Nhật Bản điều chỉnh tiêu chí đánh giá mức độ dịch bệnh COVID-19

Các tiêu chí mới để gỡ bỏ biện pháp phòng dịch tại Nhật Bản gồm có số ca mắc COVID-19 mới có xu hướng tăng nhẹ hoặc chững lại ở mức cao, trong khi tỷ lệ sử dụng giường bệnh nói chung giảm.
Nhật Bản điều chỉnh tiêu chí đánh giá mức độ dịch bệnh COVID-19 ảnh 1Hành khách tại sân bay Haneda ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản), ngày 16/2/2022. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Ngày 11/3, hội nghị của Tiểu ban cố vấn y tế chính phủ Nhật Bản đã đi đến thống nhất điều chỉnh giảm tiêu chí đánh giá mức độ dịch bệnh COVID-19, cơ sở quan trọng để ra quyết định dỡ bỏ hoàn toàn áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm tại 18 tỉnh, thành phố còn lại vào ngày 21/3 tới.

Các chuyên gia cố vấn y tế hàng đầu Nhật Bản cho rằng tiêu chí cũ để dỡ bỏ áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm đối với một địa phương là giảm về số ca mắc mới và giảm tỷ lệ sử dụng giường bệnh, nhưng hiện không còn phù hợp với tình hình thực tế và với chủ trương giảm gánh nặng đối với kinh tế xã hội.

Hội nghị thống nhất các tiêu chí mới gồm có số ca mắc COVID-19 mới có xu hướng tăng nhẹ hoặc chững lại ở mức cao, trong khi tỷ lệ sử dụng giường bệnh nói chung và áp lực với hệ thống y tế giảm.

Trong trường hợp tỷ lệ sử dụng giường bệnh nói chung (hoặc tỷ lệ sử dụng giường bệnh đối với bệnh nhân nặng) vượt quá 50% nhưng số ca mắc mới có chiều hướng giảm, kéo theo áp lực lên hệ thống y tế giảm.

[COVID-19: Nhật Bản thận trọng trước quyết định về tình trạng khẩn cấp]

Ngoài ra, đối với các sự kiện quy mô lớn tại khu vực đang áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm, nếu diễn ra trật tự (không hò hét cổ vũ) và có kế hoạch phòng dịch chi tiết, sẽ không hạn chế số lượng người tham gia (trước đây là dưới 20.000 người).

Theo ông Shigeru Omi, Trưởng Tiểu ban chuyên gia cố vấn, những điều chỉnh này là cần thiết trên cơ sở đánh giá tác động của việc áp dụng các biện pháp trọng điểm với các hoạt động kinh tế-xã hội, đặc biệt là cơ hội học tập và ảnh hưởng tâm lý của trẻ em.

Đồng quan điểm trên, Fumio Ohtake, Giáo sư kinh tế học Đại học Osaka, thành viên của Tiểu ban chuyên gia cố vấn, cho rằng cần có những quy định linh hoạt trong ứng phó với biến thể Omicron theo từng đối tượng.

Nguy cơ chuyển nặng ở đối tượng là người cao tuổi hoặc mắc bệnh nền là khá cao so với người trẻ nên cần tập trung tăng tỷ lệ tiêm vaccine mũi thứ ba và sẵn sàng hệ thống điều trị y tế tập trung vào đối tượng này.

Phát biểu trước báo giới sau hội nghị, Chánh Văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno cho biết, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có chiều hướng "giảm nhiệt" ở nhiều địa phương.

Chính phủ Nhật Bản sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương để theo sát diễn biến dịch bệnh trong thời gian tới và cân nhắc các biện pháp ứng phó phù hợp trên cơ sở cân bằng với chủ trương duy trì hoạt động kinh tế-xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục