Ngoại trưởng Anh Boris Johnson ngày 24/8 kêu gọi ủng hộ lệnh ngừng bắn tại Libya được công bố tại Paris (Pháp) hồi tháng trước và hỗ trợ các nỗ lực do Liên hợp quốc đứng đầu nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại quốc gia Bắc Phi này.
Lời kêu gọi trên được ông Johnson đưa ra tại cuộc gặp với Tướng Khalifa Haftar, chỉ huy Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ủng hộ chính phủ ở miền Đông Libya, trong khuôn khổ chuyến thăm tới thành phố Benghazi.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Anh đánh giá cao vai trò của Tướng Haftar trong tiến trình chính trị tại Libya, đồng thời hối thúc ông Haftar tuân thủ những cam kết mà ông đưa ra trong các cuộc họp gần đây tại Paris, theo đó tôn trọng lệnh ngừng bắn và phối hợp với Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Libya, ông Ghassam Salame nhằm tìm giải pháp chính trị cho Libya.
Trước đó, ngày 23/8, Ngoại trưởng Anh đã gặp người đứng đầu Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) được quốc tế ủng hộ của Libya Fayez al-Sarraj ở thủ đô Tripoli. Tại cuộc gặp, ông al-Sarraj đã đề nghị Anh tìm cách dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya do Liên hợp quốc áp đặt kể từ năm 2011.
Ông al-Sarraj cho rằng việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt trên sẽ giúp lực lượng bảo vệ bờ biển và biên giới Libya được trang bị vũ khí và hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhất là trong hoạt động chống buôn người.
[Đặc phái viên mới của LHQ cam kết "tôn trọng chủ quyền" Libya]
Cuối tháng Bảy vừa qua, trong cuộc gặp tại Paris dưới sự bảo trợ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Faiz Sarraj và Tướng Haftar đã đạt thỏa thuận 10 điểm, trong đó hai bên cam kết thực thi lệnh ngừng bắn và tổ chức bầu cử sớm nhất có thể.
Libya vẫn chìm trong bất ổn và xung đột sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi hồi năm 2011. GNA đã được thành lập và hoạt động tại thủ đô Tripoli từ tháng 3/2016, là kết quả của một thỏa thuận hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ được ký kết vào cuối năm 2015 nhằm ổn định và thống nhất Libya.
Tuy nhiên, đến nay GNA vẫn chật vật trong việc xác lập quyền lãnh đạo trên toàn đất nước, trong bối cảnh thỏa thuận chỉ nhận được sự ủng hộ một phần của các phe phái chính trị và vũ trang.
Thỏa thuận hòa bình hạn chế quyền kiểm soát của GNA, trong khi phe đối địch ở miền Đông Libya được Tướng Haftar ủng hộ tới nay vẫn không công nhận GNA./.