Pháp: Nguy cơ cực đoan hóa trong giới thanh thiếu niên nhập cư

Khi nhìn thấy giấc mơ hội nhập vụt tắt và không còn được hưởng sự chăm sóc của Quỹ hỗ trợ xã hội cho trẻ em, một số thanh niên nước ngoài nhập cư có thể trở nên cực đoan hóa.
Pháp: Nguy cơ cực đoan hóa trong giới thanh thiếu niên nhập cư ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutterstock)

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, nhà xã hội học, Giáo sư Manuel Boucher thuộc trường Đại học Perpignan Via Domitia nhận định rằng khi nhìn thấy giấc mơ hội nhập vụt tắt và không còn được hưởng sự chăm sóc của Quỹ hỗ trợ xã hội cho trẻ em, một số thanh niên nước ngoài nhập cư có thể trở nên cực đoan hóa.

Thủ phạm vụ tấn công bằng dao ngày 25/9 vừa qua tại địa chỉ cũ của tòa soạn báo Charlie Heddo ở quận 11 của thủ đô Paris là một thanh niên quốc tịch Pakistan.

Khai báo là trẻ vị thành niên khi đến Pháp hồi năm 2018, đối tượng này trên thực tế 25 tuổi, đã được nhận sự hỗ trợ của Hội đồng tỉnh Val-d'Oise cho đến tháng 8/2020 với tư cách là "trẻ vị thành niên nước ngoài nhập cư không có người lớn đi kèm" (MNA).

Theo thống kê của Quỹ hỗ trợ xã hội cho trẻ em, số lượng MNA đã bùng nổ trong những năm gần đây.

Trong bối cảnh đó, kết quả của một cuộc khảo sát gần đây về việc ngăn chặn chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan do các nhân viên xã hội bảo vệ trẻ em thực hiện dưới sự chỉ đạo của Giáo sư Boucher đã làm sáng tỏ nguy cơ cực đoan hóa của một bộ phận thiểu số trẻ vị thành niên MNA sống trên lãnh thổ Pháp.

[Giới chức Pháp cam kết tăng cường nỗ lực chống khủng bố]

Tại Pháp, những trẻ em trên chủ yếu đến từ các quốc gia châu Phi cận Sahara. Tuy nhiên, cũng có một số trẻ em từ Nam Á như Bangladesh hoặc Pakistan.

Nhiều thanh niên tự nhận là trẻ vị thành niên cho dù biết rõ thực tế không phải như vậy. Tuy vậy, cũng có nhiều người không biết tuổi thực sự của họ.

Nhìn chung, các nhân viên xã hội lưu ý rằng trẻ vị thành niên không có người lớn đi kèm phải di cư vì lý do kinh tế. Họ ra đi với sự đồng ý của gia đình hoặc cộng đồng, với kế hoạch "sống một cuộc sống tốt hơn" so với ở quốc gia xuất xứ.

Thanh niên đạo Hồi chiếm phần lớn số trẻ vị thành niên đơn độc nhập cư vào Pháp. Đến từ những quốc gia mà tôn giáo có một vị trí quan trọng trong cuộc sống hàng ngày, hầu hết họ đều khá bảo thủ về vấn đề phong tục và dành một chút thời gian để tìm hiểu về xã hội thế tục mà họ đang sống.

Tuy nhiên, trong quá trình tiếp nhận văn hóa, họ thay đổi suy nghĩ và tâm lý đã hình thành bên trong họ từ trước khi di cư.

Các nhân viên xã hội rất chú ý đến tình trạng mong manh của nhiều người trẻ tuổi, đã trải qua một hành trình di cư khó khăn và sống trong một khoảng cách lớn giữa môi trường xã hội và văn hóa của quê hương (các quốc gia trong tình trạng chiến tranh, học ở các trường đạo Hồi…) và của Pháp nơi chủ nghĩa thế tục được áp dụng mạnh mẽ.

Khi đến Pháp, trẻ vị thành niên không có người lớn đi kèm đều bày tỏ nguyện vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Sau những khó khăn phải chịu đựng trong hành trình di cư, nhìn chung họ cố gắng tham gia vào quá trình hội nhập xã hội và nghề nghiệp tương ứng với kỳ vọng của họ, với hy vọng nhanh chóng có được việc làm và được trả công.

Họ sẵn sàng đi học hoặc ký hợp đồng học nghề để có được giấy tờ hợp lệ cần thiết cho việc hòa nhập xã hội và nghề nghiệp sau này.

Theo Giáo sư Manuel Boucher, khi còn được hưởng lợi từ giáo dục, những người trẻ tuổi này dường như sống trong một cái "kén" an toàn.

Trong thời gian này, nếu họ được hỗ trợ về mặt xã hội và không thất bại trong kế hoạch thăng tiến xã hội thì nguy cơ họ trở nên cực đoan là rất thấp.

Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc thời gian bảo trợ xã hội, nghĩa là khi họ 18 tuổi, việc gặp gỡ tổ chức chủ quản, trong một số trường hợp, có thể khó khăn và dẫn đến sự khó chịu đáng kể, nhất là đối với những người không có một dự án thực sự về hội nhập xã hội và nghề nghiệp.

Sau đó, nhiều người phải đối mặt với sự đổ vỡ giữa khát vọng được sống ở Pháp - miền đất hứa El Dorado - với thực tế không thể thực hiện trọn vẹn giấc mơ này.

Do đó, các nhân viên xã hội nhận thức rõ rằng đối mặt với sự thất bại của dự án di cư mà gia đình và cộng đồng đặt nhiều hy vọng, đối mặt với sự tan vỡ của giấc mơ nước Pháp, một số người trẻ tuổi có thể quay lưng lại với cộng đồng, trở nên cực đoan và bị cám dỗ sử dụng bạo lực để cứu lấy thể diện.

Trước tình trạng một số người chuyển sang hành động bạo lực do không hội nhập được và bị cực đoan hóa, Pháp không có sự lựa chọn nào khác.

Giáo sư Boucher nhấn mạnh công việc giáo dục thế tục về các giá trị bình đẳng của nền Cộng hòa trở nên rất cần thiết hơn bao giờ hết để quá trình hội nhập của những người nhập cư trẻ tuổi được hoàn thành đầy đủ.

Việc ngăn chặn thành công các hiện tượng cực đoan hóa và chủ nghĩa ly khai dân tộc tôn giáo có liên quan đến các phương tiện mà các cơ quan công quyền sử dụng nhằm tạo điều kiện cho những trẻ vị thành niên nhập cư đơn độc có thể hưởng lợi từ sự hỗ trợ lâu dài về mặt xã hội và giáo dục.

Giáo sư Boucher giải thích điều này có nghĩa là sự bảo trợ trên không thể dừng lại ngay khi đến tuổi trưởng thành, mà những người nhập cư trẻ tuổi phải được giám sát cho đến khi hòa nhập hoàn toàn vào xã hội Pháp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục