Pháp không kích IS tại Syria - Liệu có là hành động khôn ngoan?

Pháp tuyên bố mở các chiến dịch không kích nhằm vào lực lượng thánh chiến của tổ chức (IS) tự xưng tại Syria, liệu đây có phải là một lựa chọn đúng đắn trong tình hình hiện tại?
Pháp không kích IS tại Syria - Liệu có là hành động khôn ngoan? ảnh 1Máy bay Rafale của Không quân Pháp. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Với lý do cần có hành động cụ thể để tự bảo vệ mình, Pháp tuyên bố mở các chiến dịch không kích nhằm vào lực lượng thánh chiến của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tại Syria.

Liệu đây có phải là một lựa chọn đúng đắn khi trên thực tế Paris chưa can dự quân sự mà các vụ khủng bố vẫn xảy ra. Điều gì đảm bảo rằng sức mạnh của bom đạn ở bên ngoài có thể giúp Pháp ngăn chặn được các âm mưu tấn công ở trong nước . Điều gì đảm bảo lựa chọn này không “đổ thêm dầu vào lửa”, kích động các phần tử cực đoan đang hiện diện tại Pháp phát động thánh chiến.

Động thái trên của Điện Elyssee mang màu sắc chính trị nhiều hơn. Với việc triển khai máy bay chiến đấu tới Syria, Paris đang tìm cách làm giảm áp lực chính trị trong nước và khẳng định vai trò của mình trong các nỗ lực mới nhất nhằm tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này. Không phải ngẫu nhiên mà sự chuyển hướng chiến lược này diễn ra cùng những chuyển động đáng chú ý của Mỹ và Nga trên bàn cờ Syria.

Vậy đâu sẽ là giải pháp cho vấn đề an ninh nội địa trước các vụ tấn công đậm chất Hồi giáo thánh chiến từ đầu năm tới nay? Câu trả lời nằm ở sự gắn kết trong xã hội Pháp.

Ở Tây Âu, Pháp là nước có số dân theo đạo Hồi nhiều nhất (khoảng 5 triệu-6 triệu người). Từ trước đến nay, Pháp vẫn đề cao những giá trị của nền cộng hòa được mọi người dân ủng hộ và mong muốn giữ gìn. Vì thế, trong mối quan hệ giữa các cộng đồng sắc tộc, Paris theo đuổi cách tiếp cận thế tục và đồng hóa mạnh mẽ.

Họ bác bỏ ý tưởng xây dựng một xã hội đa văn hóa, bởi lo ngại điều đó có thể hủy hoại những giá trị của nền cộng hòa. Đối với người theo đạo Hồi, thật khó để thể hiện đặc trưng tôn giáo của mình một cách công khai trong xã hội Pháp. Khăn trùm đầu bị cấm trong trường học, trang phục nữ (hijab) hoàn toàn không được xuất hiện ở nơi công cộng. Đây là căn nguyên cho những mâu thuẫn âm ỉ trong lòng xã hội Pháp hiện đại.

Sự kỳ thị và e ngại tín đồ đạo Hồi gia tăng sau các vụ khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ, vai trò đồng minh của Pháp trong các sứ mệnh ở Trung Đông, các bức tranh biếm họa trên tạp chí châm biếm Charlie Hebdo,… có thể được ví như những mồi lửa cho những tư tưởng cực đoan thánh chiến. Đây cũng là yếu tố quan trọng khiến các chính đảng cực hữu ở Pháp ngày càng giành được sự ủng hộ của cử tri. Đó là một vòng luẩn quẩn khiến xã hội Pháp bị chia rẽ sâu sắc.

Vậy nên, không thể lấy sức mạnh của bom đạn, khí tài quân sự… đối chọi với sức mạnh tinh thần. Và đã là chân lý: Trị bệnh phải trị từ gốc mới mong lành bệnh. Paris biết phải bắt đầu từ đâu. Chỉ có điều họ có muốn làm hay không khi đặt cạnh những toan tính chính trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục