Phát triển sinh vật cảnh thành ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao

Các bộ, ngành, địa phương cần thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu các sản phẩm có giá trị kinh tế cao trở thành hàng hóa chủ lực trong nền kinh tế quốc gia.
Phát triển sinh vật cảnh thành ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao ảnh 1Ban chấp hành Hội Sinh vật cảnh Việt Nam nhiệm kỳ 6 (2017-2021) ra mắt đại hội. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh vật cảnh Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2021 diễn ra tại Hà Nội ngày 12/6, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị các bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu các sản phẩm có giá trị kinh tế cao trở thành hàng hóa chủ lực trong nền kinh tế quốc gia.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự và chỉ đạo Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao những đóng góp, thành tích của tổ chức Hội Sinh vật cảnh Việt Nam và hội viên trong việc thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, chú trọng phát triển sinh vật cảnh không chỉ là ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục tình yêu thiên nhiên đất nước của con người Việt Nam; thu hút du lịch và quảng bá hình ảnh đất nước; duy trì sự đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái, tạo môi trường sống trong lành, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị, trong nhiệm kỳ tới, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cần phát huy tinh thần chủ động, đoàn kết, sáng tạo và những giá trị truyền thống quý giá của Hội trong 30 năm qua để tiếp tục “kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung phương thức hoạt động, đẩy mạnh phong trào, hướng tới tầm cao văn hóa và hiệu quả kinh tế-xã hội thiết thực." Hội tiếp tục là địa chỉ tin cậy để hướng dẫn, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, còn là nơi đại diện cho quyền lợi hợp pháp của hội viên, góp phần phát huy tốt hơn sức mạnh và những triển vọng của ngành sinh vật cảnh Việt Nam.

Hội Sinh vật cảnh Việt Nam tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình xứng đáng, nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo trong phong trào sinh vật cảnh trên mọi miền đất nước. Hội có những chương trình hợp tác, hỗ trợ thiết thực để vận động, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động của Hội, nhằm nâng cao tay nghề, kỹ năng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hội cần tích cực tham gia tư vấn, phản biện và giám sát việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học gắn với lĩnh vực sinh vật cảnh; thúc đẩy việc giao lưu, trao đổi, hợp tác quốc tế, xây dựng thương hiệu, mẫu mã hàng hóa, phát triển sản phẩm gắn với thị trường để khẳng định vai trò, vị thế của ngành kinh tế sinh vật cảnh và của tổ chức Hội.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị các bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tiếp tục dành sự quan tâm, có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích đầu tư, phát triển ngành sinh vật cảnh gắn với phát triển du lịch sinh thái; bảo tồn và kiến tạo các không gian văn hóa, sinh thái.

Phát triển sinh vật cảnh thành ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao ảnh 2Đồng chí Nguyễn Hữu Vạn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh nhiệm kỳ VI (2017-2021) trao kỷ niệm chương vì sự nghiệp của Hội sinh vật cảnh cho ông Đỗ Phượng, nguyên Chủ tịch Hội sinh vật cảnh khóa 5. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

[Thêm 783 triệu đồng để bảo tồn loài và sinh vật cảnh hồ Hoàn Kiếm]

Báo cáo tại Đại hội, tiến sỹ Nguyễn Hữu Vạn, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam (nhiệm kỳ 2011-2016) cho biết, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã được thành lập năm 1989 với mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại. Trải qua gần 30 năm hoạt động, tổ chức Hội và phong trào sinh vật cảnh đã có bước phát triển sâu rộng, thu hút được sự tham gia của đông đảo các chủ nhà vườn, người sản xuất kinh doanh và làm dịch vụ sinh vật cảnh, các nhà khoa học, nhà quản lý, nhân sỹ trí thức, các chức sắc và tín đồ các tôn giáo, nghệ nhân, doanh nhân.

Đến nay, Hội đã có bước phát triển mạnh mẽ về tổ chức với trên 350.000 hội viên, hơn 6.000 chi hội, trong đó có khoảng 4.600 doanh nghiệp, hợp tác, trang trại, hơn 150.000 gia trại, nhà vườn sinh vật cảnh, hình thành gần 35.000ha vùng tập trung chuyên canh hoa cây cảnh, cá cảnh, nhiều vùng sản xuất hoa cây cảnh hàng hóa ứng dụng công nghệ cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đạt giá trị bình quân khoảng 285 triệu đồng/ha/năm.

Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 70 triệu USD, giải quyết việc làm cho gần 4 triệu lao động, đóng góp tích cực cho mục tiêu chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn và vùng nông nghiệp ven các đô thị, là nhân tố mới, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới-đô thị văn minh.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành mới với 117 thành viên, tiến sỹ Nguyễn Hữu Vạn đã được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2017-2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục