Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn yêu cầu, từ nay đến cuối năm, các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 1685 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ.
Tại Hội nghị công tác bảo vệ và phát triển rừng khu vực Tây Nguyên năm 2014, tổ chức ngày 8/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn yêu cầu cùng với việc tập trung nắm thông tin, vùng trọng điểm về phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép, nhất là đối với khu vực rừng giáp ranh để có biện pháp xử lý kịp thời, các tỉnh Tây Nguyên cần rà soát các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ, thực hiện các biện pháp thống kê và kiểm tra xác định rõ nguồn gốc gỗ đối với các cở chế biến, kinh doanh gỗ.
Đồng thời, các tỉnh này cần sắp xếp, phát triển và nâng cao hiệu quả hệ thống tổ chức sản xuất lâm nghiệp, trọng tâm là đối tượng với các công ty lâm nghiệp theo đúng tính thần của Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.
Ngoài ra, các tỉnh Tây Nguyên cũng chỉ đạo hoàn thành công tác trồng rừng thay thế (đạt kế hoạch 100%, với hơn 4.870ha) và chuẩn bị triển khai kế hoạch năm 2015 và những năm tiếp theo, hoàn thành công tác điều tra, kiểm kê rừng các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2013-2014.
Theo báo cáo về công tác bảo vệ và phát rừng khu vực Tây Nguyên, 7 tháng đầu năm nay, công tác quản lý bảo vệ rừng ở các tỉnh Tây Nguyên có nhiều tiến bộ, công tác phòng cháy, chữa cháy, chặt phá rừng, quản lý canh tác nương rẫy, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép… giảm nhiều so cùng kỳ này năm ngoái.
Chỉ riêng, số vụ vi phạm về phá rừng, canh tác nương rẫy trái phép từ đầu năm đến nay đã giảm 395 vụ, với diện tích bị phá giảm hơn 330ha so với cùng kỳ năm ngoái. Quản lý các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp sang mục đích khác và trồng rừng thay thế được triển khai theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Nhà nước…
Tuy nhiên, các tỉnh Tây nguyên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, trong đó, nghiêm trọng nhất là tình hình phá rừng, quản lý rừng giáp ranh ở các tỉnh Tây Nguyên. Cụ thể, việc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép ở các địa bàn rừng giáp ranh ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi. Việc tổ chức triển khai thực hiện Quy chế phối hợp chưa cao, còn mang tính hình thức, công tác phối hợp xử lý vi phạm chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ, chưa sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, chưa bổ sung quy chế kịp thời.
Do đó, các khu rừng giáp ranh ở các tỉnh Tây Nguyên chủ yếu là loại rừng đặc dụng và phòng hộ còn gỗ quý hiếm, giàu trữ lượng đang bị xâm hại nghiêm trọng. Một số vùng trọng điểm như khu vực rừng giáp ranh huyện Ma Đ’rắk (Đắk Lắk) giáp ranh với huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) và huyện Sông Hinh (Phú Yên), huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận) với huyện Di Linh và Đức Trọng (Lâm Đồng), huyện Ea Súp (Đắk Lắk) giáp ranh với huyện Chư Puh (Gia lai), Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (Đắk Lắk) giáp ranh với huyện Krông Pa (Gia Lai)…
Tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn chưa ngăn chặn có hiệu quả, chưa chỉ đạo quyết liệt xử lý các đối tượng “đầu nậu,” đường dây chuyên khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, xử lý các vụ án hình sự liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng còn chậm, trồng rừng đạt thấp, trồng rừng thay thế chậm triển khai.
Vì vậy, trong thời gian tới, các tỉnh Tây Nguyên sẽ sớm hoàn thành việc rà soát, đánh giá lại quy hoạch tổng thể rừng, xác định lâm phận ổn định từng vùng, từng địa phương làm cơ sở cho việc xác định tổ chức quản lý rừng và tái cơ cấu ngay sau khi kết thúc Tổng điều tra, kiểm kê rừng vào năm 2015.
Đồng thời, các địa phương tổ chức rà soát thực trạng quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp để điều chỉnh những diện tích bất hợp lý, thống nhất giữa quy hoạch rừng trên bản đồ và trên thực địa, giữa ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với ngành Tài nguyên và Môi trường…
Ngoài ra, các tỉnh Tây Nguyên sẽ kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác, xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai và việc mua bán đất lâm nghiệp trái phép kể cả đối với đất đã được giao cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ./.