SSI: Ba lĩnh vực được kỳ vọng trên thị trường chứng khoán năm 2021

Theo báo cáo về thị trường chứng khoán Việt Nam, ngành năng lượng, tiêu dùng không thiết yếu và bất động sản là ba lĩnh vực có thể đạt mức tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2021.
SSI: Ba lĩnh vực được kỳ vọng trên thị trường chứng khoán năm 2021 ảnh 1Một phiên đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Trong Báo cáo với tiêu đề “Sơ lược về triển vọng vĩ mô & thị trường Việt Nam năm 2021: Vượt qua bão giông,” các nhà phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) đã chỉ ra nhiều điểm thuận lợi để kỳ vọng vào sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021.

Theo báo cáo, ngành năng lượng, tiêu dùng không thiết yếu và bất động sản là ba lĩnh vực có thể đạt mức tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2021.

Khác biệt từ vai trò “nhà đầu tư F0”

Theo SSI, năm 2021, ước tính tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết trong phạm vi nghiên cứu của công ty là 23% sau khi giảm 17% trong năm nay.

Ngày 28/12, hệ số P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) thị trường năm 2021 ở mức 16,03 lần.

Theo SSI, P/E trung vị (Trung vị là số nằm giữa trong một tập dữ liệu có các số được sắp xếp) trong giai đoạn 2018-2020 là 16,4 lần và mức P/E đạt được cao nhất là 21,6 lần tại ngày 22/3/2018.

Với hệ số P/E thị trường là 16,03 lần, theo quan sát của công ty chứng khoán này, định giá hiện tại của hầu hết các ngành đã quay trở lại mức trước COVID-19, ngay cả khi tính đến lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ năm 2021.

[10 sự kiện nổi bật trong lĩnh vực chứng khoán năm 2020]

Tuy nhiên, SSI thừa nhận rằng năm 2020-2021 có thể sẽ khác, đặc biệt khi tính đến thanh khoản dồi dào và vai trò của nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là nhà đầu tư “F0” (tên gọi chung trên toàn thế giới về làn sóng các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường chứng khoán sau khi dịch bệnh bùng nổ) ngày càng tăng.

Ngoài ra, định giá thị trường Việt Nam vẫn còn thấp hơn tương đối so với các nước khác trong khu vực. Trong kịch bản tốt nhất, dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán sẽ là động lực giúp P/E thị trường năm 2021 đạt mức cao kỷ lục như mức đã đạt được trong vòng 3 năm qua.

Trong kịch bản cơ sở, SSI sử dụng mức hệ số P/E 18 lần cho chỉ số VN-Index trong năm 2021 (tương đương với triển vọng tăng giá là 12,3%).

Ngành ngân hàng và bất động sản là hai ngành lớn nhất trong VN-Index, với tỷ trọng lần lượt là 27% và 26%.

SSI khuyến nghị cần lưu ý rằng cả hai lĩnh vực này đều được cho là hưởng lợi trong đại dịch do môi trường lãi suất thấp và thanh khoản dồi dào giúp cải thiện NIM (biên độ lãi ròng) của các ngân hàng niêm yết, trong khi rủi ro hình thành nợ xấu là hạn chế do đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ hai và thứ ba diễn ra rất ngắn. Mặt khác, giá bất động sản tiếp tục tăng trong bối cảnh nguồn cung tại Thành phố Hồ Chí Minh ở mức hạn chế.

Theo dự báo của SSI, ngành năng lượng, tiêu dùng không thiết yếu và bất động sản là 3 lĩnh vực có thể đạt mức tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2021.

SSI cho biết VN-Index liên tục tăng trưởng vượt trội hơn so với chỉ số MSCI FM (Chỉ số thị trường mới nổi của tổ chức xếp hạng thị trường Morgan Stanley Capital International) trong 5 năm qua.

Tính từ đầu năm, VN-Index tiếp tục tăng mạnh hơn 12,7% so với chỉ số MSCI FM. Tương tự như các thị trường khác, nhóm Mid-cap (nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa) đã tăng nhiều hơn 12% so với VN30 trong năm 2020, sau 3 năm liên tiếp kém hiệu quả hơn nhóm VN30.

Trong đợt đánh giá mới nhất, MSCI đã công bố tỷ trọng của Việt Nam trong rổ chỉ số MSCI Frontier Market 100 sẽ tăng từ 12,5% lên 28,76% vào tháng 11/2021 sau 5 giai đoạn.

Hiện tại, Việt Nam có tỷ trọng 14,2% trong rổ chỉ số này. Đây có thể là yếu tố tích cực thu hút dòng vốn nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam trong năm 2021.

Nhưng cũng cần lưu ý rằng MSCI cũng đang tham vấn về việc phân loại lại thị trường Argentina từ thị trường mới nổi sang thị trường cận biên hoặc thị trường độc lập.

“Tuy nhiên, chúng ta cần đợi đến tháng 6/2021 để xem liệu nước này có quay trở lại thị trường cận biên hay không. Nếu có, Argentina có thể chiếm một phần lớn thị tỷ trọng của thị trường Việt Nam trong rổ chỉ số,” SSI nhận định.

Theo công ty chứng khoán này, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục là động lực chính cho thị trường chứng khoán. Số lượng tài khoản mở mới đạt đỉnh vào tháng 11, mức cao nhất theo tháng từ trước đến nay. Nhà đầu tư nước ngoài từng chiếm 15-18% tổng giá trị giao dịch trong những năm trước đây.

Tuy nhiên, tính đến hết tháng 11 năm 2020, tỷ trọng nhà đầu tư nước ngoài giảm xuống chỉ còn 12% và chỉ còn khoảng 7,7% trong những tuần gần đây.

Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 700 triệu USD trong 11 tháng năm 2020 và chỉ có các quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục) có dòng vốn vào ở mức khiêm tốn, đạt 95 triệu USD trong 11 tháng năm 2020.

Nếu dòng vốn nước ngoài quay trở lại vào năm 2021, đặc biệt với tỷ trọng cao hơn cho Việt Nam trong chỉ số MSCI FM, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh cho thị trường chứng khoán trong năm sau, do nhà đầu tư cá nhân thường có động thái hành động theo nhà đầu tư nước ngoài.

Kỳ vọng từ kinh tế vĩ mô

Tác động của mô hình phục hồi chữ V trên toàn cầu có thể giúp Việt Nam tăng trưởng cao hơn, do Việt Nam đã trở thành trung tâm có tầm quan trọng hơn trong hệ sinh thái công nghiệp chế biến chế tạo toàn cầu.

Trong quý 4/2020, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tăng 6,3% so với cùng kỳ, riêng tháng 12 tăng 9,5% so với cùng kỳ, trong khi ngành sản xuất đạt tăng trưởng đáng kể ở mức 9% so với cùng kỳ. Điều này xác nhận cho sự phục hồi về mặt sản xuất đã quay trở lại mức trước khi có dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh mẽ hơn từ các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Khi tăng trưởng đầu tư công quay lại mức tăng trưởng bình thường, thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI có thể trở lại vai trò dẫn dắt. Câu chuyện về tăng trưởng đầu tư công mạnh mẽ (hơn 40% so với cùng kỳ) chỉ khả thi trong năm 2020, tức là năm cuối của giai đoạn 5 năm. Vì vậy trong năm 2021, SSI dự báo tăng trưởng giải ngân đầu tư công sẽ khó có thể tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ.

Tuy vậy, dòng vốn FDI dự kiến sẽ tăng mạnh trở lại khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Chuyên gia từ SSI thông tin nhiều công ty khu công nghiệp niêm yết trong nước cho biết, các khách hàng của họ đã hoãn kế hoạch đầu tư vào Việt Nam trong năm nay do hạn chế đi lại.

Tuy nhiên, dòng vốn FDI đăng ký trong năm 2020 chỉ giảm 8,7% so với cùng kỳ (tổng vốn FDI đăng ký khoảng 21 tỷ USD theo giá trị tuyệt đối, thấp hơn năm 2019 khoảng 2 tỷ USD). Điều này khiến triển vọng cho năm 2021 đầy hứa hẹn về dòng vốn FDI.

Bên cạnh đó, SSI cho rằng tiêu dùng nội địa sẽ phục hồi từ năm 2021. Ngoài ra năm 2021, rất nhiều luật mới sẽ có hiệu lực như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Hợp tác công tư (PPP), Luật Bảo vệ môi trường...

Thứ hai là cải cách doanh nghiệp nhà nước, đây là bước cuối cùng khi hầu hết các doanh nghiệp nhà nước được tư nhân hóa.

Năm 2021, theo SSI nền kinh tế phục hồi nhờ sản xuất thành công vắcxin COVID-19; chuyển dịch từ trái phiếu doanh nghiệp sang tín dụng ngân hàng và tài chính tiêu dùng tăng trưởng trở lại.

Vì vậy, SSI ước tính tăng trưởng tín dụng nằm trong khoảng 13-14% cho năm 2021, cao hơn ước tính năm 2020 (tăng trưởng tín dụng có thể đạt 12%) và sát với năm 2018 và 2019 là hơn 13%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục