Người dân Thủ đô lập 'lá chắn thép' trước diễn biến mới của COVID-19

Trước những diễn biến khó lường của dịch COVID-19, đặc biệt trong giai đoạn thời tiết giao mùa, việc trang bị những kiến thức phòng bệnh đúng cách là điều cần thiết với mỗi cá nhân cũng như cộng đồng.
Người dân Thủ đô lập 'lá chắn thép' trước diễn biến mới của COVID-19 ảnh 1Khẩu trang, nước rửa tay... là những 'bảo bối' giúp bảo vệ sức khỏe tại các cơ quan, nơi làm việc. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 trên cả nước tăng cao trở lại. Đến ngày 17/4, số ca đã tăng lên hơn 1.000 ca/ngày.

Trong Hội nghị tăng cường phòng chống dịch năm 2023, Bộ Y tế cho biết dịch COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm dự báo diễn biến khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, các tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi.

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho sự gia tăng số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên theo bác sỹ Phan Thị Hương, Phòng Khám nội, Bệnh viện Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội), một bộ phận lớn người dân đang có tâm lý chủ quan với các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn. Ngoài ra, thời tiết giao mùa tại miền Bắc cũng được xem là một trong những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và lây lan của virus, gây ra các bệnh đường hô hấp như cúm A, cúm B, COVID-19...

Để các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 được triển khai hiệu quả, bên cạnh ngăn ngừa và điều trị bằng các loại thuốc và công nghệ thì ý thức chủ động, tự phòng ngừa dịch bệnh của người dân trong cộng đồng đóng một vai trò vô cùng quan trọng, tạo thành những "lá chắn thép" cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19.

[Kit test, thuốc cảm cúm 'nóng' trở lại do biến thể mới của COVID-19]

Do đặc thù công việc của ngành dịch vụ, thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều khách hàng nên chị Nguyễn Mai Hoa, nhân viên phòng vé du lịch địa chỉ 15 Nguyễn Khắc Nhu (quận Ba Đình, Hà Nội) không khỏi lo lắng trước tình hình dịch COVID-19 khó lường. Tuy nhiên, nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, chị Hoa và các đồng nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành những quy định phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ y tế.

“Đo thân nhiệt, sát khuẩn tay khi đến cơ quan, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách trong quá trình làm việc là những bước phòng dịch mà các nhân viên tuân thủ để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, đa phần các thành viên ở văn phòng tôi đều chủ động nấu đồ ăn tại nhà để mang đến cơ quan, hạn chế ăn ngoài tại các hàng quán để bảo đảm an toàn phòng dịch," chị Mai Hoa chia sẻ.

Người dân Thủ đô lập 'lá chắn thép' trước diễn biến mới của COVID-19 ảnh 2Với tâm lý 'phòng bệnh hơn chữa bệnh,' nhiều người dân đến các hiệu thuốc để 'tích trữ' những sản phẩm nhằm nâng cao sức đề kháng. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Là người có bệnh hô hấp mãn tính (bệnh hen suyễn), anh Trần Tuấn Minh, người dân quận Long Biên (Hà Nội) cho biết bản thân vốn đã gặp khó khăn trong việc hô hấp, thường xuyên bị khó thở mỗi khi thời tiết giao mùa. Dịch COVID-19 bùng phát trở lại trùng vào thời điểm giao mùa nên anh Minh sớm chuẩn bị những biện pháp phòng ngừa cho bản thân.

"Tôi chia thuốc thành hai nhóm: Nhóm thuốc dự phòng sử dụng theo hướng dẫn của bác sỹ, xịt một lần/ngày. Còn nhóm thuốc thứ hai là thuốc cắt cơn, sử dụng theo hướng dẫn của bác sỹ khi lên cơn khó thở. Để tăng cường sức đề kháng, tôi kiểm soát cân nặng bằng các thực phẩm sạch như rau củ quả; có chế độ tập thể dục, vận động hợp lý; hạn chế tối đa việc ra ngoài và vệ sinh, để thông thoáng nhà cửa; lau rửa thường xuyên các bề mặt và các điểm hay tiếp xúc," anh Tuấn Minh cho biết.

Trong giai đoạn thời tiết giao mùa, nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh về hô hấp cao là trẻ nhỏ, người cao tuổi và phụ nữ mang thai. Trong số đó, mối nguy đối với trẻ nhỏ được các gia đình đặc biệt quan tâm, bởi các bé là đối tượng có hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện. Vì vậy, nhiều gia đình áp dụng các biện pháp tăng sức đề kháng cho trẻ, thông qua các loại trái cây giàu vitamin; các loại thực phẩm chứa các chất chống oxy hóa như táo, rau cải...

Người dân Thủ đô lập 'lá chắn thép' trước diễn biến mới của COVID-19 ảnh 3Tăng cường hệ miễn dịch với những thực phẩm giàu vitamin là lựa chọn của nhiều gia đình, đặc biệt trong giai đoạn thời tiết giao mùa. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

"Cơ thể không tự tạo ra vitamin C, vì vậy việc cung cấp loại vitamin này qua những loại thuốc, thực phẩm chức năng, thực phẩm lành mạnh như các loại rau củ quả... là điều cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn thời tiết giao mùa. Ngoài ra, gia đình tôi cũng mua một số loại nguyên liệu như sả, chanh, bạc hà, húng quế, gừng, tỏi, lá bưởi, kinh giới, tía tô... để xông các phòng ở, nhằm hạn chế sự lây lan của các loại virus gây bệnh," chị Nguyễn Thu Hường, người dân quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết.

Nhằm bảo đảm an toàn cho người dân và thực hiện tốt việc phòng chống dịch, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo mới nhất, đề nghị người dân thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn có cồn (ít nhất 60% cồn); đeo khẩu trang nơi công cộng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng và che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi; tăng cường vận động, rèn luyện thể lực; vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.../.

8 nguyên tắc để thích ứng an toàn với đại dịch COVID-19

(Theo Cổng TTĐT của Bộ Y tế)

1. Hiểu biết cặn kẽ về căn bệnh cũng như đại dịch, hiểu rõ các khả năng lây nhiễm, không hoang mang lo lắng, không sợ hãi thái quá.

2. Thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K trong hầu hết các hoạt động xã hội, vận động mọi người xung quanh cùng hưởng ứng thực hiện.

3. Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

4. Cập nhật đầy đủ và kịp thời các thông tin cần thiết liên quan đến sức khỏe nói chung và nghi ngờ COVID nói riêng; cài đặt các ứng dụng được khuyến cáo nhằm cảnh báo nguy cơ tiếp xúc gần rất cần thiết như ứng dụng PC-COVID.

5. Rèn luyện, nâng cao sức đề kháng của cơ thể bản thân về thể chất lẫn tinh thần một cách khoa học và hợp lý.

6. Vệ sinh nhà ở và nơi làm việc bằng các chất sát khuẩn.

7. Thay đổi thói quen sinh hoạt: "Đi đến nơi, về đến chốn."

8. Những người có các bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim, suy thận, bệnh phổi mạn tính... cần tuân thủ quy trình điều trị một cách tuyệt đối, cùng với bác sĩ đặt ra các tình huống có thể xảy ra trong thời dịch bệnh và các phương án ứng phó để không bị động, bất ngờ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục