Quan hệ Nga và Ukraine vẫn ở "điểm sôi" với quyết định của Kiev

Quan hệ giữa Nga-Ukraine vẫn ở "điểm sôi" với quyết định của chính quyền Kiev mở rộng danh sách trừng phạt các cá nhân, pháp nhân liên quan đến Nga; phía Moskva lập tức lên tiếng phản đối.
Quan hệ Nga và Ukraine vẫn ở "điểm sôi" với quyết định của Kiev ảnh 1

Quan hệ giữa Nga và Ukraine vẫn ở "điểm sôi" với quyết định của chính quyền Kiev mở rộng danh sách trừng phạt nhằm vào các cá nhân, pháp nhân liên quan đến Nga và phía Moskva đã ngay lập tức lên tiếng phản đối.

[Nga sẽ đáp trả hành động mở rộng lệnh trừng phạt của Ukraine]

Các diễn biến xấu leo thang sau khi Ukraine ngày 16/5 tiếp tục cáo buộc các tin tặc Nga đã tiến hành một vụ tấn công nhằm vào trang mạng của Tổng thống Petro Poroshenko.

Trong một thông báo, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Dmytro Shymkiv cho biết trang mạng của Tổng thống Poroshenko đã bị các tin tặc (hacker) tấn công, nhưng các chuyên gia công nghệ Ukraine đã kiểm soát được tình hình và không có mối đe dọa nào đối với trang mạng này.

Chính quyền Kiev cáo buộc các tin tặc có yếu tố Nga đứng đằng sau vụ việc này.

Hiện Điện Kremlin chưa đưa ra tuyên bố gì về các cáo buộc trên.

Trước đó, ngày 16/5, Tổng thống Poroshenko đã phê chuẩn danh sách mở rộng trừng phạt đối với 1.228 cá nhân và 468 thực thể, trong đó hầu hết là người Nga với cáo buộc đóng vai trò trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Các thực thể bị gia hạn trừng phạt từ 1-3 năm, còn đối với các cá nhân, thời gian gia hạn là 1, 3, 5 năm hoặc vô thời hạn.

Ngoài ra, chính quyền Kiev còn liệt vào danh sách đen nhiều kênh truyền hình, trang web và hơn 50 công ty về công nghệ của Nga; trong đó có các trang mạng xã hội "Vkontakte" và "Odnoklassniki," mạng tra cứu lớn nhất của Nga "Yandex," công ty chuyên về phần mềm diệt virus Kaspersky Lab...

Sau khi được thông tin, phía Nga tuyên bố Moskva đang theo dõi rất chặt chẽ tình hình và sẽ sớm có biện pháp đáp trả hành động của Ukraine.

Bộ Ngoại giao Nga cho rằng hành động của Kiev mang động cơ chính trị và vi phạm "rõ ràng và trắng trợn" những quy định quốc tế.

Quan hệ giữa Nga và Ukraine vốn trở nên căng thẳng từ đầu năm 2014 sau khi các lực lượng thân phương Tây tại Ukraine tiến hành "cuộc đảo chính đường phố" lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych.

Vụ việc này đã đẩy đất nước Ukraine vào tình trạng rối ren, dẫn tới việc bán đảo Crimea sáp nhập trở lại vào Liên bang Nga và sau đó là cuộc xung đột nổ ra tại miền Đông giữa quân đội chính phủ Ukraine và các lực lượng đòi độc lập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục