Bộ trưởng Công Thương: Quản lý thị trường không để 'bình mới rượu cũ'

Quản lý thị trường: Không 'bình mới rượu cũ', phải tổ chức chính quy

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường phải thực hiện nhiệm vụ tốt hơn, không để "bình mới rượu cũ" mà phải là lực lượng tinh thông nghiệp vụ, bảo vệ doanh nghiệp và người dân.
Quản lý thị trường: Không 'bình mới rượu cũ', phải tổ chức chính quy ảnh 1Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra hoạt động chấp hành pháp luật của doanh nghiệp. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Lực lượng Quản lý thị trường phải thực hiện nhiệm vụ tốt hơn, không để "bình mới rượu cũ" mà cần đẩy nhanh kiện toàn bộ máy tổ chức, với lực lượng tinh thông nghiệp vụ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người dân.

Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Tổng cục Quản lý thị trường.

[Lãnh đạo Quản lý thị trường nói gì về việc kiện toàn bộ máy, nhân sự]

Thông tin thị trường còn bị động

Từ ngày 12/10/2018, Tổng cục Quản lý thị trường chính thức được hoạt động theo mô hình mới. Thay vì Chi cục trực thuộc Sở Công Thương thì nay thành lập Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh trực thuộc Tổng cục và Đội Quản lý thị trường cấp huyện trực thuộc Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, ngay sau khi thành lập, lực lượng này đã bắt tay vào thực hiện công tác kiện toàn bộ máy và nhân sự, đến thời điểm này đã có 39/63 tổ chức đảng được thành lập và dự kiến việc kiện toàn đội ngũ lãnh đạo sẽ cơ bản hoàn tất vào quý 2/2019.

"Đơn vị nào hoàn thiện xong tổ chức đảng trước sẽ tiến hành ngay công tác bổ nhiệm để cán bộ trong lực lượng có thể yên tâm tác nghiệp và xử lý công việc," ông Trần Hữu Linh nói.

Dù vậy, ông Linh cũng thẳng thắn chỉ ra những khiếm khuyết của lực lượng này, cụ thể là công tác nắm bắt thông tin thị trường còn bị động dẫn đến việc điều hành, kiểm tra, kiểm soát còn hạn chế, chưa kể là công tác dự báo còn yếu.

Trong khi đó, vẫn chưa có một chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ bài bản cho lực lượng Quản lý thị trường, mà chủ yếu các cán bộ của lực lượng này vẫn phải tự học hoặc thông qua tập huấn trong lực lượng chuyên ngành, do vậy khi đi làm việc còn nhiều lúng túng, có thể dẫn đến sai sót...

 

Với tổ chức mới, ông Linh cho hay, lực lượng Quản lý thị trường không chỉ kiểm tra khâu tiêu thụ hàng hóa, ví dụ như hàng giả hiện chỉ đi bắt phần ngọn, trong khi nguồn phát sinh ở nơi sản xuất vẫn chưa được quan tâm, mà thời gian tới sẽ có điều chỉnh theo hướng bài bản hơn để kiểm soát tốt thị trường.

- Số vụ kiểm tra và xử phạt của lực lượng Quản lý thị trường năm 2018:

Ông Linh cũng nhấn mạnh hơn đến việc đẩy mạnh phối hợp với công an, biên phòng, hải quan, cảnh sát biển và chính quyền địa phương... trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, cũng như giải quyết những điểm nóng ở biên giới và khu đông dân cư như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh...

"Tính chất quản lý thị trường là phải đi sâu đi sát vào địa bàn cơ sở tức là ở đâu có người dân, có giao dịch thương mại mua bán thì phải có quản lý thị trường, kể cả vùng sâu, vùng xa có quan hệ mua bán, việc này rất khác so với hải quan chỉ ở một số cửa khẩu nhất định và biên phòng ở cửa khẩu biên giới...," lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường nói.

Phái là lực lượng chính quy

Là tỉnh có có trên 231 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Trường, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã chia sẻ nhiều đặc thù dẫn đến khó khăn trong công tác đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Cụ thể là hàng hóa vi phạm mang lại lợi nhuận cao nên các đối tượng vẫn cố tình vi phạm... Thậm chí lực lượng mỏng nên khi gặp phải các đối tượng chống đối, rất khó để ngăn chặn và bắt giữ hàng lậu.

Chính vì vậy, để tạo ra nhiều bước chuyển mới, ông Trường đề nghị tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các lực lượng, tập trung vào các địa điểm nóng và đánh trúng vào các đầu nậu, kẻ cầm đầu.

Trong khi đó, ông Chu Xuân Kiên, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng đề nghị kiểm soát chặt chẽ hoạt động lưu thông hàng hóa trên thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng trục lợi.

"Nếu các lực lượng chức năng cùng phối hợp và làm tốt ngay từ biên giới thì trên thị trường nội địa, quản lý thị trường cũng giảm bớt được công việc ngăn chặn hàng hóa vi phạm," ông Kiên nêu ý kiến.

Quản lý thị trường: Không 'bình mới rượu cũ', phải tổ chức chính quy ảnh 2Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2019 của lực lượng Quản lý thị trường. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ, lực lượng quản lý thị trường là lực lượng chủ công trong việc thực thi pháp luật, kiểm tra thực thi pháp luật đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vì vậy việc tổ chức lại theo ngành dọc của lực lượng quản lý thị trường là yêu cầu bức thiết trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm đời sống của nhân dân.

Để không lặp lại câu chuyện "bình mới rượu cũ", Bộ trưởng đề nghị lực lượng quản lý thị trường cần có hành động và công việc cụ thể, cũng như thay đổi cách làm trong việc tổ chức và thực thi các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Cho rằng "Nếu vẫn còn hàng giả, hàng nhái tràn lan từ đầu chợ vào trong chợ thì không thể chấp nhận được và cần có sự liên kết kiểm soát trên toàn thị trường" Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý, việc để xảy ra tình trạng buôn lậu kéo dài hoặc nghiêm trọng trên địa bàn nào thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm, đồng thời gắn với trách nhiệm xây dựng lực lượng quản lý thị trường trong sạch từ trung ương đến địa phương.

"Phải sớm xây dựng đề án đào tạo chính quy lực lượng quản lý thị trường, để có nguồn lực mạnh mẽ bảo đảm về đạo đức và năng lực chuyên môn. Đặc biệt, sớm hình thành các trung tâm thông tin dữ liệu về kinh tế số từ hải quan, thuế, môi trường… Bộ Công Thương sẽ tạo mọi nguồn lực đầu tư, thể chế để phát triển lực lượng này," Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh thêm./.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ nhiệm vụ của Quản lý thị trường
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục