình nguyện tại các cơ sở tạm trú dành cho người vô gia cư và nhà của người cao tuổi.

Bà Dawn Anna, mẹ của một nữ sinh 18 tuổi xấu số, cho biết: "Sau vụ xả súng ở Columbine, mọi người muốn trở thành một người tốt hơn. Có một sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức của mọi người."

[Mỹ: Xả súng gần nhà thờ ở Houston, một phụ nữ bị bắn chết]

Trước đó, ngày 19/4, những người may mắn sống sót sau vụ xả súng cùng bạn bè và người thân của các nạn nhân cũng đã tham dự lễ cầu nguyện ở công viên gần trường Columbine, thắp nến, đặt hoa lên những tấm bia đề tưởng nhớ và cầu nguyện cho các nạn nhân.

Vụ xả súng ngày 20/4/1999 do hai nam sinh là Dylan Klebold và Eric Harris tiến hành, khiến 12 học sinh và một giáo viên thiệt mạng. Hai hung thủ sau đó cũng đã tự sát.

Vụ xả súng làm dấy lên một cuộc tranh cãi về quyền sở hữu súng đạn và vấn đề bạo lực. Tuy nhiên, dù đã 3 đời tổng thống trôi qua, song đến nay vẫn chưa có một giải pháp cho các vấn đề này.

Số lượng sở hữu súng ở Mỹ tiếp tục gia tăng, hiện ở mức 393 triệu khẩu súng trong một đất nước có 326 triệu dân và xả súng hàng loạt đã trở thành một vấn đề phổ biến trong xã hội Mỹ.

Theo tờ Washington Post, sau vụ thảm sát ở Columbine, ước tính có 226.000 trẻ em tại 233 trường học ở Mỹ đã chứng kiến các vụ xả súng.

Vụ xả súng học đường tồi tệ nhất tính đến thời điểm này là vụ xả súng xảy ra tại trường tiểu học Sandy Hook ở thành phố Newton thuộc bang Connecticut hồi năm 2012 khiến 20 học sinh và 6 người lớn thiệt mạng.

Tiếp đến là vụ xả súng ở trường trung học Marjorie Stoneman Douglas ở thành phố Parkland, bang Florida năm ngoái cướp đi sinh mạng của 17 người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục