“Sừng tê giác không phải là thần dược hay đẳng cấp"

Nhiều người Việt bỏ hàng tỷ đồng mua sừng tê giác để chữa bệnh, nhưng thực tế chưa có công trình khoa học nào chứng minh điều đó.
“Nhiều người Việt bỏ hàng tỷ đồng để mua sừng tê giác vì cho rằng nó có thể chữa bách bệnh, kể cả ung thư và tăng cường sức mạnh đàn ông. Nhưng thực tế chưa có công trình khoa học nào chứng minh điều đó. Và, đến nay Việt Nam vẫn bị coi là một trong những thị trường lớn trên thế giới về tiêu thụ sừng tê giác.” Thông tin trên vừa được đưa ra ngày 20/9, tại buổi họp báo “Ngày Tê giác thế giới 2013-Sừng tê giác không giúp bạn thể hiện đẳng cấp, cũng không phải là thần dược” do đoàn đại biểu Quốc hội, nhà báo, nghệ sĩ, cán bộ cảnh sát môi trường và các nhà bảo tồn Việt Nam vừa trở về Hà Nội sau chuyến thăm và làm việc 10 ngày tại Nam Phi về vấn đề buôn bán sừng tê giác xuyên quốc gia. Đại biểu Quốc hội Võ Tuấn Nhân cho biết: “Tại Vườn quốc gia Kruger, chúng tôi đã nhìn thấy một cảnh tượng thật khủng khiếp, xác một cá thể tê giác đã bị bắn chết hơn một tuần để lấy sừng. Các bạn Nam Phi cho biết từ tháng 1/2013 đến nay, đã có 635 cá thể tê giác Nam Phi bị săn bắn để lấy sừng và gần 2/3 trong số đó bị giết hại ngay tại Vườn quốc gia Kruger này.” [Giảm cầu sừng tê giác qua “Cuộc chiến tranh săn bắt”] Vẫn mang vẻ sửng sốt, nghệ sĩ hài Xuân Bắc-người vừa chính thức trở thành Đại sứ bảo vệ Tê giác trong ngày hôm nay kể, đoàn công tác đã tận mắt chứng kiến những bộ xương của những cá thể tê giác đã chết, tất cả còn lại chỉ là da và xương. Còn những chiếc sừng đã bị bọn săn trộm lấy đi. “Theo các chuyên gia y tế thì sừng tê giác không phải là thần dược. Do vậy, chúng ta đừng để bị lừa và cũng đừng lãng phí tiền của chính mình chỉ vì lời ong bướm của những kẻ buôn lậu hám lợi. Cùng với đó, mọi người cần phải dừng lại trước khi mọi việc trở nên quá muộn đối với loài tê giác,” nghệ sĩ Xuân Bắc khuyến nghị. Ở phía phía đơn vị bảo tồn, ông Andrew Paterson, Giám đốc Quỹ Bảo tồn Tê giác cho biết, chuyến thăm và làm việc là dịp để các đại biểu của Việt Nam tận mắt chứng kiến thực trạng tại quốc gia Nam Phi, mang câu chuyện và những trải nghiệm của mình chia sẻ với cộng đồng ở Việt Nam. “Việc giết hại tê giác chỉ chấm dứt khi nhu cầu về sừng tê giác tại những thị trường tiêu thụ lớn như Việt Nam chấm dứt. Do đó, chúng tôi hy vọng câu chuyện của các thành viên trong đoàn đại biểu Việt Nam sẽ thực sự tạo nên khác biệt”, ông Andrew Paterson nhấn mạnh./.

Tê giac ở Vườn quốc gia Kruger Nam Phi. (Ảnh: ENV)


Tê giác bị giết, lấy sừng ở Nam Phi (Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng-BTC)
Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục