Bài 3: Những lễ tân đặc biệt trong “khách sạn COVID-19”

Những người gác niềm vui, nỗi buồn vì Tổ quốc

Cả đêm trằn trọc, chị lại nhớ tới những lời hướng dẫn của nhân viên y tế đào tạo những bước cơ bản để bảo vệ bản thân không mắc bệnh.
Những người gác niềm vui, nỗi buồn vì Tổ quốc ảnh 1

Bài 3: Những lễ tân đặc biệt trong “khách sạn COVID-19” 

Hành lang, sảnh khách sạn vắng lặng, thi thoảng chỉ có vài người với bộ đồ màu xanh kín mít lượn qua lượn lại các phòng.

“Những ngày đầu, người cách ly cũng như chúng tôi có một cảm giác rất căng thẳng. Mỗi đối tượng đều cảm thấy chưa ưng ý, bực dọc, thậm chí có những lời lẽ không hay. Rồi ngẫm lại, ai cũng có lý của mình, mọi người lại xin lỗi mong thông cảm cho nhau.”

Chị Trương Thị Kim Oanh - nhân viên của Khách sạn Bưu điện Hạ Long trải lòng về quãng thời gian gần 1 tháng chị và những người đồng nghiệp của mình tham gia vào công tác chăm sóc những người cách ly.

Bắt đầu một hành trình mới

Tối 12/3, xếp từng vật dụng thiết yếu vào trong chiếc vali giữa nhà, chị Oanh cẩn thận kiểm lại những vật dụng cá nhân mang theo trong thời gian tới để làm sao cho đầy đủ nhất, bởi ngày mai thôi, chị sẽ là một trong những người ở tuyến đầu trong công tác phục vụ cho những người cách ly.

Cả đêm trằn trọc, chị lại nhớ tới những lời hướng dẫn của nhân viên y tế đào tạo những bước cơ bản để bảo vệ bản thân không mắc bệnh, để làm sao chăm sóc cho những người cách ly nhưng vẫn đảm bảo an toàn.

5 giờ sáng, chị Oanh có mặt ở Khách sạn Bưu điện cùng 12 người đồng nghiệp của mình để bắt đầu một hành trình mới, chăm sóc cho những người cách ly.

Ngày 13/3, Khách sạn Bưu điện Hạ Long là một trong hai khách sạn đầu tiên của thành phố tham gia vào mô hình chuỗi khách sạn phục vụ cho những người cách ly để phòng chống dịch COVID-19. Gần 100 người được tỉnh Quảng Ninh phân bổ đưa tới cách ly tại đây.

Cả đêm trằn trọc, chị lại nhớ tới những lời hướng dẫn của nhân viên y tế đào tạo những bước cơ bản để bảo vệ bản thân không mắc bệnh.

Ba ngày trước, ngay sau khi nhận được thông báo về việc khách sạn sẽ trở thành nơi cách ly cho những người thuộc diện cách ly, chị Oanh không hề nao núng và đăng ký tham gia công việc phục vụ cho những đối tượng đặc biệt này.

Hơn một tháng qua, những nhân viên như chị Oanh được chia làm 2 kíp trực thay nhau trong 24 giờ. Nếu như trước kia thời gian của chị làm việc một ngày chỉ có 8 tiếng thì nay mỗi người là 11, 12 tiếng để đáp ứng cho những nhu cầu của người cách ly.

Người lễ tân đặc biệt chia sẻ về những ngày chăm sóc đối tượng cách ly:

Sảnh tiếp đón tầng 1 là nơi thường trực như chị ngồi, trên chiếc bàn nào là cặp nhiệt độ, nước rửa tay, khẩu trang, những bộ trang phục bảo hộ được xếp ngăn nắp trên bàn.

Bên ngoài cửa là lực lượng công an, y tế, dân quân luôn thường trực bên ngoài. Điều mà xưa đến nay chưa bao giờ khách sạn lại có lực lượng tham gia bảo vệ đông đến vậy.

Mặc trên người bộ đồ màu xanh kín mít từ đầu đến chân, lúc nào chị Oanh cũng tất bật như con thoi cùng với những đồng nghiệp của mình.

Ai cũng sợ thì ai là người phục vụ?

Công việc những người như chị Oanh bắt đầu từ 5h30 sáng. 6 giờ là khoảng thời gian mọi người đưa đồ ăn sáng đến các phòng. 11 giờ -12 giờ là bữa ăn trưa, 6 giờ chiều lại tiếp tục với bữa ăn tối cho khách. Tất cả đồ ăn của khách ở phòng nào được đưa riêng phòng ấy.

Ngoài ba bữa ăn chính do khách sạn cung cấp, còn rất nhiều lần khách gọi nhờ lấy đồ đặt bên ngoài về, đồ người nhà mang đến gửi, mỗi một lần nhận đồ như vậy từ bên ngoài, các lực lượng chức năng đều xịt khử khuẩn trước khi đem vào khách sạn.

Những người gác niềm vui, nỗi buồn vì Tổ quốc ảnh 2Chị Oanh chuẩn bị đưa đồ lên cho khách trong phòng cách ly. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Chị Oanh nhớ lại, khi đưa đồ cho khách có nhiều chuyện, vui cũng có, buồn cũng có… Nhưng mình là người phục vụ, nên chấp nhận.

“Có những câu nói, hành động của người cách ly nếu bình thường mình cũng bức xúc, nhưng đang trong bối cảnh dịch như thế này, nhiều người ở đây rất bức bối khó chịu, mình cũng thông cảm. Bởi họ đã bị cách ly, chỉ ở trong phòng thôi nên nhiều cái cũng thiếu thốn, vẫn gọi điện nhờ lễ tân đi mua hay gọi đồ mang đến.”

Sau những phút nổi nóng những người cách ly lại xin lỗi, hai bên lại thông cảm cho nhau, mọi câu chuyện lại được xí xoá. Cứ như vậy, dần dà ai cũng vui vẻ và hài lòng.

Nhiều lúc, chị và những người đồng nghiệp quá tải công việc khi phục vụ tới gần 100 người cách ly.

“Có những ngày nhiều việc, phải tiếp nhiều khách vào như thông tin của khách, sắp phòng nên nhiều khách gọi mua đồ nhưng chưa phục vụ kịp nên mình nên đành bảo họ thông cảm vì người phục vụ ít trong khi rất đông khách. Nhiều người khó tính, nói những câu khiến mình chạnh lòng…,” chị Oanh tâm sự.

Những lúc như vậy chị Oanh và đồng nghiệp chỉ biết giải thích “mong các anh chị thông cảm, giờ chúng tôi rất đông khách, nếu như ai cũng muốn nhanh thì phải chờ một chút. Sau những phút nổi nóng những người cách ly lại xin lỗi, hai bên lại thông cảm cho nhau, mọi câu chuyện lại được xí xoá. Cứ như vậy, dần dà ai cũng vui vẻ và hài lòng.”

Những người gác niềm vui, nỗi buồn vì Tổ quốc ảnh 3Một công dân Việt Nam về từ nước ngoài được cách ly tự nguyện tại Khách sạn Bưu Điện Hạ Long. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Khi được hỏi về gia đình, chị Oanh kể, thi thoảng nhớ chồng con thì tranh thủ gọi điện nói chuyện. Được chồng con báo ở nhà tự phục vụ chăm sóc lẫn nhau khiến chị yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Chị kể, hơn 20 ngày cách ly tại khách sạn, dù đã chuẩn bị đồ chu đáo mà vẫn phải có những lúc phải nhờ người nhà “tiếp tế” đồ dùng cá nhân.

“Nếu như ai cũng sợ, thì làm gì có ai phục vụ những người cách ly như thế này. Nếu chẳng may lúc mình và những người thân của mình bị cách ly thì lấy ai xung phong đi phục vụ.”

Trước câu hỏi về lây nhiễm, chị Oanh cười: “Mới đầu cũng sợ lắm nhưng sau mình có rất nhiều người đang chờ mình nên cũng cố gắng, dần dần cũng quen và mình cũng đã được nhân viên y tế phổ biến kiến thức nên cũng đỡ. Có những người có con nhỏ, khi đó chị em tự động viên nhau, mình đã không làm thì thôi, chứ đã làm rồi thì phải cố gắng.”

“Nếu như ai cũng sợ, thì làm gì có ai phục vụ những người cách ly như thế này. Nếu chẳng may lúc mình và những người thân của mình bị cách ly thì lấy ai xung phong đi phục vụ,” chị Oanh tâm sự.

“Tôi chỉ có 5 phút để suy nghĩ”

Nằm sát bên bờ Vịnh Hạ Long, Khách sạn Bưu điện Hạ Long đạt tiêu chuẩn quốc tế 3 sao cao 9 tầng nhìn thẳng ra biển.

Chia sẻ về việc tham gia mô hình khách sạn cách ly, bà Ngô Thị Thúy - Giám đốc Khách sạn Bưu điện nhớ lại thời điểm nhận được điện thoại của cán bộ du lịch đề xuất lấy khách sạn làm điểm phục vụ cho những người cách ly tại thành phố Hạ Long trong thời điểm dịch COVID-19.

Những người gác niềm vui, nỗi buồn vì Tổ quốc ảnh 4Camera tại phòng kỹ thuật theo dõi, giám sát những khu vực phòng cách ly. (Ảnh: T.G/Vietnam)

“Khi đó, tôi có khoảng 5 phút để suy nghĩ. Tôi cũng lường trước được việc sử dụng khách sạn làm khu cách ly cũng có những mặt nào đó thiệt hại về vấn đề kinh doanh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì mục đích cộng đồng, chúng tôi quyết định đồng hành cùng Uỷ ban Nhân dân thành phố và chủ trương của tỉnh đưa những người cách ly vào các khách sạn để một phần nào đó cùng nhau đẩy lùi dịch COVID-19,” bà Thuý cho hay.

Đến ngày 13/3, nhân viên của khách sạn bắt đầu đón phòng khách đầu tiên vào với tiêu chuẩn cách ly mỗi người một phòng, trừ các thành viên cùng một gia đình thì có thể chung phòng. Khách cách ly có người Việt, người nước ngoài, du học sinh…

Bà Thuý dẫn chứng, trước kia nhân viên làm 8 tiếng, hiện nay nhân viên làm 10 thậm chí 12 tiếng trong một ngày mọi người cũng không quản ngại. Ca ngày bắt đầu từ 6 giờ sáng đến khoảng 18 giờ chiều. Có rất nhiều khách ở lại muốn mua thêm cái này, lấy cho cái kia… nhiều gia đình mang đồ đến gửi, anh chị em của khách sạn và các lực lượng như công an y, tế, lực lượng dân phòng thay nhau nhận đồ, cắt cử nhận đồ. Khách cách ly nên phát sinh rất nhiều nhu cầu, như việc họ muốn mua gói bánh, bao thuốc nhân viên của khách sạn đều đáp ứng, mua hộ.

Nữ giám đốc khách sạn cho biết thêm, khách sạn có 42 nhân viên, trong đợt này có 18 nhân viên phục vụ, trong đó có 12 người ở lại cách ly tại khách sạn (trừ đội cung cấp thực phẩm).

Mỗi ngày tại điểm cách ly ở Khách sạn Bưu điện có thêm rất nhiều lực lượng khác nhau cùng tham gia, trước cửa khách sạn được dựng thêm chiếc biển: Khu vực cách ly.

Những người gác niềm vui, nỗi buồn vì Tổ quốc ảnh 5Kiểm tra thân nhiệt cho du khách nước ngoài tại khu cách ly tự nguyện ở khách sạn. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Về ăn uống, khách sạn chuẩn bị các suất ăn với mức chi phí 90.000 đồng/1 ngày/3 bữa cho những người cách ly, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, nhu cầu cần thiết nhất cho khách.

Tham gia vào mô hình khách sạn dành cho những người cách ly, bà Thuý cho biết công tác khử khuẩn tại khách sạn cũng có sự khác biệt. Nếu như trước kia dọn phòng hay đồ vật dụng của khách đưa vào rửa, giặt luôn thì hiện nay toàn bộ đồ của khách bước đầu tiên như bát, đĩa, đồ sứ thu dọn nhân viên ngâm vào dung dịch khử khuẩn (bình thường chỉ rửa và sấy khô).

Được biết, chi phí cho những người cách ly ở khách sạn từ ngày 13 đến ngày 21/3 do Uỷ ban Nhân dân thành phố Hạ Long chi trả, từ ngày 22/3 sau khi có những thay đổi mới, những người cách ly lựa chọn ở tại khách sạn tự nguyện chi trả những chi phí để giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước.

“Chúng tôi đón và phục vụ khách bị cách ly tiêu chí không phải vì kinh doanh mà chỉ nghĩ rằng cố gắng phục vụ khách tốt nhất. Chúng tôi cùng hỗ trợ Uỷ ban Nhân dân thành phố bằng cách giảm lợi nhuận, đón khách chỉ với 50% chi phí. Giá phòng và phục vụ ăn giảm 50% so với giá đăng ký tại Sở Văn hoá thể thao và du lịch,” bà Thuý cho hay.

Rồi bà bảo rằng, điều mừng nhất chính là những nhân viên của khách sạn (từ tổ lễ tân đến tổ bếp, kỹ thuật) dù căng thẳng vì dịch bệnh nhưng luôn một lòng vì người bị cách ly, vì khách sạn. Và, đó chính là nguồn cổ vũ lớn nhất để những khách sạn của Bưu điện tiếp tục đồng hành cùng toàn xã hội chung tay chống dịch COVID-19./.

Xem toàn bộ chùm bài tại đây:

Bài 1: Bác sỹ, bệnh nhân kiên cường 'vượt bão' COVID-19
Bài 2: ‘Quân hàm xanh’ ngày đêm căng mình ngăn ‘giặc COVID-19’ nơi biên ải
Bài 3: Những lễ tân đặc biệt trong “khách sạn COVID-19”
Bài 4: Những người ngăn dịch ‘nhập khẩu’ vào nội địa
Bài 5: Câu chuyện rơi lệ ở nơi giành giật sự sống cho người mắc COVID-19

Những người gác niềm vui, nỗi buồn vì Tổ quốc ảnh 64 khách, trong đó có 3 người nước ngoài (2 người Nga, 1 người Indonesia) và 1 người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài đã hoàn thành chương trình cách ly tập trung 14 ngày tại Khách sạn Bưu điện Hạ Long. (Ảnh: PV/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục