Sáng 25/3, Ủy ban Đặc biệt về Chiến lược Tổng hợp hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tại Nhật Bản đã tiến hành phiên họp đầu tiên dưới sự điều hành của ông Nikai Toshihiro, Chủ tịch Ủy ban Tổng hợp của LDP, và sự tham gia của bà Inada Tomomi, Chủ tịch Ủy ban Hoạch địch chính sách cùng đông đảo các nghị sỹ Quốc hội, đại diện Văn phòng Nội các, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục… của Nhật Bản.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường tham dự với tư cách khách mời đặc biệt.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh với quy mô dân số hơn 92 triệu người và độ tuổi trung bình là 28, Việt Nam đang có lợi thế “dân số vàng” và đang ở vào giai đoạn phát triển nhanh về cơ sở hạ tầng liên tục trong khoảng 10-15 năm tới nhằm đáp ứng yêu cầu về tốc độ phát triển nhanh trong công nghiệp hóa, đô thị hóa và nhu cầu cơ giới hóa của người dân.
Theo nghiên cứu mới công bố của Ngân hàng Thế giới (WB), với mục tiêu GDP đạt 300 tỷ USD đến năm 2020, tổng nhu cầu vốn cho phát triển hạ tầng tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 lên tới trên 100 tỷ USD, trung bình là 25 tỷ USD/năm trong vòng 5 năm tới.
Việt Nam sẽ tập trung huy động nguồn vốn lớn trên từ nhiều nguồn lực khác nhau, cả khu vực Nhà nước, trong đó có viện trợ phát triển (ODA), và khu vực tư nhân trong và ngoài nước với các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh Việt Nam hoan nghênh sáng kiến Đối tác Cơ sở hạ tầng chất lượng cao mà Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố năm ngoái, đồng thời bày tỏ mong muốn hai bên sẽ quyết tâm hợp tác chặt chẽ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam vào phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, có chất lượng và tính tiếp cận cao ở Việt Nam.
Đặc biệt, trong đó có nhóm cơ sở hạ tầng giao thông như hệ thống đường cao tốc, hệ thống cảng biển hiện đại, hệ thống sân bay trung chuyển tầm cỡ khu vực, hệ thống đường sắt kết nối Bắc-Nam và nhóm lĩnh vực về năng lượng như các nhà máy nhiệt điện thế hệ mới, hệ thống năng lượng mới đáp ứng yêu cầu cao về tiêu chuẩn môi trường.
Việt Nam cũng mong muốn Nhật Bản ưu tiên hợp tác, chuyển giao công nghệ, năng lực quản lý, đào tạo dạy nghề và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam và các nước tiểu vùng Mekong, góp phần vào chiến lược kết nối trong khu vực.
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban Tổng hợp của LDP, ông Nikai Toshihiro đã thay mặt các nghị sỹ và đại diện các Bộ, ngành của Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai quyết liệt và có hiệu quả Sáng kiến đối tác phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, với mục tiêu đến năm 2020, Nhật Bản sẽ đạt 30.000 tỷ yen (khoảng 300 tỷ USD) cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao và đào tạo nguồn nhân lực với các nước, trong đó Việt Nam sẽ là nước được ưu tiên hàng đầu./.