Quân đội miền Đông Libya tuyên bố vùng cấm bay ở miền Tây

Quân đội miền Đông Libya tuyên bố hoạt động bay tại miền Tây sẽ bị cấm nếu không nhận được sự điều phối trước từ Tổng Chỉ huy các lực lượng vũ trang cũng như sự cho phép của Tướng Khalifa Haftar.
Lực lượng trung thành với Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) kiểm tra đạn dược trước cuộc giao tranh với lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA) tại khu vực ngoại ô Tripoli, Libya, ngày 8/4/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lực lượng trung thành với Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) kiểm tra đạn dược trước cuộc giao tranh với lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA) tại khu vực ngoại ô Tripoli, Libya, ngày 8/4/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quân đội miền Đông Libya ngày 23/11 thông báo thiết lập một "vùng cấm bay" ở miền Tây Libya, trong bối cảnh xung đột vũ trang giữa lực lượng này và Chính phủ được Liên hợp quốc ủng hộ tiếp diễn.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thành phố Benghazi, người phát ngôn quân đội miền Đông Ahmad al-Mismari nêu rõ: "Chúng tôi tuyên bố vùng cấm bay (tại miền Tây Libya), nơi hoạt động bay bị cấm nếu không nhận được sự điều phối trước từ Tổng Chỉ huy các lực lượng vũ trang cũng như sự cho phép của Tướng Khalifa Haftar."

Người phát ngôn giải thích lý do cho quyết định trên là do "những diễn biến trong chiến dịch quân sự, cũng như quân đội đang tiến về thủ đô. Cần phải... cảnh báo cơ quan hàng không và tất cả các hãng hàng không sử dụng khu vực này. Mọi mục tiêu tình nghi đe dọa tới sự an toàn của người dân sẽ bị tấn công, dù là mục tiêu trên mặt đất, trên biển hay trên không."

[Libya: Lực lượng miền Đông phá hủy nhiều xe thiết giáp của quân đội]

Tuyên bố được đưa ra vài ngày sau khi một máy bay không người lái được cho là của Không quân Italy bị lực lượng quân đội miền Đông Libya bắn hạ.

Hôm 20/11, Bộ Quốc phòng Italy xác nhận mất liên lạc với một máy bay không người lái tại Libya.

Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi, Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang.

Hiện, ở nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng.

Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) do ông Fayed al-Sarraj đứng đầu được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn. Trong khi đó, lực lượng của Tướng Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông.

GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi tướng Haftar được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục