Quảng Ninh: Người dân vùng mỏ sống bất an trong những căn nhà chờ sập

"Ở ngay trong chính nhà mình nhưng không biết chết lúc nào, tường thì nứt toác, sân vườn sụt lún, có hố sâu gần chục mét, thi thoảng đang ngủ lại nghe tiếng răng rắc của tường nhà bị bẻ gãy..."
Một góc nhà của ông Phạm Ngọc Thành, tổ trưởng tổ 54, phường Hà Trung đã bị đổ sập. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

“Ở ngay trong chính nhà mình nhưng không biết chết lúc nào, tường thì nứt toác, sân vườn sụt lún, có hố sâu gần chục mét. Thi thoảng đang ngủ lại nghe tiếng răng rắc của tường nhà bị bẻ gãy..!” - ông Phạm Ngọc Thành, tổ trưởng tổ 54, phường Hà Trung, thành phố Hạ Long buồn rầu nói.

Tại tổ 54, 55 khu 5, phường Hà Trung hiện có gần chục ngôi nhà bị rạn nứt, sụt lún đã được lãnh đạo phường xác nhận. Người dân cho biết đã nhiều lần kiến nghị phường, thành phố và Công ty than Hà Lầm để có biện pháp di dời, nhưng đã mấy năm nay, nguyện vọng ấy vẫn chưa được giải quyết.

Phấp phỏng trên “quả đồi rỗng ruột”

Mưa mỗi lúc một lớn. Con đường mòn chạy thẳng lên nhà bà Nguyễn Thị An (78 tuổi), một hộ dân ở tổ 54, chốc chốc lại hõm xuống. Càng lên cao trên đỉnh đồi, nước mưa trút xuống càng khiến những rãnh nứt bị lún sâu.

Xung quanh, nhà của các hộ dân khác cũng bị nứt toác tường, có nơi rộng cả gang tay. Riêng tại nhà bà An, cơn mưa nặng hạt đổ xuống đã khiến một góc mái nhà đổ sập...

“Khổ lắm chú ơi! nhà tôi nằm ngay trên hầm lò khai thác than nên mỗi khi mưa bão lại thêm lo. Gần chục năm qua, cùng với hoạt động khai thác than dưới lòng đất của Công ty than Hà Lầm, sân vườn nhà tôi cũng đã xuất hiện những hố sụt lún. Còn tường nhà thì nứt toác, ở đây nhiều nhà đã bị đổ sập rồi,” bà An rầu rĩ nói.

Cùng chung cảnh ăn ngủ không ngon vì tường nhà nứt toác chờ sập, căn nhà mái bằng của ông Phạm Ngọc Thành (tổ trưởng tổ 54) cũng đã xuất hiện chi chít vết rạn nứt, tường nhà bị biến dạng, mái hiên có chỗ bị sập. Mỗi khi mưa bão kéo đến, gia đình ông và các hộ dân sinh sống trên quả đồi lại phải di dời, đến nhà bà con trong tổ ở nhờ để tránh bão.

“Quả đồi này mấy năm trước công ty than khai thác hầm lò nên bây giờ rỗng ruột như quả trứng gà đã được rút hết lòng, chỉ còn lại vỏ. Thế nên thi thoảng tường nhà lại bị nứt, sân vườn sụt lún. Anh nhìn xem, căn nhà tôi mới xây năm 2008 nằm ngay bên ngôi nhà cũ, nhưng giờ cũng đã bị rạn nứt từ móng tới mái. Không biết đổ sập lúc nào,” ông Thành chia sẻ.

Kế bên nhà ông Thành là nhà ông Bùi Hữu Thiêm, tường nhà cũng xuất hiện nhiều vết nứt từ nhà ra đến sân. Để đảm bảo an toàn, ông Thiêm đã phải sửa chữa, gia cố lại nhưng tường nhà vẫn tiếp tục bị nứt.

“Cứ ở đây không biết chết lúc nào. Năm ngoái, căn nhà cấp 4 của bà Nguyễn Thị Quang sau nhà tôi đã sập. Sau đó, phía Công ty than Hà Lầm họ cũng đã phải trả tiền bồi thường để nhà bà ấy đi nơi khác rồi,” ông Thiêm nói thêm.

Theo tìm hiểu của phóng viên VietnamPlus, người dân tại tổ 54, 55 thuộc khu 5, phường Hà Trung, thành phố Hạ Long đã sinh sống trên "quả đồi rỗng ruột" từ trước những năm 1960, đất đai của họ đã được chính quyền địa phương cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều ngôi nhà trên khu vực đồi đã bị nứt toác, có nguy cơ sạt lở. Một số đã được di dời, nhưng đa số người dân vẫn gồng mình chống chọi trong mùa mưa lũ.

Những rãnh nứt lún sâu ngay sau nhà bà Nguyễn Thị An, ở tổ 54, phường Hà Trung. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

"Quả bóng" trách nhiệm thuộc về ai?

Theo phản ánh của người dân, sau khi nhà bà Quang bị sập từ năm 2014, Công ty than Hà Lầm đã đề nghị hỗ trợ các hộ dân khác trong vùng từ 2 - 10 triệu đồng (tùy từng ngôi nhà bị ảnh hưởng), để mua vật liệu “khâu vá” những chỗ tường bị rạn nứt.

Tuy nhiên, các hộ dân ở tổ 54, 55 phường Hà Trung không đồng ý đồng thời nhiều lần làm đơn kêu cứu, kiến nghị phường Hà Trung, thành phố Hạ Long và Công ty than Hà Lầm để có biện pháp di dời. Thế nhưng, đến nay kiến nghị của người dân vẫn chưa được giải quyết.

“Mỗi khi có mưa lớn, Ủy ban ​Nhân dân phường Hà Trung cũng chỉ có thể đưa xe ô tô đến vận động các hộ dân này đi sơ tán, còn các ngôi nhà bị rạn nứt ở trên quả đồi thì không biết đổ sập lúc nào. Mới đây, trong trận mưa ngày 5/7, nhà bà Nguyễn Thị An cũng bị đổ sập một góc, nhưng rất may không thiệt hại về người,” một người dân ở tổ 54 thông tin.

Nhìn nhận từ góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Khắc Thừ, Phó ​Giám đốc Công ty Than Hà Lầm cho biết, công ty này khai thác hầm lò ở dưới lòng đất nằm cách nhà dân 130-150m, chiều ngang cách hơn 100m. Tuy nhiên, từ tháng 5/2014, công ty đã dừng hoạt động khai thác hầm lò ở khu vực tổ 54, vì trữ lượng ít.

“Điểm khai thác cách nhà người dân hơn 100m thì sao làm nhà dân sụt lún, nứt nẻ được. Trong khi, nhà của một số hộ dân xây dựng đã lâu và có thể xây dựng trên nền đất không đảm bảo thì việc nứt tường là chuyện bình thường. Tôi nghĩ thế,” ông Thừ lý luận.

Thế nhưng, sau khi chia sẻ về một số trường hợp nhà sập đổ ở tổ 54, 55 đã được Công ty than Hà Lầm đền bù, ông Thừ cũng thừa nhận một phần trách nhiệm của công ty đối với các ngôi nhà của dân vì khai thác than ở gần khu vực.

“Vị trí các ngôi nhà bị rạn nứt, sụt lún không thuộc ranh giới giao đất cho công ty nhưng thuộc ranh giới bảo vệ tài nguyên của chúng tôi. Vì thế, từ năm 2014, chúng tôi đã đề nghị hỗ trợ tiền cho các hộ dân sửa chữa nhà, nhưng họ chê ít. Từ đó cũng thôi,” ông Thừ thẳng thắn.

Ông Thừ cũng khẳng định, Công ty than Hà Lầm chỉ có trách nhiệm hỗ trợ tiền cho các hộ dân bị ảnh hưởng để “khâu vá” lại nhà. Riêng trường hợp nhà bà Nguyễn Thị Quang cùng ở tổ 54 bị sập đã được bồi thường hơn 800 triệu đồng, ông Thừ cho rằng “đó là làm theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.”

“Về phía công ty, chúng tôi thừa sức đền bù, nhưng phải hợp lý. Vì thế, trong khi dân bảo lỗi do công ty, trong khi chúng tôi bảo không phải thì giải pháp là báo cáo thành phố để quyết định, cho ý kiến,” ông Thừ nói.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên VietnamPlus sau khi kiểm tra các ngôi nhà bị hư hỏng ở tổ 54, 55 thuộc khu 5, phường Hà Trung, ông Hồ Quang Huy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long cho rằng, nguyện vọng của bà con là điều dễ hiểu.

“Nguyên nhân ở đây có thể do ảnh hường từ việc khai thác than, nhưng cũng có thể do một số yếu tố khác nên cần phải có cơ quan thẩm định đánh giá rõ ràng. Về việc này, thành phố không thể chỉ đạo Công ty than Hà Lầm phải hỗ trợ hay đền bù được, mà sẽ báo cáo lên tỉnh để xin ý kiến,” ông Huy thành thật.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long cũng lưu ý, trong khi chưa có kết luận nguyên nhân gây sụt lún, nứt nẻ nhà dân, thành phố đã yêu cầu lãnh đạo phường Hà Trung lập kế hoạch và chủ động di dời dân để đảm bảo an toàn mỗi khi xảy ra mưa bão.

“Ngoài ra, tôi cũng yêu cầu lãnh đạo phường Hà Trung làm ngày báo cáo đánh giá hiện trạng các ngôi nhà bị rạn nứt, điểm sụt lún, báo cáo thành phố Hạ Long để xin ý kiến Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý,” ông Huy nói./.

Đơn cầu cứu của người dân tổ 54, phường Hà Trung gửi các cơ quan chức năng. (Ảnh: H.V/Vietnam+)
Tường nhà của người dân ở tổ 54 xuất hiện nhiều đường rạn nứt. (Ảnh: H.V/Vietnam+)
Ông Nguyễn Quang Thành, ở tổ 55, phường Hà Trung bên ngôi nhà nứt toác tường. (Ảnh: H.V/Vietnam+)
Một góc nhà ông Phạm Quang Thành, tổ trưởng tổ 54, phường Hà Trung đã bị đổ sập. (Ảnh: H.V/vietnam+)
Tường nhà bà Nguyễn Thị An vừa bị đổ sập, rất may không có thiệt hại về người. (Ảnh: H.V/vietnam+)
Sân nhà của ông Nguyễn Quang Thành, ở tổ 55, phường Hà Trung bị sụt lún thành hố sâu. (Ảnh: H.V/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục