“Quyền lực trung gian” của Indonesia đối với khu vực và thế giới

Indonesia xây dựng quỹ đạo của mình như một "lực lượng xây dựng và kiến tạo hòa bình" trên thế giới, góp phần vào nền hòa bình trong khu vực và trên toàn thế giới.
“Quyền lực trung gian” của Indonesia đối với khu vực và thế giới ảnh 1Binh sỹ Indonesia tuần tra tại sân bay Ngurah Rai ở Denpasar trên đảo Bali ngày 15/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo báo The Conversation, vào tháng 2/2021, cựu Phó Tổng thống Indonesia, ông Jusuf Kalla, đã tiết lộ những nỗ lực hiện tại của ông nhằm chắp nối một thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ Afghanistan với nhóm Hồi giáo cực đoan Taliban.

Indonesia đã chấp nhận vai trò là quốc gia thúc đẩy hòa bình theo yêu cầu của Tổng thống Afghanistan, ông Ashraf Ghani, trong chuyến thăm Indonesia vào năm 2017. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đáp lễ chuyến thăm của Tổng thống Ashraf Ghani bằng cách tới Kabul vào tháng 1/2018.

Sau đó, tháng 5/2018, Indonesia đã tổ chức một cuộc họp "hòa bình Afghanistan" với sự tham gia của ba bên như một phần của nỗ lực "ngoại giao Hồi giáo."

Cam kết của Indonesia với tư cách là một quốc gia xây dựng hòa bình ở Afghanistan phản ánh nguyện vọng của nước này trong việc phát triển các nỗ lực xây dựng hòa bình bên ngoài.

Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa mang lại lợi ích cụ thể cho Indonesia. Indonesia nên xem xét phát triển một chiến lược trong nỗ lực bảo đảm hòa bình và viện trợ nước ngoài để có thể đạt được những lợi ích hữu dụng cho quốc gia mình.

Indonesia bắt đầu tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình vào năm 1956 với việc gia nhập Lực lượng Khẩn cấp Liên hợp quốc (UNEF). Kể từ đó, quốc gia này đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng hòa bình và gìn giữ hòa bình ở cấp khu vực và toàn cầu. Với những hoạt động này, Indonesia đang ngày càng tự coi mình là "một đối tác thực sự cho hòa bình thế giới."

Trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia đã nỗ lực tham gia nhiều hoạt động gìn giữ hòa bình. Quốc gia này đã trở thành một bên của Nhóm Giám sát Quốc tế (IMT) tại miền Nam Philippines.

[Indonesia thúc đẩy đối thoại giải quyết bế tắc ở Myanmar]

Indonesia cũng đã tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình trong cuộc xung đột biên giới giữa Thái Lan và Campuchia vào những năm 1990. Đồng thời nước này cũng cùng Myanmar thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa từ năm 2011-2014.

Hoạt động ngoại giao này đã cung cấp một số cơ sở để Indonesia xây dựng quỹ đạo của mình như một "lực lượng xây dựng và kiến tạo hòa bình" trên thế giới, góp phần vào nền hòa bình trong khu vực và trên toàn thế giới.

Indonesia cũng được biết đến với chủ nghĩa hoạt động "quyền lực trung gian."

"Quyền lực trung gian" là một thuật ngữ để mô tả một quốc gia không phải là siêu cường nhưng vẫn có ảnh hưởng và được quốc tế công nhận. Indonesia làm như vậy bằng cách thể hiện sức mạnh mềm của mình, thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm dân chủ và giải quyết xung đột, thay vì những hoạt động mang tính thực tế như triển khai lực lượng quân sự hoặc phô trương tiềm năng kinh tế khổng lồ.

Indonesia đã là một phần của nhóm MIKTA (gồm Mexico, Indonesia, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Australia). Mối quan hệ đối tác quyền lực trung gian không chính thức này được thành lập vào năm 2013 bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc với mục đích cải thiện quản trị toàn cầu.

Với tư cách là một nhà tài trợ và đối tác phát triển mới nổi, Indonesia gần đây đã cung cấp 36,5 tỷ Rp (khoảng 2,5 triệu USD) viện trợ để đối phó với đại dịch COVID-19 tại Palestine.

Nỗ lực này cộng hưởng với các giá trị của Indonesia trong việc thúc đẩy hợp tác Nam-Nam và ngoại giao sức mạnh mềm bằng cách tiến hành các hoạt động giúp đỡ (thay vì chỉ nhận sự giúp đỡ).

Sự ra mắt của Cơ quan Phát triển Quốc tế của Indonesia (IndoAID) vào năm 2019 cũng đánh dấu sự chuyển dịch từ một bên nhận viện trợ sang một bên cung cấp viện trợ.

Việc đo lường tác động của hoạt động này là không dễ dàng do bản chất vô hình của các hoạt động đóng góp của Indonesia, chẳng hạn như hình ảnh tích cực của đất nước là "một đối tác thực sự cho hòa bình thế giới."

Tuy nhiên, Indonesia không nên gạt bỏ nhu cầu đánh giá những nỗ lực này có thể đóng góp gì cho lợi ích quốc gia của mình.

Chẳng hạn, trong kỷ nguyên Trật tự mới (1966-1998), chính sách đối ngoại của Indonesia có xu hướng đề cập đến "vòng tròn đồng tâm."

Khu vực trước mắt - chẳng hạn như Đông Nam Á - là trọng tâm chính sách đối ngoại của nước này. Ngay cả sau khi chế độ độc tài sụp đổ, một số hoạt động của Indonesia vẫn dựa trên và xoay quanh "vòng tròn đồng tâm" này.

Chúng bao gồm các hoạt động tại các đảo Thái Bình Dương, như việc khởi xướng Diễn đàn Indonesia-Nam Thái Bình Dương (ISPF) năm 2019 và hợp tác với Timor Leste sau khi nước này độc lập khỏi Indonesia vào năm 1999. Ngoài ra, Indonesia còn có một nỗ lực để chế ngự sự ủng hộ dành cho phe ly khai tại Tây Papua.

Viện trợ của Indonesia cho Palestine là một cam kết chuẩn tắc dựa trên sự đoàn kết chống thực dân. Indonesia cũng đang đáp lại sự ưu ái mà Palestine đã dành cho nước này khi Palestine là thực thể đầu tiên công nhận nền độc lập của Indonesia vào năm 1945.

Quan trọng hơn, sau khi "sống sót" sau quá trình chuyển đổi dân chủ lộn xộn, bắt đầu vào năm 1998, Indonesia đã khẳng định mình là một quốc gia Hồi giáo ôn hòa lớn nhất dưới thời Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono (2004-2014).

Việc đóng góp vào tiến trình hòa bình ở Afghanistan là sự thể hiện rõ ràng bản sắc này. Indonesia cũng góp phần vào phong trào toàn cầu chống lại chủ nghĩa cấp tiến. So với các nước phương Tây phát triển và các nước tham gia nỗ lực bảo đảm hòa bình cũng như các nhà tài trợ mới nổi khác, Indonesia là quốc gia rất khác biệt.

Nền tảng cho sự tham gia của Indonesia là một phong trào dựa trên sự đoàn kết và không có ý đồ tìm kiếm lợi nhuận.

Chính sách đối ngoại và lợi ích quốc gia thực sự có thể đóng góp vào việc xây dựng hình ảnh và tình đoàn kết dựa trên bản sắc của Indonesia. Tuy nhiên, quốc gia này cần phải xem xét thêm về việc những nỗ lực này có thể mang lại lợi ích cho chính Indonesia như thế nào.

Những tác động trực tiếp này có thể dưới dạng cho phép tiếp cận thị trường tốt hơn, ưu đãi thương mại lớn hơn và sự tương tác giữa người với người cao hơn.

Những tác động hữu hình này sẽ chuyển thành đòn bẩy chính trị. Khi làm như vậy, Indonesia có thể quảng bá hơn nữa các giá trị của mình, chẳng hạn như dân chủ và giải quyết xung đột một cách hòa bình tại các quốc gia khác.

Về vấn đề này, Indonesia nên xem xét sự can dự mạnh mẽ hơn với các quốc gia trong "vòng tròn đồng tâm" của mình. Những nước láng giềng gần gũi này thường chỉ là một phần trong các ưu tiên ngắn hạn của Indonesia. Đôi khi những quốc gia láng giềng này thậm chí còn bị Indonesia bỏ quên trong chính đối ngoại quốc gia của mình.

Các nước láng giềng gần gũi của Indoneisa, chẳng hạn như Myanmar, là những ví dụ điển hình về các quốc gia nơi Indonesia sẽ có được lợi ích lớn hơn khi quan tâm tới họ nhiều hơn.

Indonesia nên xây dựng chiến lược viện trợ và hoạt động hòa bình của mình để đạt được những lợi ích hữu hình. Tìm kiếm lợi ích hữu hình không phải lúc nào cũng là một trò chơi có tổng bằng không. Suy nghĩ về các ưu tiên quốc gia khi tiến hành các hoạt động viện trợ và gìn giữ hòa bình có thể dẫn đến một giải pháp đôi bên cùng có lợi.

Điều đó sẽ giúp Indonesia tạo ra sự gắn bó lâu dài và sâu sắc hơn, thay vì tạo ra các sự kiện ngắn hạn, diễn ra một lần, đồng thời tiếp thêm sức mạnh cho những nước khác.

Để đạt được điều này, chính phủ Indonesia, đặc biệt là Bộ Ngoại giao nên tham gia nhiều hơn trong các tổ chức tư vấn, giới học giả và các bên liên quan khác để xây dựng tốt hơn hoạt động viện trợ và đóng góp cho nền hòa bình trong khu vực và trên thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục