Những hoài nghi về hội nghị thượng đỉnh liên Triều sắp tới

The Diplomat khẳng định tại hội nghị cấp cao liên Triều sắp tới, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn so với hai cuộc gặp trước.
Những hoài nghi về hội nghị thượng đỉnh liên Triều sắp tới ảnh 1Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) bắt tay hữu nghị nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) tại làng đình chiến Panmunjom. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Hai miền Triều Tiên tiếp tục có những bước tiến quan trọng trong việc xích lại gần nhau. Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap cho biết ngày 13/8, giới chức hai miền Triều Tiên đã quyết định sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh liên Triều khác tại Bình Nhưỡng vào tháng 9/2018.

Yonhap dẫn thông cáo chung giữa Hàn Quốc và Triều Tiên cho biết quyết định trên được đưa ra bên lề các cuộc đàm phán đang diễn ra tại Panmunjom (trong Khu Phi Quân sự), song ngày giờ cũng như những nội dung của cuộc gặp chưa được ấn định.

Người phát ngôn của văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom cho biết hội nghị thượng đỉnh sắp tới khó có thể diễn ra trước ngày 10/9 do vấn đề hậu cần và cũng bởi ngày 9/9 là ngày lập quốc, một ngày lễ lớn của Triều Tiên.

Các cuộc đàm phán giữa giới chức hai miền Triều Tiên diễn ra ngày 13/8 tại Panmunjom là theo lời đề nghị của Bình Nhưỡng hồi tuần trước.

Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Ri Son Gwon nhấn mạnh: "Chúng tôi bắt đầu giai đoạn cùng hợp tác để tiến tới tương lai thay vì bị người khác áp đặt."

Đài RFI nhận định từ đầu năm đến nay, hai miền Triều Tiên đã có những bước đi ngoạn mục xích lại gần nhau trên nhiều phương diện, song các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế đối với Bình Nhưỡng dường như vẫn là rào cản lớn để hai nước có những hợp tác mạnh mẽ và phát triển kinh tế.

Đài RFI bình luận: “Nếu thượng đỉnh liên Triều diễn ra theo kế hoạch, đây sẽ là dịp để lãnh đạo hai miền thúc đẩy việc ký kết một hiệp định hòa bình, chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh."

Hãng Tân Hoa xã tỏ ý lạc quan với bài viết có tiêu đề: “Thượng đỉnh liên Triều dự kiến sẽ tạo ra bước đột phá trong tiến trình phi hạt nhân hóa.”

Tuy nhiên, cũng trong ngày 13/8, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris cho rằng vẫn còn "quá sớm" để hai miền Triều Tiên tiến tới một hiệp định hòa bình bền vững.

[Lý do Mỹ thận trọng với tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên]

Frank Aum, chuyên gia cấp cao về vấn đề Triều Tiên tại Viện Hòa bình Mỹ, cho rằng Tổng thống Moon Jae-in, người đã góp phần đáng kể vào việc xúc tiến thành công hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore hồi tháng trước sau giai đoạn căng thẳng leo thang do các vụ thử tên lửa và hạt nhân nhằm vào Mỹ của Bình Nhưỡng, hiện phải đối mặt với thách thức lớn trong việc chứng minh ông vẫn là một nhà trung gian hiệu quả.

Cùng chung nhận định này, trong một bài viết đăng tải ngày 14/8, tạp chí The Diplomat khẳng định tại hội nghị cấp cao liên Triều sắp tới, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn so với hai cuộc gặp trước.

Bài viết có đoạn: “Moon Jae-in sẽ phải đối diện với áp lực yêu cầu giải quyết vấn đề ‘phi hạt nhân hóa hoàn toàn’ với Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng, nhất là sau khi xuất hiện hàng loạt thông tin cho rằng Bình Nhưỡng vẫn gian dối về các hoạt động hạt nhân và tên lửa."

Yonhap dẫn lời chuyên gia Aum nói: “Tôi cho rằng cuộc gặp (nếu có thể diễn ra) sẽ giúp tạo ra một bước đột phá bởi Tổng thống Moon Jae-in có lẽ cũng hiểu động cơ và lo ngại của các bên… Tổng thống Moon Jae-in cần cố gắng tìm ra những giải pháp, dù có thể không thỏa mãn 100% mong muốn của cả hai bên, song đủ để tạo điều kiện cho việc tiếp tục tiến trình ngoại giao."

Bình luận của chuyên gia Aum phản ánh lo ngại của giới chuyên gia và nhiều nhà ngoại giao về nguy cơ cả Mỹ và Triều Tiên không sẵn lòng nhượng bộ hay mềm mỏng hơn trong quan điểm của mình về tiến trình phi hạt nhân hóa toàn diện và có kiểm chứng để thúc đẩy việc xây dựng một cơ chế hòa bình đi kèm với nới lỏng trừng phạt.

Những hoài nghi về hội nghị thượng đỉnh liên Triều sắp tới ảnh 2Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp tại làng đình chiến Panmunjom. (Nguồn: EPA-EFE/TTXVN)

Nhà nghiên cứu Adam Mount, Giám đốc Dự án Bố trí Quốc phòng thuộc Hiệp hội các Nhà Khoa học Mỹ, hoan nghênh nỗ lực của Seoul nhằm thúc đẩy hợp tác với Bình Nhưỡng trong lĩnh vực an ninh và kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng chế độ này “tỏ ra khá bảo thủ và ngoan cố trong cả hai lĩnh vực này” và “đột phá là điều khó diễn ra."

Ông nhấn mạnh: “Gần như không có bằng chứng gì cho thấy ông Kim Jong-un đã chọn cách gác lại quá khứ và đưa đất nước đi theo một con đường mới."

Dù vậy, ông cho rằng ngay cả nếu các cuộc đàm phán không thể thuyết phục được Triều Tiên từ bỏ kho hạt nhân của mình thì ít nhất chúng “cũng có thể tác động tới việc phát triển và vận hành kho vũ khí cũng như chế độ” Bình Nhưỡng.

Nhà nghiên cứu này cũng cho rằng Seoul và Washington nên cùng nhau đàm phán một chiến lược nhằm tối đa hóa ảnh hưởng trong các cuộc gặp liên quan và ngăn chặn nguy cơ nảy sinh những mâu thuẫn làm ảnh hưởng lâu dài đến liên minh.

Ông nhấn mạnh: “Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục tìm cách chia rẽ Washington và Seoul."

Một số ý kiến khác tỏ ý hoài nghi hơn về cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, lấy lý do là có những thông tin cho biết Triều Tiên vẫn không ngừng vi phạm các đòn trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Bruce Klingner, nhà nghiên cứu cấp cao về Đông Bắc Á tại Quỹ Heritage, bình luận: “Hàn Quốc có nguy cơ quá vội vã và háo hức đề xuất những lợi ích cho Triều Tiên, trong khi không gây đủ áp lực tương xứng yêu cầu Bình Nhưỡng phải có các bước đi cụ thể tiến tới phi hạt nhân hóa… Trong cuộc gặp sắp tới, Tổng thống Moon Jae-in không nên đưa ra thêm các đề xuất về kinh tế, mà thay vào đó nên yêu cầu Kim Jong-un hiện thực hóa các bước tiến tới phi hạt nhân."

Không thể phủ nhận quan hệ Hàn-Triều thời gian gần đây liên tục có những tiến triển tích cực. Trong khi đó, một không khí dè chừng, nghi kỵ lẫn nhau vẫn rõ nét giữa Bình Nhưỡng và Washington. Bình Nhưỡng tố cáo Washington đòi hỏi đơn phương theo kiểu “gangster," trong khi Washington tiếp tục hối thúc cộng đồng quốc tế thắt chặt trừng phạt Bình Nhưỡng.

Hãng tin NHK (Nhật Bản) ngày 14/8 cho biết người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert trong cuộc trao đổi trước đó với phóng viên của NHK đã bảy tỏ lo ngại về khả năng diễn ra thượng đỉnh liên Triều. Bà cho rằng những nỗ lực cải thiện quan hệ hai miền không nên được tiến hành độc lập với tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Nhắc lại quan điểm của Chính quyền Mỹ, bà Nauert khẳng định các đòn trừng phạt kinh tế với Triều Tiên vẫn được áp dụng đầy đủ tới chừng nào Triều Tiên thực hiện cam kết của mình.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Bình Nhưỡng cần phải có những bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân trước khi tìm kiếm quan hệ tốt đẹp hơn với Seoul hay mong muốn được nới lỏng trừng phạt.

Một phóng viên của NHK cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ còn cảnh báo Chính phủ Hàn Quốc không nên "dễ dãi" chấp nhận các yêu cầu của Triều Tiên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục