Myanmar - Phép thử đầu của Bộ tứ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Trong bối cảnh ASEAN áp dụng nguyên tắc không can thiệp, nhóm Bộ tứ đang có cơ hội đầu tiên để chứng tỏ sự nhiệt tình và năng lực của mình trong việc hỗ trợ chấm dứt tình trạng bạo lực tại Myanmar.
Myanmar - Phép thử đầu của Bộ tứ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1Người biểu tình tập trung tại Yangon của Myanmar phản đối việc nắm quyền lãnh đạo đất nước của các quan chức quân đội cấp cao, ngày 3/3 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng aspistrategist.org.au, trong bối cảnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) áp dụng nguyên tắc không can thiệp, nhóm Bộ tứ đang có cơ hội đầu tiên để chứng tỏ sự nhiệt tình và năng lực của mình trong việc hỗ trợ chấm dứt tình trạng bạo lực tại Myanmar.

Sau một khoảng thời gian ngắn đi theo đường lối dân chủ, ngày 1/2 vừa qua, Myanmar đã một lần nữa rơi vào vòng kìm kẹp của chế độ quân sự.

Trong cuộc khủng hoảng bạo lực đã kéo dài nhiều tháng qua, quân đội, hay còn gọi là Tatmadaw, đã giết chết hơn 1.100 người Myanmar, bắt giữ hàng nghìn người khác và khiến gần 2.500 người phải tháo chạy khỏi đất nước. Ngày càng có nhiều người cố gắng vượt qua đường biên giới giữa Myanmar và Ấn Độ để trốn chạy khỏi sự ngược đãi của quân đội, cùng với 980.000 người Rohingya khác cũng đang tìm cách tháo chạy sang các nước lân cận.

ASEAN lâu nay vẫn tự hào về tính trung tâm của mình trong khu vực, nhưng thái độ của họ trước tình trạng bạo lực tại Myanmar lại chỉ là một sự im lặng. 

[Đề xuất tạm dừng xung đột, mở đường cho hỗ trợ nhân đạo tại Myanmar]

Chính sách ngoại giao của ASEAN đối với Myanmar tỏ ra thụ động, chỉ giới hạn trong việc đối thoại thiện chí với lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing, chậm trễ trong các hành động về hỗ trợ nhân đạo và mãi mới bổ nhiệm được một đặc phái viên để xử lý cuộc khủng hoảng khi đó đã kéo dài được hơn 3 tháng.

Các nguyên tắc hạn chế can thiệp của ASEAN đã làm suy yếu nghiêm trọng tính hiệu quả của khối này với tư cách là một công cụ địa chính trị.

Trong khi đó, người dân Myanmar đang phải hứng chịu sự bạo lực của quân đội. Ngoài nỗ lực chấm dứt bạo lực, sự hỗ trợ khẩn cấp của khu vực cũng là cần thiết đối với hệ thống y tế của Myanmar nhằm đối phó với đại dịch COVID-19, vốn đang đe dọa sẽ gây ra các đợt bùng phát mạnh mẽ tại các nước láng giềng.

Nhóm Bộ tứ có thể sẽ thế vào chỗ trống để đảm nhiệm trọng trách này.

Nhóm Bộ tứ đã tổ chức cuộc họp thứ hai giữa các lãnh đạo nhóm vào ngày 24/9 với hình thức trực tiếp tại Washington, qua đó xoa dịu mọi lo ngại cho rằng nhóm 4 nước Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ có thể chết yểu.

Tất cả 4 thành viên đều đang trải qua mối quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh và đều thể hiện mong muốn kiềm chế thái độ hung hăng của Trung Quốc trong khu vực. Bộ tứ tuân thủ một “trật tự tự do, cởi mở, dựa trên các nguyên tắc... gắn liền với các giá trị dân chủ và không bị gò bó bởi sự áp bức.”

Được kết nối bởi những mục tiêu chung này, nhóm đã nỗ lực để đạt được một vai trò nhân đạo khu vực lớn hơn. Thực tế, nhóm được thành lập phần nào là để phản ứng với vụ sóng thần tại châu Á năm 2004.

Vai trò này cũng nên được khởi động với Myanmar và trong khi Mỹ và Australia không thể hiện bất kỳ sự băn khoăn nào khi lên án cuộc đảo chính Myanmar hồi tháng 2/2021, các thành viên còn lại của nhóm cũng có một vai trò trong việc hỗ trợ xử lý vấn đề này.

Ấn Độ có mối quan hệ chặt chẽ với quân đội Myanmar và trong một chiến lược phù hợp với chính sách “Hành động Hướng Đông” của mình, Thủ tướng Narendra Modi đã mạo hiểm đến mức đẩy các dự án cơ sở hạ tầng của Ấn Độ tại Myanmar vào tình thế đầy rủi ro.

Myanmar - Phép thử đầu của Bộ tứ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 2Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong bài phát biểu tại thủ đô New Delhi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Để gây sức ép với chính quyền quân sự - với sự phối hợp của các thành viên Bộ tứ khác - nhằm đi đến các cuộc đàm phán hòa bình; đồng thời cũng cung cấp sự bảo vệ và các dịch vụ lớn hơn cho những người dân Myanmar đang tị nạn tại bang Mizoram của Ấn Độ, ông Modi phải áp dụng một lập trường cứng rắn hơn. Niềm tin được xây dựng giữa 2 quốc gia đã giúp gia tăng cơ hội hợp tác giữa Ấn Độ và chế độ cầm quyền tại Myanmar.

Tương tự, Nhật Bản cũng có vị thế quan trọng trong việc tác động lên chế độ này. Tokyo đã duy trì các đường dây liên lạc mở với cả chính phủ lưu vong và chế độ quân sự, và đã hỗ trợ việc ký kết một lệnh ngừng bắn.

Nhật Bản là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Myanmar và cũng là một trong số những nhà tài trợ lớn nhất của nước này. Tokyo cần đặt sang một bên những lo ngại về việc đánh mất sức ảnh hưởng ngoại giao và cùng với New Delhi bước lên vị trí tiền tuyến.

Nhóm Bộ tứ cần tận dụng các mối quan hệ chặt chẽ của Ấn Độ với Nhật Bản để thuyết phục Tatmadaw tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với Chính phủ Thống nhất Quốc gia đã bị lật đổ.

Mặc dù chính quyền của bà Aung San Suu Kyi cũng có những thiếu sót, song chiến thắng vang dội của họ trong cuộc bầu cử năm 2020 đã thể hiện nguyện vọng dân chủ của người dân Myanmar và trong thời gian lưu vong, chính phủ thống nhất đã bắt đầu công nhận cộng đồng người Rohingya.

Việc đẩy mạnh một quá trình chuyển tiếp sang một chính phủ được bầu chọn một cách dân chủ có thể khôi phục quyền tự trị cho người dân Myanmar. Australia có thể sử dụng kỹ năng quân sự và hậu cần để khởi động chiến dịch gìn giữ hòa bình, như nước này từng làm tại Campuchia và Timor-Leste.

Bộ tứ cũng nên ủng hộ chính sách “3 cắt” nhằm cắt đứt nguồn tài trợ, vũ trang và sự miễn trừ trừng phạt cho Tatmadaw, bắt đầu bằng các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn để cô lập hơn nữa hai tập đoàn kinh doanh cực đoan của quân đội là Myanmar Economic Corporation và Myanmar Economic Holdings Ltd.

Để thực hiện đúng lời hứa về cung cấp vaccine ngừa COVID-19, Bộ tứ, đặc biệt là 2 nhà sản xuất vaccine lớn là Mỹ và Ấn Độ, cần phải hợp tác với nhau để tăng cường số lượng vaccine tài trợ.

Nếu Trung Quốc có thể cung cấp các hỗ trợ y tế cho chế độ quân sự và chống lại nhóm này,  Bộ tứ nên tăng gấp đôi cam kết hỗ trợ ngăn ngừa thảm họa này cũng như bảo đảm vị thế của mình là nhà cung ứng hàng đầu khu vực.

Bằng cách củng cố vị thế của bản thân là một nhà trung gian hòa giải về các vấn đề nhân quyền trong khu vực và tạo điều kiện giúp Myanmar quay trở lại hòa hình, Bộ tứ còn có thể tiến gần hơn tới mục tiêu đối trọng với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Nam Á.

Bộ tứ có vị thế đặc biệt để trở thành một lực lượng dẫn dắt khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hướng tới sự tốt đẹp hơn và năng lực mở rộng của nhóm sẽ tạo điều kiện cho các nước khác cùng tham gia hợp tác với nhóm. Myanmar có thể là phép thử đầu tiên của Bộ tứ và sự can dự của nhóm này là cực kỳ cần thiết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục