Nhiều nước cam kết viện trợ khẩn cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Các quốc gia EU ngỏ ý hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria về thông tin hậu cần, kiến thức chuyên môn về địa chấn và thiết bị liên quan, cũng như cung cấp chỗ ở cho những người bị mất nhà ở do thảm họa.
Nhiều nước cam kết viện trợ khẩn cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ảnh 1Người dân đốt lửa sưởi ấm sau khi bị mất nhà cửa do động đất tại Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ủy ban châu Âu (EC) thông báo đã điều lực lượng tìm kiếm cứu hộ từ 10 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để hỗ trợ hai nước khắc phục hậu quả động đất.

Các quốc gia thành viên này bao gồm Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Italy, Hà Lan, Ba Lan và Romania.

Theo số liệu cập nhật tính tới 13 giờ ngày 7/2 (giờ Việt Nam) do hãng tin AFP công bố, số người thiệt mạng do động đất tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria đã lên tới hơn 4.300 người, trong khi gần 14.500 người bị thương và 5.600 ngôi nhà bị phá hủy.

[Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Số nạn nhân có thể lên tới 20.000]

Ủy viên phụ trách xử lý khủng hoảng của EU - ông Janez Lenarcic - cho biết: “Tốc độ là yếu tố cốt lõi, do vẫn còn rất nhiều người mắc kẹt dưới đống đổ nát. Các đội cứu hộ sẽ dốc toàn lực khi công tác này vẫn còn cần thiết."

Ngoài những nước nêu trên, các quốc gia EU khác cũng đã ngỏ ý hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria về thông tin hậu cần, kiến thức chuyên môn về địa chấn và thiết bị liên quan, cũng như cung cấp chỗ ở cho những người bị mất nhà ở do thảm họa.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Thụy Điển - nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU - ngày 6/2 đã quyết định kích hoạt Cơ chế ứng phó khẩn cấp với khủng hoảng (IPCR) nhằm điều phối các biện pháp hỗ trợ của EU đối với hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

IPCR sẽ giúp tăng cường khả năng của EU trong việc đưa ra các quyết định nhanh chóng khi đối mặt với các cuộc khủng hoảng lớn liên quan đòi hỏi phải có phản ứng ở cấp độ liên minh.

Cũng trong ngày 6/2, Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này đã điều 300 binh sỹ tới Syria nhằm hỗ trợ dọn dẹp các đống đổ nát sau trận động đất kinh hoàng.

Ngoài ra, 60 máy móc được huy động để “dọn dẹp gạch đá, tìm kiếm nạn nhân và cứu trợ y tế tại các khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất.”

Từ Hy Lạp, Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis cũng cam kết cung cấp "mọi sự hỗ trợ" để giúp Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua khủng hoảng sau trận động đất.

Hiện Hy Lạp (cùng Italy) đang tạm thời đóng cửa một số khu vực ven biển để đề phòng khả năng xảy ra sóng thần sau cơn địa chấn trên.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh, nước này đang theo sát tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau trận thảm họa động đất, đồng thời bày tỏ lời chia buồn tới các nạn nhân và sự đồng cảm với các gia đình có người thân thiệt mạng và những người bị thương.

Chính phủ Trung Quốc đã thông báo viện trợ khẩn cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ 40 triệu Nhân dân tệ (5,9 triệu USD).

Trong khi đó, Hội Chữ thập Đỏ Trung Quốc sẽ viện trợ khẩn cấp 400.000 USD, chia đều cho cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng cam kết viện trợ 13 triệu USD để khắc phục hậu quả động đất ở Syria.

UAE đã điều một đội cứu hộ mang theo nhiều thiết bị y tế tới miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, nước này còn đang lên kế hoạch thành lập tại đây một bệnh viện dã chiến.

Trận động đất độ lớn 7,8 xảy ra lúc 4 giờ 17 sáng 6/2 (giờ địa phương), với tâm chấn ở độ sâu khoảng 18km gần thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, cách biên giới Syria khoảng 60km.

Con số thiệt hại về người và tài sản dư kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong bối cảnh lực lượng cứu hộ đang nỗ lực hết sức để xác định vị trí của những người sống sót bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của hàng nghìn tòa nhà bị sập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục