Vào một ngày Đông lạnh giá cuối tháng Hai, chúng tôi đã theo chân đoàn sinh viên tình nguyện tới thành phố Rikuzen-Takata thuộc tỉnh Iwate, cách thủ đô Tokyo hơn 500km về phía Đông Bắc, để giúp đỡ người dân địa phương khắc phục các hậu quả của thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3/2011. Tại đây, chúng tôi đã có dịp gặp ông Teiichi Sato, người đã may mắn sống sót sau thảm họa kép đó. Trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt và thiếu thốn đủ bề, người nông dân này vẫn quyết tâm bám trụ trên mảnh đất quê hương để gieo những “hạt mầm hy vọng” nơi đây. Ngày tang tóc Trước thảm họa, ông Sato, năm nay 57 tuổi, là chủ cửa hàng hạt giống ở trung tâm của thành phố. Tuy nhiên, thảm họa kép đã cướp đi mọi thứ của người nông dân này. Tiếp chúng tôi, ông kể: “Tôi không bao giờ quên ngày đó - ngày 11/3/2011. Một vài ngày trước thảm họa, rất nhiều quạ đã bay trên nóc ngôi nhà của tôi ở khu Yokota. Cá trên sông Kesen ở khu Takekoma bỗng dưng biến mất. Vào khoảng 2 giờ 46 phút chiều 11/3, trận động đất kinh hoàng đó đã xảy ra. Sau động đất, các đợt sóng thần khổng lồ đã tràn vào bờ từ hai phía và san phẳng khu vực này.” Vào thời điểm đó, ông Sato đang ở trong một cửa hàng chuyên doanh bao bì của thành phố, chỉ cách bờ biển khoảng 1km, nơi bán những hàng hóa cần thiết cho công việc kinh doanh hạt giống của ông. Dù nằm gần bờ biển nhưng cửa hàng này có kết cấu khá chắc chắn nên không bị động đất phá hủy. Sau các rung chấn mạnh đầu tiên, ông Sato lái xe về cửa hàng, nơi vợ ông đang ngồi chờ với khuôn mặt tái nhợt. Khoảng 5.000 bao tải giống cùng đồ đạc trong cửa hàng đã bị tung tóe khắp nơi. Các dư chấn mạnh vẫn tiếp tục làm rung chuyển mặt đất. Các cảnh báo sóng thần liên tiếp được đưa ra. Vợ ông giục: “Hãy ra khỏi đây. Nhanh lên.” Mặc dù vậy, ông Sato cho rằng sóng thần sẽ không bao giờ tràn tới khu vực này bởi vì, nó nằm cách bờ biển tới 2,5km và trong hơn 200 năm qua, khu vực này chưa bao giờ bị tàn phá bởi sóng thần. Vào thời điểm đó, điều ông lo lắng hơn đó chính là số phận của những người hàng xóm. Ông nói với vợ: “Tôi sẽ sớm quay lại” và đi tới nhà ông Suzuki ở gần đó. Tại đó, ông gặp con gái của ông Suzuki, người nhắc ông nhớ rằng ông vẫn còn người mẹ già đang sống trong một căn nhà cách đó 10km. Ngôi nhà đó nằm ở vùng núi cao, cách mặt nước biển khoảng 100m. Do tường của nhà đã bị nứt trong trận động đất trước đó nên ông cảm thấy lo cho mẹ. Vì vậy, ông đã quay về cửa hàng và cùng vợ đi tới nhà của mẹ. Đó là quyết định đúng đắn bởi vì, chỉ sau đó vài phút, các đợt sóng thần lớn đã ập vào và biến khu vực đó thành bình địa. Trong cuốn tự truyện vẫn đang viết dở, ông Sato kể: "Sau thảm họa, những đống đổ nát xuất hiện ở khắp nơi, thậm chí cả ở những khu vực cách bờ biển tới 10km. Rất nhiều thi thể được tìm thấy trong những đống đổ nát đó. Người ta phải sử dụng phòng tập thể dục của một trường học làm nơi để chứa xác. Tất cả mọi người đều rất buồn. Một số người khóc. Một số người cúi đầu và khấn “Nam mô a di đà phật.” "Ở phòng tập thể dục đó, tôi thấy có ba đứa trẻ đứng cạnh đang khóc. Tôi không thể quên được hình ảnh đó. Cậu bé nhỏ nhất thét lên: “Mẹ ơi, Mẹ đã chết rồi. Mẹ ơi, tại sao? Con không thể gặp mẹ được nữa rồi. Con nhớ mẹ lắm.” Những đứa trẻ này vừa khóc, vừa giữ chặt quan tài của người mẹ. Tôi không thể đứng yên. Tuy nhiên, tôi không thể nói bất cứ lời nào. Không có lời nào để an ủi cả. Thật là buồn. Chúng tôi lo lắng về tương lai của những đứa trẻ bị mất bố mẹ.” Chỉ tay về phía bờ biển, nơi có ngôi trường thân quen thời niên thiếu, ông Sato cho biết nhiều học sinh ở Trường Trung học Takata đã bị thiệt mạng bởi sóng thần. Ông Sato lặng đi một lúc rồi nói: “Sáu tháng sau thảm họa, tôi nhận được thông báo xác nhận người chú đã chết trong trận động đất đó thông qua các xét nghiệm về ADN. Cô em họ của tôi đã mất đi bố mẹ. Ngoài ra, hơn một nửa hàng xóm của tôi đã chết trong thảm họa.” Không bao giờ từ bỏ “Chúng tôi đã mất hết mọi thứ vì thảm họa. Khu vực của chúng tôi đã gần như bốc hơi chỉ trong vòng một ngày. Mọi thứ đã biến mất: Bờ biển đẹp với 7.000 cây thông, tòa thị chính, nhà ga, trung tâm thương mại,” ông Sato viết. “Nó giống như một nền văn minh cổ bị biến mất một cách đầy bí ẩn.” Theo chính quyền Rikuzen-Takata, trước thời điểm động đất, dân số của thành phố nằm ven biển Thái Bình Dương này là 24.246 người. Thảm họa năm ngoái đã gần như san phẳng thành phố này, khiến 1.881 người chết và 95 người khác mất tích. Từ chỗ là một trong những thành phố trù phú ở vùng Tohoku, Rikuzen-Takata đã trở thành vùng đất hoang tàn.
Công cuộc khắc phục thảm họa mới chỉ bắt đầu ở Rikuzen-Takata. (Ảnh: Thanh Tùng/Vietnam+)
Ông Sato cho biết sóng thần đến ngay trước vụ Xuân. Ông đã dự trữ rất nhiều loại hạt giống, phân bón và nhiều thứ khác để bán trong vụ mùa này. Tuy nhiên, sóng thần đã cuốn trôi tất cả. “Chỉ có một thứ mà sóng thần không thể mang đi. Đó chính là các khoản nợ,” ông nói. Ở Rikuzen-Takata, hơn 3.000 ngôi nhà đã bị động đất và sóng thần tàn phá hoặc cuốn trôi. Sau thảm họa, hơn 1.000 người đã rời thành phố này. Tuy nhiên, ông Sato vẫn quyết định ở lại. “Đây là mảnh đất của tôi. Tôi không bao giờ từ bỏ”, ông nói với giọng đầy quả quyết. “Tôi cũng muốn truyền ý chí không chịu khuất phục trước khó khăn đến những người có ý định xây dựng lại cơ nghiệp như tôi.” Gieo mầm hy vọng Một vài tuần sau thảm họa, tạm quên đi những đau thương và mất mát, ông Sato quyết định khôi phục hoạt động buôn bán giống cây trồng. Ông dùng một chiếc xe tải cũ của người cha để đi bán hạt giống và cây giống rong. Công việc kinh doanh thường bị gián đoạn bởi những cơn mưa. Vì vậy, ông quyết định biến kho thóc trong ngôi nhà của người mẹ thành cửa hàng hạt giống. Tuy nhiên, do nhà bị dột và chỗ đỗ xe hẹp cùng với việc đi lại ở vùng núi rất bất tiện nên người nông dân này quyết định dừng hoạt động kinh doanh ở đó. Sau nhiều lần di chuyển, ông Sato đã quyết định trở lại mảnh đất cũ. Tại đây, ông Sato đã tự tay dựng lại cửa hàng hạt giống mới trên nền móng cũ. Cửa hàng nằm trơ trọi giữa một vùng hoang tàn ở khu Yokota. Phía trước cửa hàng, ông dựng một tấm biển hiệu với dòng chữ “Cửa hàng giống của ông Sato.” Chỉ vào tấm biển hiệu, ông nói: “Tôi mở cửa hàng này cũng có ý nghĩa để gieo những hạt giống ước vọng trong tâm hồn của chúng tôi, gieo những hạt giống của sự hồi sinh cho thành phố quê hương và những hạt mầm hạnh phúc trên khắp khu vực bị tàn phá bởi thảm họa.” Vào thời điểm đầu, cuộc sống của ông Sato gặp rất nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là nước sinh hoạt bởi vì, nhà máy cấp nước cho khu vực này đã bị thiên tai tàn phá. Không nao núng, người đàn ông này đã dùng hai ống tre vót nhọn để khoan giếng. Lôi hai ống tre nhỏ từ sau nhà, ông hào hứng nói: “Tôi đã dùng các ống tre này đào xuống đất để khoan giếng và tìm thấy nước ở độ sâu 5m”. Có nước, ông dựng thêm một nhà trồng rau bằng các khung sắt cũ thu lượm ở gần nhà. Sau đó, người nông dân bắt đầu gieo hạt và trồng rau ở ngay giữa “rốn” của thảm họa. Ông Sato tâm sự: “Tôi mong muốn trồng rau để cung cấp thực phẩm cho người dân ở các khu vực lân cận.” Vào thời điểm chúng tôi đến thăm, tuyết phủ trắng mặt đất. Nếu không có cửa hàng của ông Sato, nhiều người sẽ nghĩ rằng cuộc sống dường như không hiện hữu ở nơi đây. Chúng tôi thầm lo lắng cho cuộc sống của người nông dân này. Tuy nhiên, khi tiễn chúng tôi ra về, ông Sato vẫn tự tin nói: “Những người sống sót (sau thảm họa) có một vết thương lớn trong trái tim. Nhưng chúng tôi sẽ không đầu hàng. Chúng tôi cần phải đứng dậy một cách mạnh mẽ, vì những người đã mất”./.
Thanh Tùng/Tokyo (Vietnam+)