Nga chưa dùng đến tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ở Syria

Nga vẫn chưa dùng đến tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ở Syria

Moskva, soái hạm thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga, là con tàu lớn nhất mà điện Kremlin đưa tới Syria để hỗ trợ chiến dịch không kích tại đây.
Nga vẫn chưa dùng đến tên lửa mang đầu đạn hạt nhân ở Syria ảnh 1Đại úy Alexander Shvarts đứng bên cạnh ụ pháo trên chiến hạm Moskva. (Nguồn: AFP)

Đại úy Alexander Shvarts dõi mắt nhìn, khi phần nắp kim loại nằm trên hệ thống tên lửa đối không của tàu tuần dương Moskva dần được mở ra.

"Hệ thống có thể bắn tới 12 quả tên lửa vào bất kỳ lúc nào," Shvarts nói với phóng viên AFP khi đưa đoàn báo chí đi thăm con tàu, trong một chương trình do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức. "Tầm bắn là 70km."

Moskva, soái hạm thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga, là con tàu lớn nhất mà điện Kremlin đưa tới Syria để hỗ trợ chiến dịch không kích tại đây. Nó đang hoạt động tại khu vực cách bờ biển Syria có 10 km.

Cho tới cách nay 3 tuần, con tàu được đóng từ năm 1983 này vẫn hoạt động khá xa bờ, để bảo vệ các tàu vận tải nhu yếu phẩm cho căn cứ của Nga đặt tại Syria.

Nhưng sau khi một chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiếc Su-24 của Nga tại khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, con tàu đã được yêu cầu hoạt động gần bờ để ngăn cản những vụ tấn công tương tự.

"Giờ đây, nhiệm vụ chính của chúng tôi là cung cấp sự bảo vệ trên không cho căn cứ Nga đóng tại Hmeimim, Syria và các máy bay Nga thực hiện nhiệm vụ tại đất nước này," Shvarts nói.

Có khả năng mang đầu đạn hạt nhân

Thời gian gần đây, Nga đã tăng cường chiến dịch không kích tại Syria, bằng các loại tàu chiến nằm ngoài biển. Nước này đã bắn tên lửa hành trình từ một tàu ngầm ở Địa Trung Hải vào đầu tháng 12. Trước đó, các tàu chiến Nga cũng bắn tên lửa tới mục tiêu của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từ biển Caspi.

Tuy nhiên tàu Moskva, được thiết kế chủ yếu để chống các tàu mặt nước khác và bắn hạ máy bay, vẫn chưa phải động tới kho vũ khí đáng sợ của nó khi hoạt động tại Syria.

Các món "hàng nóng" con tàu mang theo có tên lửa Vulkan, với khả năng đánh chìm chiến hạm của đối phương. Những tên lửa này có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân, dù hiện con tàu không mang đầu đạn nào như thế.

"Chuyện giống như dùng dao mổ trâu giết gà vậy," phát ngôn viên quân đội Nga Igor Konashenkov nói với hãng tin AFP trong chuyến thăm. "Đó không phải là thứ vũ khí phù hợp để tấn công các mục tiêu của chúng tôi ở Syria."

Sau vụ bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiếc Su-24, Nga còn điều tới căn cứ Hmeimim hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400. Hệ thống có khả năng đánh chặn và tầm bắn vượt trội so với kho vũ khí đối không tên tàu Moskva - có nghĩa con tàu này không cần thiết lắm về mặt chiến lược tại Syria

Nhưng thông qua việc điều một chiến hạm chủ chốt như Moskva, điện Kremlin muốn gửi đi một thông điệp cảnh cáo rõ ràng.

Trong chuyến thăm của cánh báo chí, quân đội Nga đã hãnh diện phô ra nhiều trang thiết bị mới trên tàu Moskva. Các hệ thống pháo được tháo bạt và tên lửa thì mở nắp che để các phóng viên chụp ảnh.

"Tổng cộng chúng tôi có 11 tàu, gồm cả Moskva, đang tham gia chiến dịch. Các tàu khác gồm tàu đổ bộ, tàu tên lửa loại nhỏ và tàu tiếp tế," ông Oleg Krivorog, một sĩ quan của quân đội Nga, cho biết.

Hiện Moskva vẫn đang hoạt động dọc theo bờ biển Syria và ít có khả năng nó sẽ sớm trở về căn cứ ở Sevastopol. Khi chia tay các nhà báo, Đại úy Shvarts đã nói: "Chúng tôi đang chờ một đợt luân chuyển thủy thủ đoàn mới. Tôi sẽ không thể nói về ngày chúng tôi kết thúc nhiệm vụ"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục