Người giàu nhất Nepal cứu trợ các nạn nhân của vụ động đất

Người đàn ông giàu nhất Nepal, ông vua mỳ gói Binod Chaudhary lên kế hoạch xây hàng nghìn ngôi nhà cho những người bị ảnh hưởng sau trận động đất kinh hoàng.
Người giàu nhất Nepal cứu trợ các nạn nhân của vụ động đất ảnh 1Người đàn ông giàu nhất Nepal, ông vua mỳ gói Binod Chaudhary. (Nguồn: blogs.wsj.com)

Người đàn ông giàu nhất Nepal, ông vua mỳ gói Binod Chaudhary cho biết tập đoàn của ông đã gửi hàng nghìn gói mỳ Wai Wai và lên kế hoạch xây hàng nghìn ngôi nhà cho những người bị ảnh hưởng sau trận động đất kinh hoàng vừa qua.

Tập đoàn Chaudhary là tập đoàn lớn nhất Nepal với doanh thu lên đến hơn 800 triệu USD và đầu tư vào nhiều lĩnh vực từ sản xuất ximăng tới kinh doanh khách sạn và siêu thị, nhưng mì gói Wai Wai là thương hiệu nổi tiếng nhất thuộc sở hữu của tập đoàn.

Mỗi năm, có khoảng 2 tỷ gói mỳ Wai Wai được bán ra trên toàn thế giới.

Từ sau trận động đất, tập đoàn Chaudhary đã gửi 500.000 gói mỳ, hàng nghìn thùng nước hoa quả và 7 tấn thực phẩm cùng nước uống tới các nạn nhân, đồng thời lập một trung tâm cứu trợ có các bác sỹ điều trị tại Kathmandu.

“Chúng ta là những người may mắn. Chúng ta cần giúp đỡ những người khác. Hãy giúp họ xây dựng lại nhà cửa,” ông Chaudhary nói với các nhân viên tại bãi đỗ xe của trụ sở tập đoàn sau trận động đất.

Các kế hoạch cứu trợ dài hạn của tập đoàn Chaudhary bao gồm xây dựng lại hơn 100 trường tiểu học với kinh phí khoảng 500.000 USD, xây 1.000 ngôi nhà nhỏ chi phí thấp tại các quận thuộc vùng đồi núi bị thiệt hại do động đất. Tập đoàn cũng đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ một đối tác quốc tế để xây thêm 9.000 ngôi nhà.

Chính phủ Nepal ước tính có hơn 600 trường học và gần 300.000 ngôi nhà đã bị động đất tàn phá hoàn toàn hoặc một phần.

Nếu Nepal không kịp thời hồi phục, ông Chaudhary cho rằng nhân công sẽ rời khỏi đất nước để tìm cơ hội việc làm ở các quốc gia khác.

Trên thực tế đã có hơn 2 triệu người Nepal làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là ở Ấn Độ và các quốc gia vùng Vịnh Persian, với số tiền gửi về bằng gần 30% GDP quốc gia.

“Nền kinh tế sẽ phải hứng chịu hậu quả nặng nề nếu chúng ta không nhanh chóng hành động. Người dân sẽ tuyệt vọng và tìm cách rời khỏi đất nước. Nhưng đó cũng có thể là sự thức tỉnh và mọi người sẽ chung sức với nhau. Nếu là như vậy, người Nepal có thể làm được,” ông Chaudhary nhận định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục