Liên quan đến dự thảo quy chế quản lý taxi trên địa bàn Thủ đô đang được đưa ra lấy ý kiến và gặp phải sự phản đối của các hãng taxi, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Hà Nội phải có một bộ quy chế quản lý hoàn thiện, là công cụ để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước cũng như chất lượng dịch vụ taxi.
[Nhiều hãng taxi phản đối dự thảo quản lý kinh doanh taxi ở Hà Nội]
Loại cơ chế “xin, cho”, hãng taxi lo bất an
Theo đánh giá của ông Quang, những năm qua, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn Hà Nội đã bộc lộ nhiều bất cập, chất lượng phục vụ chưa tương xứng với giá cước; công tác quản trị của doanh nghiệp taxi còn nhiều tồn tại, công tác quản lý Nhà nước đối với loại hình này chưa hiệu quả.
Khẳng định quy chế quản lý taxi tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh cho thị trường; nâng cao chất lượng dịch vụ taxi, vị Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho rằng, đối tượng mà quy chế hướng tới bao gồm phương tiện, người lái, doanh nghiệp kinh doanh taxi và hành khách.
Để thực hiện được việc đó, Sở Giao thông Vận tải đã đề xuất thành lập trung tâm quản lý chung cho tất cả các hãng taxi tại Hà Nội, sử dụng phần mềm công nghệ để thông tin đến hành khách như chủng loại xe; tên hãng; giá cước dịch vụ; xe ở gần hành khách nhất…
“Việc này giúp hành khách chủ động được chuyến đi, hãng xe taxi cũng hạn chế tối đa Km chạy rỗng. Hơn nữa, dữ liệu quản lý chi tiết đến từng chuyến đi sẽ giúp trung tâm quản lý, điều hành giao thông đô thị chủ động trong việc điều tiết, hạn chế ùn tắc giao thông,” ông Quang phân tích thêm.
Nhìn nhận dù các hãng ứng dụng phần mềm đặt/gọi xe nhưng lại không thống nhất, theo ông Quang, taxi truyền thống đang mất hẳn sức cạnh tranh trước các loại hình taxi công nghệ Uber, Grab. Nếu dùng chung một trung tâm quản lý, hoạt động bài bản, hệ thống trung tâm này sẽ giúp các doanh nghiệp taxi đủ sức để tồn tại và vươn lên.
Một điểm chú ý trong dự thảo quy chế quản lý taxi đó là đấu giá quyền kinh doanh, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải thẳng thắn thừa nhận, trước đây có hiện tượng “xin, cho” trong cấp phép kinh doanh taxi. Khi đem đấu giá quyền kinh doanh sẽ loại bỏ được cơ chế thực trạng này.
“Các hãng taxi cho rằng bị tước quyền tự chủ đầu tư thay thế phương tiện, tự chủ kinh doanh khi đấu giá. Thế nhưng, cơ chế của Sở Giao thông Vận tải đưa ra là rất linh hoạt chứ không cứng nhắc khi đấu giá xong thì doanh nghiệp vẫn có thể chuyển nhượng xe cho nhau,” ông Quang nói rõ.
[“Cởi trói” quy mô số lượng xe tối thiểu, nâng “tuổi thọ” cho taxi]
Phản biện lại vấn đề này, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, thay vì quyền được tự chủ kinh doanh thì các doanh nghiệp lại phải đấu giá mua lại quyền khai thác kinh doanh của chính chiếc xe doanh nghiệp vừa thanh lý, việc này làm gia tăng chi phí và tạo tâm lý bất an cho doanh nghiệp.
“Việc đấu giá sẽ làm số lượng xe của doanh nghiệp không ổn định, không biết doanh nghiệp tồn tại hay không vì phụ thuộc vào kết quả đấu giá mua quyền khai thác kinh doanh, gây nên tình trạng bất an, lúc thừa lúc thiếu, lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp và xã hội,” ông Bình nói.
Khách bất tiện, hãng taxi tăng chi phí
Một điểm đáng lưu ý khác trong dự thảo này là việc tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi theo vùng (vùng 1 bao gồm địa giới hành chính các quận trên địa bàn thành phố, vùng 2 gồm địa giới hành chính tại các huyện thị xã còn lại của Hà Nội).
Các xe taxi hoạt động tại vùng 2 khi đưa khách vào các điểm đón, trả khách trong vùng 1 chỉ được trả khách, không được dừng, chờ đón khách tại các điểm đó và ngược lại.
Đề cập đến băn khoăn, lo lắng của các hãng taxi về việc tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi theo vùng, ông Quang trấn an bằng thông tin, thực tế là các doanh nghiệp khi trình lên phương án kinh doanh đã đăng ký sẽ hoạt động, phục hành khách ở khu vực nào.
“Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đăng ký hoạt động ở ngoại thành, thậm chí là ngoại tỉnh nhưng lại đem xe vào nội thành kinh doanh, gây xáo trộn thị trường, cạnh tranh không lành mạnh, gia tăng áp lực giao thông cho thành phố. Quy định phân vùng hoạt động sẽ loại bỏ vấn đề này,” lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải khẳng định.
Cho rằng quy định này rất phức tạp dưới góc độ hành khách, bác Nguyễn Trọng Thao (Ba Đình, Hà Nội) đặt ra câu hỏi, các xe vùng 1 chở khách sang vùng 2 sẽ không thể mở cửa đón khách khi có người đứng trên đường vẫy xe mà bắt buộc phải quay về vùng 1 để hoạt động? Hành khách sẽ lại phải chờ xe khác hoạt động đúng vùng đến đón nên sẽ rất mất thời gian.
Hơn nữa, khách cũng không thể phân biệt được xe taxi đó thuộc vùng nào? Như thế, phân vùng hoạt động sẽ rất bất tiện và thiệt thòi cho cả doanh nghiệp taxi và hành khách,” bác Thao nhấn mạnh.
Thậm chí, bác Thao còn tỏ ra nghi ngờ về nhân lực con người trong công tác giám sát của trung tâm quản lý chung sẽ thực hiện ra sao khi quy định các xe phải hoạt động vùng đã đăng ký?
Cho rằng tất cả những lo lắng trên có thể xuất phát từ việc chưa hiểu rõ bản chất các quy định được xây dựng trong dự thảo quy chế quản lý hoạt động kinh doanh taxi, ông Quang bày tỏ, Sở Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục đối thoại, giải thích với doanh nghiệp để làm rõ những khúc mắc./.