Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Vừa mừng, vừa lo

Tâm sự chân thành của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lời cảm ơn tới toàn thể đồng chí, cử tri và nhân dân cả nước đã tin tưởng giao trọng trách, ông giãi bày: Mừng vì được tín nhiệm, nhưng lo cũng nhiều...
Tâm sự chân thành của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021 phát biểu nhậm chức. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 23/10/2018, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, với 476/477 phiếu tán thành, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021. Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 8, với 100% số phiếu tán thành, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước. Kết quả này cho thấy lòng dân - ý Đảng là một, đồng thuận, nhất trí rất cao.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ phấn khởi, tin tưởng Quốc hội đã sáng suốt bầu chọn đúng người có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín để đảm nhiệm hai trọng trách lớn - người lãnh đạo cao nhất của Đảng đồng thời là người đứng đầu Nhà nước; tin tưởng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ “cầm lái” vững vàng, đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững, nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, việc Tổng Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước không phải là “nhất thể hóa", cũng không phải là “kiêm nhiệm”, bởi đây là hai thiết chế khác nhau trong hệ thống chính trị, không có vai nào chính, vai nào phụ, mà là một người đảm nhiệm làm đồng thời hai cương vị công tác.

Đúng 15 giờ 15 phút, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ trước toàn thể quốc dân, đồng bào, dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc. Lễ tuyên thệ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đồng bào, cử tri cả nước cùng theo dõi.

Trong phát biểu nhậm chức ngay sau đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lời cảm ơn tới toàn thể đồng bào, đồng chí, cử tri và nhân dân cả nước đã tín nhiệm, tin tưởng giao trọng trách. Giản dị và chân thành, ông kể lại những thời khắc của hơn 12 năm về trước, cũng vào buổi chiều, ngày 26/6/2006, ông đã phát biểu nhậm chức Chủ tịch Quốc hội khóa XI tại Hội trường Ba Đình lịch sử.

Khi đó, ông giãi bày tâm trạng vừa mừng, vừa lo; mừng vì đã được Quốc hội tín nhiệm, tin cậy, nhưng lo cũng rất nhiều. Từ vị trí Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, trở thành người đứng đầu cơ quan lập pháp tối cao, yêu cầu nhiệm vụ khác trước rất nhiều, trách nhiệm công việc nặng nề hơn. Trước Quốc hội, ông khẳng định sẽ cố gắng hết sức mình, ra sức học tập và rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, kế tục xứng đáng nhiệm vụ của các đồng chí đi trước, góp phần cùng các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn mới.

Hơn 12 năm qua, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, rồi Tổng Bí thư của Đảng, ông đã cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đoàn kết phấn đấu, đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, khẳng định vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Giờ đây nhận trọng trách mới, từ đáy lòng mình, ông vẫn thấy “vừa mừng, vừa lo,” thậm chí còn lo nhiều hơn. Đó là tâm sự chân thành của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, khi ông đảm nhiệm đồng thời hai trọng trách lớn, công việc tăng lên rất nhiều, trách nhiệm rất lớn. Hơn nữa, đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tình hình khu vực và thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, “còn nhiều việc lớn, việc khó phải làm và phải làm tốt hơn nữa mới có thể thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng”, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, đổi mới và hội nhập thành công, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong bối cảnh tình hình mới, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới, đòi hỏi phải tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, thuận lợi để phát triển đất nước…

Để có thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử to lớn đó, điều cốt yếu là phải phát huy cho được sức mạnh của cả dân tộc, đó là sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sự chung sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Bởi vậy, điều mong muốn nhất của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là luôn nhận được ủng hộ, đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ của đồng chí, đồng bào, cử tri cả nước. Về phần mình, ông tự nhận: Trình độ, năng lực, sức khỏe có hạn. Lần thứ hai phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, ông chia sẻ niềm vinh dự được tín nhiệm cao, nhưng cũng hết sức trăn trở, làm sao để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, xứng đáng với sự tin cậy của đồng chí, đồng bào cả nước. Đằng sau những lời giản dị, khiêm tốn đó là sự chân thành, sâu sắc và tầm nhìn xa trông rộng của nhà lãnh đạo.

Nguyện nỗ lực hết mình để phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân đã tin cậy giao phó, nhưng trên hết, ông kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chung sức đồng lòng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra. Sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, chỉ có thể đạt được thắng lợi nếu biết dựa vào dân, huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, vì lợi ích của nhân dân, đó là điều ông hằng tâm niệm và nhắn nhủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục