Phản ứng quốc tế về triển vọng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi cho biết nước này vẫn còn hồ nghi về triển vọng đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên đồng thời cảnh báo Bình Nhưỡng cần nêu cao cảnh giác.
Phản ứng quốc tế về triển vọng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ảnh 1Phóng viên Triều Tiên (giữa) đưa tin về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại trung tâm báo chí ở Vịnh Marina, Singapore ngày 10/6. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Theo AFP/Reuters/AP, ngày 11/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi cho biết nước này vẫn còn hồ nghi về triển vọng đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên, đồng thời cảnh báo Bình Nhưỡng cần nêu cao cảnh giác trước những lời hứa hẹn từ phía Washington.

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Tehran, ông Qasemi cho rằng: “Liên quan tới hành vi, cách tiếp cận và ý định của Mỹ, chúng tôi vô cùng hoài nghi và nhìn nhận các hành động của nước này bằng thái độ hoàn toàn bi quan. Vào thời điểm này, chúng tôi không thể lạc quan trước cách hành xử của Mỹ, và Chính phủ Triều Tiên cần cực kỳ cảnh giác khi tiếp cận vấn đề này."

Quan chức ngoại giao Iran này còn nhấn mạnh hành động của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc từ bỏ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Tehran với các cường quốc thế giới, chứng tỏ ông ấy là một đối tác không đáng tin cậy.

Ông Qasemi nêu rõ: “Chúng tôi mong muốn hòa bình, sự ổn định và an ninh cần được thiết lập trên Bán đảo Triều Tiên."

Ông nhấn mạnh rằng kinh nghiệm đối phó với Mỹ và Tổng thống Trump đã khiến Iran "vô cùng bi quan."

Từ Hàn Quốc, cùng ngày, Cố vấn đặc biệt về an ninh quốc gia của Tổng thống Moon Jae-in nhận định không nên nhìn nhận hành động trong quá khứ của Triều Tiên để dự đoán hành vi trong tương lai của nước này.

Quan chức này cho hay Mỹ đã chỉ trích Triều Tiên phá vỡ cam kết liên quan tới chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng trong quá khứ, song cho rằng Washington “sẽ có quan điểm khác."

Quan chức này nói: “Giờ là thời điểm gạt sang bên tất cả những điều đó. Hãy xem liệu Triều Tiên có thể đáp ứng những gì Mỹ và cả thế giới mong muốn hay không. Do đó, hành vi trong quá khứ không nên là thước đo để phán đoán hành vi hiện tại hoặc tương lai của Triều Tiên."

Trong khi đó, từ Malaysia, Thủ tướng nước này Mahathir Mohamad kêu gọi các nước không nên hoài nghi về thái độ hòa giải gần đây của Triều Tiên.

[Mỹ-Triều Tiên: Các quan chức 2 nước bắt đầu họp cấp chuyên viên]

Ông Mahathir cho rằng nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm cải thiện quan hệ với Mỹ cũng như từ bỏ vũ khí hạt nhân cũng sẽ giúp xoa dịu căng thẳng. 

Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tới Singapore trong ngày 10/6, chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử diễn ra vào ngày mai 12/6.

Trong cuộc gặp này, dự kiến Washington sẽ đề nghị Bình Nhưỡng cần phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục