Tai nạn giao thông trên cả nước làm chết 38 người ngày 30 Tết

So với ngày hôm qua 17/2 (29 Tết), có cùng số vụ tai nạn giao thông nhưng số người chết đã tăng thêm 5 người và số người bị thương tăng 13 người.
Tai nạn giao thông trên cả nước làm chết 38 người ngày 30 Tết ảnh 1Một vụ tai nạn giao thông tại Đà Nẵng (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ngày 18/2 (30 Tết), toàn quốc xảy ra 56 vụ tai nạn giao thông, làm chết 38 người, bị thương 39 người; so với cùng kỳ 30 Tết năm ngoái giảm 5 vụ, giảm 10 người bị thương nhưng tăng 8 người chết. So với ngày hôm qua 17/2 (29 Tết), có cùng số vụ tai nạn giao thông nhưng số người chết đã tăng thêm 5 người và số người bị thương tăng 13 người.

 

Tất cả các vụ tai nạn trên đều xảy ra trên đường bộ, không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý trên 4.700 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; tạm giữ 31 xe ôtô, trên 1.000 xe môtô; tước 165 giấy phép lái xe.

 

Chiều 17/2 và sáng 18/2, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, do phần lớn người dân đã về quê ăn Tết nên mật độ phương tiện tham gia thấp, giao thông thông suốt, đường phố vắng lặng, yên bình.

 

Năm 2015 đã xuất hiện dịch vụ xe hợp đồng đưa sinh viên về quê ăn tết tại các trường đại học. Đây là một dịch vụ được đánh giá rất cao với giá vé hợp lý, không có tình trạng nhồi nhét, đồng thời giảm tải đáng kể áp lực vận chuyển hành khách tại các bến xe.

 

Tại Hà Nội, tình trạng người tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy ý thức kém, không đội mũ bảo hiểm, kẹp 3, kẹp 4, lạng lách đánh võng, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, không chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông diễn ra khá phổ biến. Xuất hiện tình trạng taxi không nhận chở khách đi trong nội thành hay đi quãng ngắn, nguyên nhân là do nhiều gia đình ngoại tỉnh thuê xe taxi về quê hoặc ra sân bay nên nguồn taxi trong nội thành giảm đáng kể, ngoài ra các lái xe muốn tìm những cung đường dài, cước phí lớn, tránh được các điểm ùn tắc, tốn thời gian, cước phí thấp trong nội thành.

 

Đến thời điểm này, lực lượng Cảnh sát giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều đã công bố phương án phân làn, phần luồng để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong đêm giao thừa.

 

Tại Hà Nội, các phương tiện không được phép lưu thông trên cầu Nhật Tân từ 23h45 ngày 18/2 (tức đêm 30 tháng Chạp) đến 1h ngày 19/2 (mùng 1 tết); đồng thời từ 21h ngày 18/2 đến 2h ngày 19/2 cấm các loại xe ô tô tải (loại trên 500kg), xe khách (loại 16 chỗ trở lên) lưu thông trên các tuyến đường: Võ Nguyên Giáp (đoạn từ Quốc lộ 5 kéo dài đến cầu Nhật Tân), Võ Chí Công, cầu Nhật Tân, Nguyễn Hoàng Tôn, Xuân La, An Dương Vương, Âu Cơ, Lạc Long Quân, Nghi Tàm, Thanh Niên. Trong các khung giờ này, các phương tiện di chuyển từ phía Bắc đến phía Nam thành phố và ngược lại có thể di chuyển theo hướng đường Võ Văn Kiệt qua Cầu Thăng Long đến đường Phạm Văn Đồng và đi bằng đường cao tốc trên cao. Đồng thời người điều khiển phương tiện có thể đi đường Võ Nguyên Giáp trên đường Quốc lộ 5 kéo dài để đi cầu Đông Trù, tới Quốc lộ 5 đến cầu Thanh Trì.

 

Công an hầu hết các tỉnh, thành trên toàn quốc đều đã lên phương án huy động và bố trí lực lượng tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông-trật tự công cộng đêm 30 Tết.

 

Tại Hà Nội, toàn bộ lực lượng công an thành phố sẽ ra quân làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, bố trí lực lượng tại 31 điểm bắn pháo hoa trên địa bàn thành phố, riêng điểm bắn pháo hoa trên cầu Nhật Tân đã có phương án bố trí lực lượng riêng.

 

Công an thành phố Hồ Chí Minh cũng đã lên phương án bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại 8 điểm bắn pháo hoa trên địa bàn thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục